A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão

 

Phúc Thọ là huyện đồng bằng nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, có diện tích tự nhiên 117,12 km2; dân số trên 18 vạn người, tổ chức thành 23 xã, thị trấn, gồm 2 vùng (vùng đồng và vùng bãi). Trên địa bàn huyện có 3 con sông chảy qua là sông Hồng, sông Tích và sông Đáy; đi kèm là 5 tuyến đê chống lũ với tổng chiều dài 43,75km, trong đó có 3 tuyến thường xuyên chịu tác động trực tiếp của nước lũ.

 

 

Đê Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ.

 

Năm 2016, huyện Phúc Thọ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 2 và số 3, tuy đã chuẩn bị ứng phó từ trước nhưng sức tàn phá của thiên tai thì rất khó lường; mưa lớn cộng gió lốc đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, gây tốc mái Trường Trung học cơ sở xã Trạch Mỹ Lộc, hàng chục cây bóng mát và trên 200 cây ăn quả bị nghiêng đổ, 324 ha lúa bị ngập trắng trong nước, 204 ha lúa bị ngập sâu, 12 ha rau màu bị úng ngập. Ngay khi sự cố xảy ra, huyện đã huy động trên 10.500 người và 134 phương tiện gồm lực lượng tại chỗ của địa phương cùng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Doãn Trung Tuấn, Trưởng ban PCTT-TKCN, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Năm 2017, để ngăn chặn, ứng phó kịp thời với những diễn biến xấu của thời tiết; Đảng ủy, UBND, HĐND và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của huyện đã chủ động xây dựng phương án PCTT-TKCN để các địa phương, đơn vị và người dân trên địa huyện cùng triển khai thực hiện. Đồng thời, đã chỉ đạo kiện toàn lại Ban chỉ huy PCTT-TKCN từ huyện đến cơ sở, phân công nhiệm vụ đến từng thành viên; giao cho Ban CHQS và Công an huyện phối hợp tổ chức diễn tập xử lý các tình huống có thể xảy ra sát với thực tế địa phương nhằm tránh để bị rơi vào thế bị động khi có tình huống xảy ra.

 

Với phương châm “3 trước” (Chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện vật tư chuẩn bị trước) và “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ), Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã tiến hành rà soát, kiểm tra các tuyến đê kè trọng yếu để kịp thời khắc phục hư hỏng; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm hành lang đê. Triển khai kế hoạch mua sắm bảo đảm 50% dụng cụ, vật chất cho các đơn vị làm nhiệm vụ TKCN trên địa bàn (50% còn lại do các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn bảo đảm). Duy trì nghiêm chế độ trực ban PCTT-TKCN 24/24 giờ, nắm chắc tình hình thiên tai, sự cố xảy ra trên địa bàn nhằm huy động lực lượng ứng phó kịp thời. Cùng với đó là tập trung  tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Luật PCTT, Luật Đê điều, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác trong công tác PCTT-TKCN, cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tham gia PCTT-TKCN, phấn đấu hạn chế tối đa mức thiệt hại.

 

Thượng tá Nguyễn Văn Nhương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phúc Thọ cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, chúng tôi đã tích cực tham mưu với UBND huyện xây dựng, tiến hành triển khai kế hoạch PCTT-TKCN năm 2017. Tổ chức huấn luyện cho lực lượng cán bộ Ban chỉ huy và dân quân tự vệ các xã những kỹ năng cũng như nhận thức đúng về nhiệm vụ PCTT-TKCN. Cùng với đó, Ban CHQS huyện chủ trì phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn trong việc hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ trước và trong mùa mưa bão.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Phúc Thọ đã có được sự chuẩn bị đầy đủ nhất để ứng phó hiệu quả với những diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão sắp tới. Có thể nói, đây chính là những nỗ lực của chính quyền huyện trong việc giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định xã hội, phát triển kinh tế.                                                                                          

 

Luân Phạm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ