A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi sinh viên trải nghiệm cuộc sống của người chiến sĩ

 

QPTĐ-Là một bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (QP-AN) cho học sinh, sinh viên đã góp phần quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Trung tâm Giáo dục QP-AN (Trường Đại học Sư phạm Thể dục-Thể thao Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội 2) đã có nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

 

 

Sinh viên Trung tâm Giáo dục QP-AN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trong giờ thực hành.

 

Những ngày này, thầy và trò Trung tâm Giáo dục QP-AN, Trường Đại học Sư phạm Thể dục-Thể thao Hà Nội đang thi đua lập thành tích cao nhất kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi có dịp tham quan giờ giảng “Giới thiệu một số loại vũ khí bộ binh” của Thượng tá Nguyễn Dũng Sỹ, giáo viên bộ môn Quân sự chung. Để tiết học thêm lôi cuốn, bên cạnh khối kiến thức theo giáo trình, anh đã sưu tầm nhiều hình ảnh, video về từng loại vũ khí, thông qua phần mềm Powerpoint để giới thiệu cho sinh viên. Trong mỗi tiết học, anh thường kể cho sinh viên nghe về những trận đánh và kinh nghiệm chiến đấu của ông cha ta trước đây. Nói về phương pháp giảng dạy, Thượng tá Nguyễn Dũng Sỹ chia sẻ: “Bộ môn Giáo dục QP-AN cho sinh viên thường có tỉ lệ lí thuyết chiếm trên 70% chương trình. Vì vậy, để từng tiết học không bị nhàm chán, khô khan, cùng với tự học tập, nghiên cứu sâu về phần lý luận, cập nhật thông tin mới, quá trình giảng dạy, chúng tôi liên tục nêu vấn đề để người học tranh luận, gắn lý thuyết với thực tiễn. Nhờ vậy, người học luôn ở vị trí trung tâm, các tiết học sẽ trở nên sôi nổi, giáo viên sẽ đóng vai trò kết luận, định hướng”.

 

Tập thể dục sáng.


Được biết, cùng với đẩy mạnh Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, trong tháng 12, Trung tâm Giáo dục QP-AN Trường Đại học Sư phạm Thể dục-Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Giao lưu văn nghệ; giao lưu với nhân chứng lịch sử là cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng LLVT nhân dân; tọa đàm về Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân...Thượng tá Nguyễn Văn Vốn, Trưởng phòng Hành chính, Tổng hợp, Công tác Chính trị Trung tâm Giáo dục QP-AN chia sẻ: “Đây là những hoạt động ngoại khóa thiết thực, bổ ích góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào về Quân đội và đất nước anh hùng cho sinh viên. Ngoài hoạt động theo chủ đề, Trung tâm cũng thường xuyên duy trì có hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ: Nhảy dân vũ, Nhật ký Mai Lĩnh, Tuyên truyền ca khúc cách mạng, Thể thao, Truyền thanh nội bộ… thu hút đông đảo sinh viên tham gia ngoài giờ học tập, huấn luyện. Qua đó, các em có sân chơi để thể hiện sức trẻ, sự cống hiến của mình, từ đó, học tập môn học giáo dục QP-AN hiệu quả hơn”.


Trung tâm Giáo dục QP-AN Trường Đại học Sư phạm Thể dục-Thể thao Hà Nội có nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong khu vực Hà Nội; đào tạo giáo viên giáo dục QP-AN; thực hiện nghiên cứu khoa học sư phạm quân sự... 25 năm qua, Trung tâm đã đào tạo được 254 khóa học cho hơn 40 vạn sinh viên học môn Giáo dục QP-AN; đào tạo được 7 khóa với 487 giáo viên ghép môn giáo dục thể chất với giáo dục QP-AN; đào tạo ngắn hạn cho 208 giáo viên giáo dục QP-AN... Kết quả học tập đối với sinh viên, 99,8% đạt yêu cầu, trong đó, 68.9% đạt khá, giỏi. Đối với đội ngũ giáo viên được đào tạo, qua đánh giá, lực lượng này khi tốt nghiệp ra trường, về các nhà trường công tác đều được đánh giá cao về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

 

Đại tá Nguyễn Văn Kha, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Mục tiêu chúng tôi xác định là giảng dạy môn học giáo dục QP-AN phải bảo đảm trang bị cho học sinh, sinh viên có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của LLVT nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về kỹ năng quân sự, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, trước hết, Trung tâm chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giáo dục QP-AN đạt chuẩn theo quy định. Từ 4 giảng viên trong buổi đầu thành lập, đến nay, Trung tâm đã có 24 sĩ quan biệt phái, 4 giảng viên giáo dục QP-AN (trong đó, về trình độ học vấn có 1 tiến sĩ; 5 thạc sĩ; 4 đồng chí đang đào tạo thạc sĩ; 18 cán bộ có trình độ đại học). Ngoài ra, Trung tâm mời thỉnh giảng với giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy của Học viện Chính trị và Trường sĩ quan Chính trị. Đội ngũ cán bộ, sỹ quan của Trung tâm có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, nhiều đồng chí qua thực tế ở chiến trường và biển đảo nên rất thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục cho sinh viên. 


Cùng chung nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên giống như Trung tâm Giáo dục QP-AN Trường Đại học Sư phạm Thể dục-Thể thao Hà Nội, ở Trung tâm Giáo dục QP-AN Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa công tác giảng dạy với quản lý, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy cho sinh viên. Trung tâm biên chế sinh viên thành các tiểu đội, trung đội, đại đội, duy trì và thực hiện 10 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần như các đơn vị trong Quân đội. Đồng thời, duy trì nghiêm các chế độ giao ban, tuần tra, canh gác, chào cờ, duyệt đội ngũ… Các hoạt động giống như môi trường quân sự đã giúp cho sinh viên ghép mình vào kỷ luật, tự giác nghiêm minh.

 

Theo Đại tá, Tiến sĩ Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm, giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Qua đó, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có điều kiện tu dưỡng phẩm chất đạo đức và rèn luyện năng lực thực tế để sẵn sàng thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bởi thế, nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP-AN cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và thành phố Hà Nội luôn được Trung tâm đặt lên hàng đầu. Phương pháp giảng dạy của giáo viên không ngừng được đổi mới, với phương châm tăng thời lượng thực hành cho sinh viên và học tập, huấn luyện sát thực tế. Có thể kể đến một số nội dung như: Đội ngũ đơn vị (sử dụng đội mẫu minh họa); thuốc nổ (giới thiệu và tập trên mô hình); từng người trong chiến đấu tiến công, phòng ngự; kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK (thực hành tại thực địa); cấp cứu ban đầu vết thương chiến tranh (kết hợp tập tại cơ sở y tế của Nhà trường)… Quá trình giảng dạy, giáo viên chuẩn bị giáo án công phu, thông qua chặt chẽ, không ngừng đổi mới phương pháp, gợi mở, định hướng, phát huy tối đa năng lực, tư duy sáng tạo của người học. Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, Trung tâm đã đào tạo được trên 200 khóa, cấp chứng chỉ giáo dục QP-AN cho hơn 300 nghìn sinh viên của 26 trường đại học, cao đẳng.


Có thể nói, với vị trí, vai trò quan trọng, công tác giáo dục QP-AN đã góp phần trang bị kiến thức toàn diện để sinh viên vừa có nhận thức sâu sắc về đường lối, nghệ thuật quân sự, vừa nắm được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật...Và để có được những thành quả đó, là nhờ sự nỗ lực không ngừng của những người thầy áo xanh tại Trung tâm Giáo dục QP-AN, Trường Đại học Sư phạm Thể dục-Thể thao Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

 

Cường Sáng-Phạm Luân

 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ