A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HRW lại xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

 

QPTĐ-Mới đây, Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch-HRW) công bố cái gọi là Báo cáo thường niên thế giới 2020, đánh giá tình hình nhân quyền ở nhiều quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, như thường lệ, Báo cáo của tổ chức này tiếp tục có những đánh giá thiếu khách quan và không đúng tình hình thực tiễn vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

 

 

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7.02%,

thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. 


Giữ cách nhìn thiếu thiện cảm cố hữu, tổ chức này cho rằng, năm 2019 là một năm “tàn bạo” đối với các quyền tự do căn bản ở Việt Nam khi chính quyền kết án tù ít nhất 30 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến. Chính quyền Việt Nam đã bỏ tù các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến chỉ vì họ “đã thực hiện các quyền tự do căn bản như tự do biểu đạt, lập hội và tự do tín ngưỡng”; “Nhà nước độc đảng giới hạn một cách nghiêm trọng tất cả các quyền chính trị và dân sự căn bản, cấm bất cứ các hoạt động nào mà Đảng Cộng sản cho là mối đe dọa với độc quyền lãnh đạo. Đặc biệt, các nhà hoạt động và blogger bị giám sát, bị cấm đi lại, bị đánh đập, thẩm vấn, bắt giữ và bị kết án tù nhiều năm”. 


HRW cũng đồng thời chỉ trích Luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm 2019. Theo đó, Luật mới với những điều khoản mù mờ và trải rộng cho phép giới chức có quyền bí mật kiểm duyệt các bày tỏ ý kiến tự do, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung mà chính quyền cho là không đúng trong vòng 24 giờ đồng hồ kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được yêu cầu từ Chính phủ.


Với Luật An ninh mạng, HRW vu cáo đã có ít nhất 25 người trong năm qua bị kết án vì bày tỏ ý kiến chỉ trích trên mạng Internet. Các hoạt động tự do tín ngưỡng cũng bị giới chức Việt Nam cấm cản với lý do phương hại đến lợi ích quốc gia, trật tự xã hội hay đoàn kết. Những người theo các nhóm tôn giáo không được Nhà nước thừa nhận thường bị chỉ trích, bị ép phải từ bỏ đạo, bị bắt giữ, thẩm vấn, tra tấn, thậm chí bỏ tù...


Lợi dụng việc HRW công bố báo cáo, đánh giá này, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị thừa cơ tung lên mạng xã hội, tạo cớ công kích, vu cáo tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Nhiều tổ chức, cá nhân gắn mác “xã hội dân sự” xuyên tạc, câu kết, móc nối, báo cáo, kiến nghị, gây sức ép nhằm phá hoại các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam, nhất là đòi hủy bỏ, hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA).


Có thể thấy rằng, sự đánh giá sai lệch, luận điệu vu cáo, xuyên tạc về nhân quyền Việt Nam của cá nhân, tổ chức ở nước ngoài và một số phần tử phản động, cơ hội chính trị ở trong nước thường chỉ dựa trên lối tư duy thiển cận, cách nhìn méo mó với những luận điệu cũ rích, thâm thù, tức tối dai dẳng trước sự phát triển của đất nước Việt Nam. Họ luôn tìm mọi cách xuyên tạc hòng phủ nhận những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam đạt được trong hơn 30 năm đổi mới đất nước. 


Trong những năm qua, mặc dù còn phải tập trung giải quyết những khó khăn về kinh tế-xã hội nhưng Việt Nam vẫn luôn nỗ lực để mọi người dân được thụ hưởng các quyền lợi kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị theo đúng các chuẩn mực quốc tế, hoàn thành tất cả các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chủ trương, chính sách để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.


Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7.02%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Thu nhập bình quân đầu người cán mốc 2.800 USD/người/năm.  Kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD đạt 514 tỷ USD. Năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục 38 tỷ USD, tăng 7,2%...Việt Nam đã thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); chính thức ký với Liên minh châu Âu Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

 

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh toàn cầu của kinh tế Việt Nam đã tăng 10 bậc so với năm 2018 lên vị trí 67/141 quốc gia và vùng lãnh thổ. IMF đánh giá Việt Nam nằm trong Top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Năm 2019 cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vững danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á" do Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2019 bình chọn. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 18 triệu lượt người, tăng 16,2% so với năm trước.  


Các lĩnh vực đảm bảo đời sống người dân được chú trọng, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; đạt 8,6 bác sỹ, 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra. Chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề được nâng lên, xếp hạng đại học tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68.


Môi trường chính trị ổn định, Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế quan trọng. Trong đó, nổi bật là Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội, góp phần thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục trong lịch sử bầu cử Hội đồng Bảo an tại Liên hợp quốc (192/193 phiếu); tiếp nhận Chủ tịch AIPA 41, Chủ tịch ASEAN 2020... Những thành tựu nổi bật, quan trọng của Việt Nam trong năm 2019 là minh chứng sinh động, bác bỏ báo cáo, đánh giá thiếu khách quan, không chính xác về thực tiễn vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ