A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

 

QPTĐ-Phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu, làm kinh tế giỏi” từ lâu đã khơi dậy ý thức tự lực, vượt khó vượt lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của Hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Ba Vì. Mạnh dạn chuyển đổi lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư phát triển kinh tế, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bắc ở thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh trở thành một trong những tấm gương sáng, điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương.

CCB Nguyễn Văn Bắc (ngoài cùng bên trái) giới thiệu mô hình kinh tế trang trại của gia đình.

Nhắc đến Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Bắc, nhiều người dân ở thôn Hiệu Lực, nhất là hội viên CCB xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì đều khâm phục ý chí vượt khó và tư duy làm kinh tế của ông. Nhập ngũ tháng 6 năm 1977, đến tháng 9 năm 1982, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông xây dựng gia đình và bắt tay vào việc phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, kinh tế gia đình ông gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng. Nhận thấy sẵn có diện tích đất vườn đồi của gia đình khoảng hơn 400 mét vuông, vừa có khả năng phát triển mô hình trang trại chăn nuôi, lại vừa tạo được lao động cho gia đình nên ông đã mạnh dạn vay vốn gần chục triệu đồng từ nguồn vốn giúp đỡ của Hội CCB huyện và 50 triệu đồng từ Ngân hàng Phát triển thôn nông huyện. Nhờ giới thiệu của anh em bạn bè, ông nhập lợn giống từ các công ty lớn, có uy tín từ lúc lợn còn nhỏ khoảng từ 8-9kg/con. Cứ như vậy, một năm ông nuôi 2 lứa lợn, với khoảng gần 200 con heo lấy thịt, thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.

Quá trình chăn nuôi, ông dần tích lũy được kinh nghiệm. Từ kết quả khả quan ban đầu và có thêm nguồn vốn tích lũy, ông Bắc mạnh dạn đầu tư mô hình trang trại với quy mô lớn hơn. Không chỉ nuôi lợn, ông còn mạnh dạn nuôi gà ta, gà lai chọi thả vườn với quy mô hàng nghìn con. Do gà được chăn thả rộng, được nuôi bằng nguyên liệu cám tự nhiên như: Ngô, lúa, cám mì, sắn, đậu, lạc…, nên chất  lượng thịt thơm ngon, được khách hàng nhiều nơi rất yêu thích. Hiện nay, thương phẩm của gia đình ông phục vụ cho các chợ đầu mối với Thường Tín, Hà Đông, một số nơi quanh khu vực Hà Nội. Mỗi năm, ông nuôi khoảng 5.000-6.000 con. Trừ chi phí, gia đình thu nhập từ lợn, gà khoảng 300-400 triệu đồng mỗi năm.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Bắc cho biết: “Gia đình tôi luôn áp dụng khoa học kĩ thuật trong chăn nuôi, có như vậy lợn, gà mới lớn nhanh, ít bị mắc bệnh và trụ vững lâu dài được; tôi thường xuyên tiêm chủng vacxin đầy đủ đúng lịch trình, giai đoạn và đúng các loại thuốc. Mỗi chuồng nuôi đều có hệ thống đường điện, đường nước và cống xả thải; thường xuyên khử trùng môi trường xung quanh, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, bảo đảm ấm vào mùa Đông, thoáng mát về mùa Hè”.

Nhờ cần cù, chăm chỉ lao động, dám nghĩ, dám làm đến nay gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, với  cơ ngơi khang trang và có thu nhập kinh tế ổn định. Ngoài ra ở địa phương, ông còn tích cực tham gia vào công tác xã hội từ Trưởng thôn đến Chi hội trưởng Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn thường xuyên chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm phát triển kinh tế và hỗ trợ, giúp đỡ bà con, hội viên CCB nghèo có hoàn cảnh khó khăn khác trong thôn, xã về giống, vốn trong chăn nuôi để có điều kiện vươn lên.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội CCB huyện Ba Vì, Nguyễn Văn Mễ cho biết: “Không chỉ là một người chăn nuôi giỏi, ông Nguyễn Văn Bắc còn là một CCB gương mẫu, thực hiệt tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ mọi người trong thôn, xóm ổn định đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng. CCB Nguyễn Văn Bắc là tấm gương tiêu biểu để mọi người học tập, noi theo”

Đức Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ