Học viện Lục quân: Viết tiếp truyền thống Anh hùng
QPTĐ- Lịch sử hình thành và phát triển của Học viện Lục quân luôn gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu của LLVT nhân dân. Khởi đầu từ những lớp bổ túc huấn luyện quân sự đến Học viện Lục quân ngày nay là một quá trình chiến đấu liên tục, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến đấu, lao động sáng tạo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy tham mưu cấp chiến thuật, chiến dịch cho quân đội.
Chương trình văn nghệ chào mừng tại buổi gặp mặt Hội truyền thống Học viện Lục quân khu vực Thủ đô Hà Nội.
Ngày 7/7/1946, chấp hành Chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình nhiệm vụ cách mạng, xây dựng LLVT để tập trung chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở Lớp bổ túc cán bộ quân sự trung cấp đầu tiên với gần 100 học viên tại căn cứ Tông (thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội). Đây là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời của Học viện Lục quân Anh hùng.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoạt động trong điều kiện chiến tranh ác liệt, hết sức khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thốn tài liệu, thiếu giáo viên nhưng để đáp ứng nhu cầu cán bộ trong thời chiến, cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Lục quân đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi thử thách, tích cực chủ động nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sát thực tế. Với phương châm “Dạy những gì chiến trường cần, sát với chiến trường và phục vụ kịp thời cho chiến trường”, chú trọng thực hành, phổ biến kịp thời những kinh nghiệm được rút ra trong chiến đấu, học viên học tập qua Học viện, khi tốt nghiệp đều nhanh chóng nắm bắt được yêu cầu tác chiến trên thực tế. Trong số đó, nhiều đồng chí trở thành những tướng lĩnh chỉ huy xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, trước hết Đảng ủy Học viện Lục quân, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất đạo đức người quân nhân cách mạng, coi đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa sư phạm phong phú, lành mạnh, thông qua hưởng ứng Cuộc vận động “Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục-đào tạo”, Cuộc vận động 3 không “Không tiêu cực trong thi, kiểm tra; không bệnh thành tích trong giáo dục và không vi phạm đạo đức nhà giáo”. Đảng ủy Học viện luôn quan tâm lãnh đạo việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đi vào chiều sâu, thực chất. Hàng năm, qua đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên, trên 90% tổ chức cơ sở Đảng của Học viện đạt trong sạch vững mạnh. Trong đó, tỉ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 98%, Đảng bộ Học viện đạt trong sạch vững mạnh.
Đối với công tác giáo dục-đào tạo, để nâng cao chất lượng dạy và học, Nhà trường nghiên cứu cắt giảm những nội dung trùng lắp, không thiết thực, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, cập nhật và đưa vào giảng dạy những nội dung mới phù hợp với thực tiễn phát triển của hoạt động quân sự trên thế giới và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình hiện nay. Cùng với đó, không ngừng tăng thời gian luyện tập, diễn tập, tham quan thực tế, thực tập tại các đơn vị để nâng cao năng lực thực hành của học viên; tiếp tục thực hiện phương châm “Gắn nhà trường với chiến trường”, đào tạo sát với yêu cầu thực tế đặt ra.
Để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập, Học viện thường xuyên đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học. 10 năm qua, Nhà trường đã hoàn thành nghiệm thu 9 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 12 đề tài cấp ngành; xây dựng và hoàn thiện 34 bộ giáo trình, 457 tài liệu cấp Bộ; 4 bộ giáo trình, 46 đề tài, trên 1000 tài liệu, hơn 900 chuyên đề cấp Học viện. Các đề tài, giáo trình, tài liệu nghiên cứu cơ bản được đánh giá cao, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn dạy và học.
Thiếu tướng Lê Anh Thơ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Lục quân chia sẻ: “Chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện Lục quân đã đào tạo được trên 400 khóa học với gần 50 nghìn cán bộ chỉ huy-tham mưu binh chủng hợp thành cấp Trung, Sư đoàn và các chuyên ngành; đào tạo hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ quân sự cho quân đội ta và quân đội hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia.
Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội, đáp ứng yêu cầu của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Lớp lớp cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Nhà trường đã xây đắp nên truyền thống “Kiên định vững vàng, đoàn kết nhất trí, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Từ cái nôi này, nhiều đồng chí đã trở thành những tướng lĩnh, cán bộ cấp cao trong quân đội. Học viện Lục quân đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, 3 Huân chương Quân công cùng nhiều phần thưởng cao quý khác”.
Đó là nguồn động lực to lớn giúp Học viện Lục quân hôm nay tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
M.Quang-H.Hải