A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cựu quân nhân làm giàu trên quê hương

 

QPTĐ-Chúng tôi đến nhà anh Dư Anh Tuấn ở thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô (Ba Vì), là bộ đội xuất ngũ trở về địa phương, rồi học trung cấp sửa chữa ô tô, sau nhiều năm lăn lội với việc làm kinh tế bên ngoài, năm 2013, anh Tuấn quyết định làm kinh tế trang trại trên quê hương. Lúc đầu ra làm kinh tế trang trại, anh cũng như bao thanh niên khác, cảm thấy thật khó khăn. Nhưng nhờ sự động viên của người thân, vượt qua những khó khăn ban đầu, dần dần anh Tuấn đã khẳng định được mình trong việc phát triển kinh tế từ mô hình vườn, ao, chuồng.

Anh Dư Anh Tuấn có diện tích ao nuôi cá hơn 6.000 mét vuông.

Trên diện tích của gia đình khoảng 7.500 mét vuông sau dồn ghép ruộng đất, anh Tuấn quy hoạch rõ ràng cho từng khu vực chăn nuôi. Đó là diện tích nuôi cá khoảng 6.000 mét vuông, còn lại là diện tích trồng cây ăn quả, làm chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Về nuôi cá nước ngọt, anh nuôi các loại cá truyền thống như trắm, chép, rô phi, trôi, mè. Theo anh Tuấn, nuôi cá nước ngọt khá đơn giản, không phải bỏ ra quá nhiều công để chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nguồn thức ăn cho cá rất dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, cám, bột các loại nên chi phí đầu tư thấp; ngày cho ăn từ 1 đến 2 lần nên không mất nhiều thời gian. Để áp dụng thành công mô hình này, các hộ nuôi thủy sản cần tuân thủ đúng quy trình xử lý môi trường ao nuôi. Trước hết, khâu tẩy dọn theo các bước: Tát cạn, vét bớt bùn, rắc vôi, phơi ao, bón lót cho ao phân chuồng hoai mục và phân xanh rồi mới cho nước vào. Nước cấp vào ao cần được lọc qua lưới để loại trừ các loài cá tạp lọt vào cũng như giữ cho nguồn nước không bị ô nhiễm; phải thường xuyên vớt các phần thức ăn dư thừa hằng ngày để giữ sạch cho nước. Khi có biểu hiện không tốt về môi trường, cần kịp thời xử lý bằng vôi bột hoặc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học. Mỗi năm anh Tuấn thường thả khoảng 3 tấn cá giống, cuối năm anh thu khoảng 20 tấn cá thương phẩm, lãi cũng khoảng từ 150 đến 200 triệu đồng. 

Đối với chăn nuôi lợn, mỗi năm anh duy trì khoảng 30 đầu lợn thương phẩm, nuôi hai lứa. Để chăn nuôi lợn thành công, anh cũng luôn lựa chọn con giống tốt, trong quá trình nuôi tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh thú y, tẩy uế chuồng trại. Trừ chi phí mỗi năm cũng lãi khoảng 70 đến 80 triệu đồng. 
Không những vậy, nhiều năm nay, anh cũng đã quyết định tập trung vào trồng 200 gốc bưởi diễn. Đây cũng là một nguồn thu mới cho gia đình anh trong những năm tới. Anh cho biết, hiện năm đầu trừ chi phí anh cũng có lãi khoảng 20 triệu đồng. Những năm tới, được chăm sóc, bưởi gốc to hơn sẽ giúp anh có thu nhập cao hơn. 

Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của mình, mỗi năm gia đình anh cũng có thu nhập lãi hơn 300 triệu đồng, anh là một tấm gương làm kinh tế tiêu biểu ở xã Cổ Đô trong nhiều năm trở lại đây. Anh Tuấn cũng chia sẻ: Trang trại khép kín thực sự là mô hình chăn nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Ưu điểm của mô hình này là giúp người chăn nuôi vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, đồng thời cũng giảm thiểu bệnh tật và có thể phát triển chăn nuôi bền vững. Với quyết tâm đó, hiện nay anh Tuấn cũng đã có một cơ ngơi khang trang với quy mô lớn, khoa học, bài bản và hiệu quả cao. Tạm biệt anh-người cựu quân nhân hiền lành chịu khó tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng với một nghị lực tuyệt vời, trang trại của anh đang hứa hẹn nhiều thành công trong tương lai.

Trần Phương 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ