A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

 

QPTĐ-Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm ý thức về tầm quan trọng của vấn đề này trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu chung là phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt, kế thừa, phát triển quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Người, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện chủ chương, cơ chế, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực hành quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình.

 

 

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam không chỉ là ngày lễ của đồng bào Công giáo

mà còn là ngày vui chung của mọi người dân. 


Tuy nhiên, một số tổ chức quốc tế, tổ chức của các nước phương Tây thiếu thiện chí đối với Việt Nam lại có cái nhìn lệch lạc, thường đưa ra những luận điệu vô căn cứ, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Ngày 29-4 vừa qua, Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Phúc trình thường niên về tự do tôn giáo thế giới, trong đó đã đưa ra những nhận định thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. USCIRF cho rằng: “Vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng; Chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp mọi tôn giáo, thường bắt giữ những người biểu tình ôn hòa đòi hỏi tự do tín ngưỡng và tự do thờ phụng, trong đó có những nhà hoạt động cho tôn giáo và nhân quyền; nhiều tổ chức tôn giáo không được Chính phủ công nhận và không được cấp giấy phép hoạt động”. Nhân cơ hội này, các phần tử phản động, cơ hội chính trị lại đem chiêu bài cũ, lợi dụng tự do tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước; kêu gọi, kích động, chia rẽ mối đoàn kết trong nhân dân.
Vậy ở Việt Nam có tự do tôn giáo không? Chúng ta đã biết, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, kể cả tôn giáo nội sinh và tôn giáo ngoại nhập. Người có tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được yên tâm và an toàn hành đạo theo đúng nghĩa của một đạo giáo chân chính. Điều này thể hiện rất rõ ở việc, hệ thống văn bản pháp quy của Nhà nước Việt Nam có nhiều bậc thì quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thể hiện ở bậc cao nhất, hiến định rất rõ ràng trong đạo luật gốc, đó là Hiến pháp. Hiến pháp, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, mỗi lần sửa đổi, bổ sung và ban hành luôn luôn kế thừa và phát triển để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trở thành một trong những quyền cơ bản của con người.


Tại Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định:


1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.


Như vậy, Hiến pháp 2013 cho thấy thái độ cũng như chính sách dân chủ của Nhà nước ta đối với quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, coi đó là một nhu cầu và là một quyền tất yếu của người dân cần phải được tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện để họ thực hiện tốt nhất quyền đó. Đồng thời, Hiến pháp 2013 dùng khái niệm “mọi người” chứ không phải là “công dân” như các bản Hiến pháp trước đây. Bản chất của vấn đề đã có sự thay đổi căn bản, điều đó thể hiện chính xác quyền con người đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.


Ngoài ra, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 2. Luật này quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.


Cùng với đó, trong những ngày lễ của các tôn giáo, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều trực tiếp chúc mừng, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tham gia các ngày lễ đó. Thực tế, nhiều năm qua, một số ngày lễ của các tôn giáo như Lễ Giáng sinh, Lễ Phật đản...không chỉ là ngày lễ của riêng người có tín ngưỡng, tôn giáo mà đã trở thành ngày lễ chung của mọi người, trở thành nét văn hóa trong đời sống của người dân. Đây cũng là dịp để người có tín ngưỡng, tôn giáo và mọi người dân phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, nêu cao những mặt tích cực, giá trị nhân văn, đạo đức tôn giáo, trách nhiệm công dân, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và đó chính là minh chứng xác thực nhất đập tan mọi luận điệu xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ