A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đằng sau kêu gọi thả tự do cho “tù nhân lương tâm” trong đại dịch Covid-19

 

QPTĐ-Trong những ngày qua, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn cầu, một số tổ chức nước ngoài núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền” như: Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ), Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo (USCIRF)… kêu gọi Việt Nam phóng thích một nhóm phạm nhân mà các tổ chức này gắn cho cho cái mác “tù nhân lương tâm”. Lời kêu gọi này được một số tờ báo nước ngoài, trang mạng xã hội thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, VOA, RFA, Chân trời mới media, Việt Tân, Vietlive... cổ xúy, tung hô như một hành động mang tính nhân đạo. Nhưng sự thực đằng sau đó là những luận điệu phản động cổ súy, kích động, xúi giục cho các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. 

 

 

“Lời kêu gọi”, “Thư ngỏ”… yêu cầu phóng thích các phạm nhân

để phòng chống Covid-19 là không có cơ sở và không phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

 


Ngày 30-3, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã phát động chiến dịch Free The Press kêu gọi phóng thích vô điều kiện tất cả các nhà báo bị bỏ tù để đảm bảo an toàn cho họ trong đại dịch Covid-19. Theo tổ chức này, dịch bệnh do Covid-19 đang lan rộng nhanh chóng qua các nhà tù. Vì vậy, CPJ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy hành động nhanh chóng và quyết đoán để giải phóng tất cả các nhà báo đằng sau song sắt, như một vấn đề của sự sống và cái chết. Cổ xúy cho sự kêu gọi này, đài RFA đã phỏng vấn các phần tử phản động, cơ hội chính trị và thân nhân của phạm nhân để xuyên tạc, cho rằng phạm nhân không được tiếp cận đầy đủ về chăm sóc y tế và chữa trị trong tù, đồng thời gây sức ép, đòi Việt Nam phóng thích phạm nhân.


Ngày 6-4, Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) và một số tổ chức (hoạt động trái phép) ở Việt Nam cũng gửi thư ngỏ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm với lý do lo ngại cho sức khỏe của họ. Thậm chí, tổ chức này còn lên mặt dạy đời khi yêu cầu Việt Nam “tôn trọng, bảo vệ và hoàn thành nghĩa vụ trong việc đảm bảo sự đối xử nhân đạo và cung cấp sự tiếp cận công bằng về chăm sóc và dịch vụ y tế tới tất cả các tù nhân và những người bị giam giữ, trong các nỗ lực của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19”. Cũng với luận điệu như trên, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo (USCIRF) kêu gọi Việt Nam trả tự do cho phạm nhân Nguyễn Bắc Truyển (Nguyễn Bắc Truyển bị kết án 11 năm tù, 3 năm quản chế về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 của Bộ Luật Hình sự).


Ở đây có 2 vấn đề: Thứ nhất, ở Việt Nam không có “tù nhân lương tâm” mà chỉ có phạm nhân, là những người có hành vi vi phạm pháp luật, bị toà án tuyên là có tội và phải chịu hình phạt tù theo quyết định có hiệu lực của toà án. Quan điểm trên là rất rõ ràng, khách quan, tất cả các bản án đều dựa trên cơ sở chứng cứ, quá trình xét xử công khai tại tòa, căn cứ theo quy định pháp luật Việt Nam. Trong đó, các đối tượng bị xử lý hình sự mà một số tổ chức quốc tế thiếu thiện chí, các phần tử phản động, cơ hội chính trị gọi là “tù nhân lương tâm” chính là những tội phạm có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), tội xâm phạm an ninh quốc gia là tội phạm xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc điểm chung của nhóm tội phạm này là chủ thể đều có mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Vấn đề thứ hai, tất cả phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù đều được hưởng các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các Công ước quốc tế Việt Nam ký kết và tham gia. Hiến pháp 2013 đã khẳng định nguyên tắc Nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người và quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định phạm nhân có 10 nhóm quyền. Trong đó, phạm nhân có quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân; được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án; được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; được lao động, học tập, học nghề và một số quyền khác.


Không chỉ dừng lại ở việc quy định trong các văn bản pháp luật, Việt Nam còn bảo đảm các quyền đó được thực thi trên thực tế. Bởi vì, Việt Nam luôn xác định, công tác tổ chức thi hành án phạt tù có vị trí quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ pháp luật, trong đó trại giam có nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo người bị kết án phạt tù, từ người phạm tội chịu hình phạt của pháp luật khi chấp hành xong án phạt tù trở thành công dân lương thiện, biết tuân thủ pháp luật, không tái vi phạm pháp luật.


Trên thực tế, ở Việt Nam đã từng xuất hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm nhưng chúng đều được khống chế thành công như: Dịch SARS năm 2003 làm 63 người nhiễm, 5 ca tử vong; cúm A/H5N1 từ 2003 đến 2013 làm 124 người nhiễm, 62 ca tử vong; cúm A/H1N1 năm 2009 làm 9.868 người nhiễm, trong đó có 22 ca tử vong. Điều đặc biệt là tất cả các dịch bệnh trên đều không lây lan đến các trại giam, là nơi các phạm nhân chấp hành hình phạt tù. Trong đại dịch Covid-19 năm nay cũng vậy, Việt Nam đã ghi nhận 262 ca nhiễm (tính đến 18 giờ 00 ngày 13-4), nhưng không có bất cứ phạm nhân nào. Điều đó chứng tỏ, việc chăm sóc y tế nói chung, công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng ở các trại giam được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và hiệu quả. Vì vậy, những “lời kêu gọi”, “thư ngỏ”…của các tổ chức, cá nhân yêu cầu phóng thích các phạm nhân để phòng chống Covid-19 là không có cơ sở và không phù hợp với thực tế ở Việt Nam.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ