A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm tựa cho tuyến đầu chống dịch

 

QPTĐ-Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô thực hiện nhiệm vụ tại các địa điểm cách ly tập trung đang phải đối mặt với nhiều gian nan, vất vả, thậm chí là nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao, để sớm tối cùng chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho người dân an tâm thực hiện quy định phòng dịch. Điểm tựa cho những người lính vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả chính là người cha, người mẹ, người vợ nơi hậu phương vững chắc.

Chị Nguyễn Thị Hiền, vợ Trung úy QNCN Đỗ Văn Bình một mình quán xuyến công việc của gia đình.

Đã gần trưa, cái nắng của những ngày Hè như thiêu như đốt nhưng chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ vẫn tất bật nhổ cỏ, phát quang bờ bụi, dọn dẹp lại mảnh vườn sau nhà để chống ruồi muỗi, rắn rết trú ngụ. Chị Hiền chia sẻ: “Khu nhà em nhiều rắn, rết, cỏ cây mọc tốt một tý là có rắn nên nắng cũng phải tranh thủ làm anh ạ. Còn chiều nay, xã thông báo bà con đi lấy nước chuẩn bị cho cấy vụ mùa nên em phải ra đó nữa”. Chúng tôi được biết, đã hơn 1 năm nay, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị Hiền luôn tranh thủ thời gian như vậy. Cũng theo như chị Hiền chia sẻ thì nhà “neo người”, mẹ chồng chị mất sớm, bố chồng là thương binh nặng đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, hai con còn nhỏ, một cháu năm nay vào học lớp 4 và cháu thứ hai bắt đầu vào lớp 1. Mọi công việc lớn, bé của gia đình từ đối nội, đối ngoại như ma chay, hiếu, hỷ cho đến công việc đồng áng, cơm nước nội trợ, chăm con… đều do một tay chị quán xuyến. Chồng chị-Trung úy QNCN Đỗ Huy Bình, Nhân viên quản lý bếp ăn, Trung đoàn 59, Sư đoàn Bộ binh 301 là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh covid-19 nên trực 100% quân số. Mà nếu đơn vị có cho phép thì anh cũng không dám về vì sợ sẽ mang nguồn lây nhiễm bệnh cho gia đình và cộng đồng. Thế nên đã gần hai tháng làm nhiệm vụ ở khu cách ly, anh chưa về thăm nhà, dù đơn vị chỉ cách nhà chưa đến 3 cây số. Chị Hiền cho biết: “Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, đơn vị chồng em đón nhận hơn 20 đợt công dân từ vùng dịch, rồi các F1 về cách ly tại đơn vị. Trước kia công dân cách ly là 14 ngày nhưng giờ là 21 ngày theo quy định. Chồng em làm nhiệm vụ bảo đảm cơm nước phục vụ công dân trong đó, cứ sau mỗi đợt cách ly mà không có công dân nào bị dương tính với virut thì chồng em được về nhà. Còn đợt nào mà có công dân dương tính thì chồng em phải ở lại đơn vị cách ly thêm 14 ngày nữa, kiểm tra an toàn mới được về. Vắng chồng, người trụ cột chính trong gia đình, công việc cuộc sống thường ngày sẽ rất vất vả, nhất là lúc trái gió trở trời các con đau ốm. Nhưng tất cả em đều cố gắng được, em chỉ mong sao chồng được mạnh khỏe, bình an, vững vàng cùng đồng đội tham gia đẩy lùi dịch bệnh, đem lại bình yên cho nhân dân”.

Còn Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nhân viên Ban Tham mưu, Ban CHQS quận Hà Đông cũng có chồng là bộ đội. Anh đang lái xe cho Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, cũng là lực lượng sẵn sàng tăng cường làm nhiệm vụ chống dịch tại Bắc Giang. Có thời điểm, cả hai vợ chồng đều trực để phòng chống dịch nên cuộc sống gia đình có nhiều xáo trộn. Tuy 2 con trai 6 tuổi và 18  tuổi của chị Huyền hiểu được sự vắng mặt của bố mẹ lúc này nên đều rất ngoan, tự chăm sóc nhau để bố mẹ yên tâm công tác nhưng nỗi niềm lo lắng, quan tâm dành cho con cái của cha mẹ là vô hạn, có thể tạm gác lại nhiều niềm riêng tư, chứ không thể không quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của các con được. Vậy nên, mỗi khi hết ca trực, chị Huyền lại tất bật “tranh thủ”  đi chợ mua sắm thức ăn, về làm sạch để trong tủ lạnh cho các con khi bố mẹ vắng nhà. Chị Huyền tâm sự: “Cháu lớn nhà mình năm nay thi vào đại học. Do điều kiện dịch bệnh, cháu học trực tuyến ở nhà, đây là thời điểm quan trọng của cháu, nếu có bố mẹ bên cạnh giám sát, động viên con thì tốt. Nhưng vợ chồng mình đều là quân nhân, vì nhiệm vụ rồi quy định thực hiện phòng chống dịch, có lúc bố mẹ đều trực ở đơn vị, các cháu ở nhà một mình nghĩ cũng thương. Vì vậy, thời tiết nắng nóng oi bức, áp lực công việc mệt mỏi nhưng mỗi khi được nghỉ một vài tiếng là mình về ngay nhà, động viên các con cố gắng học tập, để bố mẹ tập trung cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất”. 

Vẫn biết rằng, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì những chiến sĩ nơi tuyến đầu, trên mặt trận chống dịch vẫn phải tiếp tục ngày đêm vượt gian khổ, kiên cường bám “trận địa” để mang lại bình yên cho nhân dân. Và nơi hậu phương, những người vợ, người con vẫn canh cánh trong lòng nỗi niềm lo âu mong nhớ nhưng họ luôn hướng về nơi ấy với một niềm tin chiến thắng để hẹn ngày sum họp gia đình.

VĂN TUÂN - HẢI YẾN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ