A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Trung đoàn dũng cảm đánh hăng”

 

QPTĐ-Trải qua 73 năm kể từ ngày được thành lập, từ Chi đội 2 Vệ quốc đoàn rồi chuyển thành Trung đoàn liên quân tiếp phòng số 2, đến khi đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 44 và Trung đoàn 64-Quyết thắng ngày nay. Với các trận đánh ở Nông Phố, sở chỉ huy Tiểu đoàn địch ở Nhà máy chai, Trường Con gái, rồi đến các trận đánh địa lôi trên đường 5 ở phố Nối, trận chống càn, vùng Bãi Sậy, Ân Thi, Tây Bình Giang (Hải Dương, Hưng Yên) đã làm nên lịch sử Trung đoàn những năm đầu thành lập.

 

 

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3

trò chuyện với các đại biểu tại buổi gặp mặt truyền thống.


Trung đoàn 64, Quyết thắng tiền thân là Chi đội 2 Vệ quốc đoàn được Ban Chỉ huy Chiến khu III chỉ thị thành lập ngày 22-1-1946 và được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 44, theo Sắc lệnh số 71 ngày 22-5-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đổi Vệ Quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Trung đoàn là  một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Chiến khu và là 1 trong 6 trung đoàn chủ lực được thành lập sớm nhất Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đó, ngày 22-1 trở thành Ngày truyền thống của Trung đoàn.


Ngay từ khi nằm trong đội hình Sư đoàn 320 (tháng 1/1951) trong các chiến dịch Quang Trung (Chiến dịch Hà Nam Ninh), Chiến dịch Hoà Bình, từ tháng 1/1951-1954, với các trận đánh đồn Hưng Công (Bình Lục, Hà Nam) của Tiểu đoàn 722; trận Đồng Mít (Hà Đông) của Tiểu đoàn 706; trận phục kích của Tiểu đoàn 738, tại thôn Mạo Chử (Hà Nam) đã làm nên danh tiếng Tiểu đoàn Bộ binh 7-Đồng Mít, Tiểu đoàn Bộ binh 8-Hưng Công, Tiểu đoàn Bộ binh 9-Mạo Chữ. Những chiến công của Đồng Mít, Hưng Công, Mạo Chữ đã làm nên danh hiệu “Trung đoàn Dũng cảm đánh hăng” (tháng 3-1952).


Thu Đông năm 1965, Trung đoàn lên đường vào Chiến trường Khu 5, trực tiếp chiến đấu. Những năm tháng tham gia chiến đấu trong Mặt trận Quảng trị, trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Chiến dịch giao và làm nên chiến công vang dội của Quân Giải phóng miền Nam, lần đầu tiên ta bắt sống sỹ quan cao cấp nhất của quân Nguỵ Sài Gòn, đó là Đại tá Thọ.


Thời gian hoạt động tại Mặt trận Tây Nguyên (B3) và trong đội hình Quân đoàn 3, trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với các đơn vị trong Sư, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt trong Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975), cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh của trên, chuyển từ nhiệm vụ chốt chặn cắt Đường 14 ở phía Bắc Buôn Ma Thuột sang chốt và truy kích lực lượng Quân đoàn 2-Quân khu 2 đang rút chạy theo Đường 7 về duyên hải miền Trung. Mặc dù đêm tối, trời rét, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã vượt qua hàng chục cây số đường rừng nhanh chóng chặn đứng đội hình rút lui của quân địch ở Nam Thị xã Cheo Reo (Phú Bổn).

 

Trung đoàn đã cùng với các đơn vị trong Sư đoàn chặn đánh và truy kích đội hình quân địch rút lui về miền Trung. Trận truy kích lịch sử trên đường 7 của Trung đoàn đã cùng với các đơn vị bạn và quân dân các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum đập tan lực lượng Quân đoàn 2, Quân khu 2 của địch ở Tây Nguyên, góp phần làm thay đổi cán cân lực lượng, tạo ra cục diện mới có lợi về chiến lược trên chiến trường. Trong trận truy kích lịch sử này, Trung đoàn đã cùng với quân và dân Phú Yên bắt sống tên chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, tại bãi biển Sơn Hoà (Phú Yên).


Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Trung đoàn đã cùng với các đơn vị trong đội hình Sư đoàn 320 hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần giải phóng dân tộc Căm-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng và Bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), Trung đoàn 64 đã vượt qua nhiều khó khăn, ác liệt, hy sinh, luôn giữ vững và phát huy truyền thống “Đoàn kết-Dũng cảm-Sáng tạo-Quyết thắng”, lập được nhiều thành tích vẻ vang, góp phần xứng đáng vào thắng lợi trong các cuộc kháng chiến giải phóng và BVTQ của dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, giữ vững độc lập chủ quyền của Tổ quốc.


Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Trung đoàn 64 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng Danh hiệu “Trung đoàn Quyết thắng” (tháng 8-1948) và danh hiệu “Trung đoàn Dũng cảm đánh hăng” (tháng 3-1952). Trung đoàn vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (ngày 15-1-1976) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trung đoàn có 3 tập thể và 6 cá nhân được tuyên dương Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, đó là: Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 9, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 7) và các cá nhân là đồng chí Phùng Quang Thanh, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Vi Hợi, Trần Xuân Thiện và gần đây nhất là Đảng-Nhà nước truy và phong tặng cho 2 đồng chí, đó là: Anh hùng liệt sỹ Trần Ngọc Chung (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 7) và đồng chí Nguyễn Xước Hiện cũng là chiến sĩ Tiểu đoàn 7.


Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ