A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hòa hợp dân tộc để xây dựng đất nước

 

QPTĐ-Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông thu về một mối, lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới, thời kỳ của hòa bình, độc lập, thống nhất. 45 năm đã qua, từ trang sử chói lọi ấy, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết một lòng hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới đưa đất nước tiến lên. Trong đó, hòa hợp, hòa giải dân tộc nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển luôn là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước.

 

 

Các thế lực thù địch xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

và chống phá chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước.  


Tuy nhiên, chính sách thể hiện tính đoàn kết, nhân văn, nhân đạo sâu sắc này lại bị các thế lực thù địch, một số phần tử phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc với những giọng điệu hằn học, nhằm khơi dậy hằn thù, phủ nhận chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, trên một số tờ báo ở hải ngoại thiếu thiện chí với Việt Nam như VOA, BBC, RFA, các trang mạng xã hội, facebook cá nhân, các thế lực thù địch đăng tải nhiều bài viết, clip phỏng vấn, trao đổi xuyên tạc bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta; phá chủ trương, chính sách và những kết quả trong công tác hòa hợp, hòa giải dân tộc. Các phần tử cực đoan này thường rêu rao, không thể có hòa hợp dân tộc khi còn chế độ “toàn trị” của Đảng Cộng sản; muốn hòa giải dân tộc thì “phải công nhận chế độ Sài Gòn”, “phải phục hồi danh dự cho những người trong chế độ cũ” và chỉ khi nào “chế độ cộng sản sụp đổ, người Việt mới có hòa hợp, hòa giải”…


Chúng ta đã biết, sau hàng chục năm chiến tranh kéo dài, đặc biệt là do chính sách Việt Nam hóa chiến tranh vô cùng thâm độc của đế quốc Mỹ đã gieo rắc sự chia rẽ và oán thù giữa người Việt Nam với nhau. Sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy hòa hợp dân tộc, tạo điều kiện cho bà con người Việt ở nước ngoài trở về thăm, định cư và góp phần xây dựng lại quê hương. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài xác định: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Do đó, một trong những chủ trương được Đảng ta khẳng định rõ trong Nghị quyết này là: “Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.


Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính toàn diện, cơ bản và lâu dài, thể hiện tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác kiều bào và là kim chỉ nam cho hành động của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, chúng ta đã chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ, tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa-nghệ thuật, xã hội… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương.


Hiện nay, theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, số kiều bào Việt Nam định cư ở nước ngoài lên đến trên 4,5 triệu người. Những năm gần đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai nhiều hoạt động, như: Tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới; trại hè Việt Nam dành cho thế hệ trẻ kiều bào; Đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa... Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đi thăm và làm việc tại nước ngoài cùng thường xuyên gặp gỡ, động viên kiều bào ở nước ngoài. Nhà nước cũng có những chính sách kêu gọi trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng quê hương.


Hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mặc dù bận trăm công, nghìn việc nhưng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng dành thời gian để gặp gỡ, động viên đại biểu kiều bào về quê ăn Tết. Đảng và Nhà nước cũng đánh giá cao tình cảm sâu sắc của kiều bào đối với đất nước, bày tỏ vui mừng trước sự lớn mạnh, những thành tựu, sự đoàn kết, gắn bó và những đóng góp hết sức có ý nghĩa của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Số lượng trí thức Việt kiều về nước nghiên cứu khoa học, giảng dạy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của kiều bào ngày càng tăng. Bà con Việt kiều thường xuyên ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo trong nước, chia sẻ với đồng bào trong nước về nhiều vấn đề quan trọng.


Thông qua những chương trình mang tính thực tế, nhiều cá nhân kiều bào trước kia còn nặng định kiến nay đã thay đổi nhận thức, chính kiến và có những đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước. Mới đây, trên báo Nhân Dân đã đăng bài viết của Luật sư Hoàng Duy Hùng, một việt kiều đang sinh sống tại Mỹ. 44 năm xa xứ, từng là người “chống cộng” nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhưng khi được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của đất nước sau mỗi lần về quê nhà, ông đã dần thay đổi, từ đó tự điều chỉnh suy nghĩ, nhận thức và hành động của mình. Đồng thời, từ một người chống đối, giờ đây ông là người nhiệt thành kêu gọi mọi người Việt ở hải ngoại chung tay thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, của Nhà nước Việt Nam.

 

Ông khẳng định: “Khi tìm hiểu tôi thấy trong lịch sử, những người cộng sản rất yêu nước, rất hào hùng và tôi thật sự cảm động, tôn trọng. Tôi từng đấu tranh chống lại chế độ trong nước lúc đó cũng xuất phát từ lòng yêu nước nhưng vì nhìn dưới lăng kính khác. Qua quá trình tìm hiểu, lòng yêu nước của tôi được điều chỉnh theo những sự kiện mới, những tin tức, nhận thức chính xác hơn. Chính vì lý do đó, tôi ủng hộ chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam”.


Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới để xây dựng một Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất và phát triển. Để nắm bắt được thời cơ, vận hội, đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, mỗi người hãy nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt để cùng nhau vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ