A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị lực làm giàu của vợ chồng CCB xã Đông Yên

 

QPTĐ-Hai vợ chồng cựu chiến binh Đỗ Xuân Thà và Hoàng Thị Tiến, thôn Yên Thái, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai sau khi tham gia quân ngũ, bị thương trở về địa phương, phát huy truyền thống, phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” và lời dạy của Bác: “Thương binh tàn mà không phế”, hai vợ chồng đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, xây dựng mô hình kinh tế giỏi ở địa phương.

Trang trại gà của vợ chồng CCB Đỗ Xuân Thà tạo công ăn, việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Chúng tôi có dịp cùng Đoàn công tác của các bác CCB Thành phố đi thăm cơ ngơi chăn nuôi sản xuất của gia đình hai vợ chồng CCB Đỗ Xuân Thà. Trong căn nhà 2 tầng khang trang, sạch đẹp, ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày gian nan, vất vả đã qua. Ông Thà cho biết, lớn lên trong khói lửa chiến tranh, hai vợ chồng tình nguyện tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở tuổi mười tám, đôi mươi, dù cả hai cùng quê nhưng chỉ khi vào trong chiến trường mới quen biết và yêu nhau. Sau này cả hai đều bị thương tật, sức khỏe yếu nên năm 1973, khi trở về quê hương, họ mới gặp lại và nên duyên vợ chồng. Lúc này, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, kinh tế hai vợ chồng ông chỉ trông vào mấy sào ruộng và sắn để ăn. Song với bản chất của người lính, quyết không cam chịu để cái đói, cái nghèo đeo bám, ông bảo: “Vợ chồng tôi luôn động viên nhau, cùng nhau nỗ lực cố gắng và xác định, một ngày nào đó nhất định cuộc sống hai vợ chồng sẽ khấm khá lên”.

Ban đầu, hai vợ chồng ông tìm hiểu, đầu tư chăn nuôi lợn nhưng không mấy hiệu quả; tuy nhiên không nản chí, tiếp sau đó, năm 2005, vợ chồng ông đã tích cực đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi sản xuất, chủ động tìm hiểu kỹ trước khi chăn nuôi gia súc, gia cầm, xem xét về khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai và đã thành công với mô hình chăn nuôi gà đẻ siêu trứng. Nhờ cần cù, chăm chỉ chịu khó làm ăn cùng với tìm hiểu đọc sách báo, ti vi, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trong chăn nuôi sản xuất nên kinh tế của gia đình dần ổn định. Có chút vốn, vợ chồng ông lại đầu tư hệ thống chuồng trại từ quạt thông gió, máy phát điện, máng ăn, máng nước cho đến sử dụng men vi sinh, trấu, mùn cưa để làm sạch môi trường và tận dụng phân gà làm phân bón cho cây trồng. Đến nay, hai vợ chồng đang sở hữu 2 trang trại gà (diện tích gần 6.000 mét vuông), với hơn 40.000 con gà. Trong đó, số lượng gà đẻ trứng gần 30.000 con, cho từ 25.000 đến 27.000 quả trứng mỗi ngày, cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Tính ra, bình quân mỗi năm gia đình hai vợ chồng ông trừ chi phí thu khoảng từ 300-400 triệu đồng/năm, tạo công ăn, việc làm cho gần chục lao động, thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/năm.

Là người đầu tiên thành công với chăn nuôi mô hình gà đẻ siêu trứng ở xã Đông Yên, bằng kinh nghiệm và vốn kiến thức gần 20 năm học được, ông sẵn sàng chia sẻ về kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất cùng đồng đội và nhân dân địa phương trong xã; từ cách làm chuồng, cách làm nền, sử dụng công cụ, máy móc.

Ông Thà chia sẻ thêm: “nghề chăn nuôi gà siêu trứng này đòi hỏi người nuôi phải có tính kiên trì, biết nắm bắt khoa học-kỹ thuật, cách phòng chống dịch bệnh theo mùa vì dễ xảy ra dịch bệnh, có như vậy thì trang trại mới phát triển được”.

Chủ tịch Hội CCB xã Đông Yên Đỗ Danh Thường cho biết, những năm qua, gia đình hai vợ chồng hội viên CCB Đỗ Xuân Thà và Hoàng Thị Tiến, ngoài việc tích cực lao động sản xuất, làm kinh tế có hiệu quả, còn tích cực tham gia hoạt động phong trào của hội và địa phương, ủng hộ các quỹ từ thiện cho công tác an sinh xã hội, giúp đỡ cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể thấy, vợ chồng CCB Đỗ Xuân Thà và Hoàng Thị Tiến không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên, mà còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào xây dựng và phát triển quê hương xã Đông Yên ngày càng giàu đẹp, xứng đáng để con cháu học tập, noi theo.

Đức Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ