A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống tham nhũng, lãng phí: Nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên

 

QPTĐ-Công tác phòng, chống tham nhũng cần có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng. Đồng thời là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, phải tiến hành không ngừng, không nghỉ nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô. Đây là quan điểm được xác định rõ trong Chương trình số 10-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII biểu quyết thông qua Chương trình số 10-Ctr/TU.

Thẳng thắn thừa nhận hạn chế, khuyết điểm

Đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2016-2020, bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng nêu rõ những hạn chế còn tồn tại, như: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao; chưa tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động và đạo đức liêm chính của cán bộ, đảng viên và người dân về phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức… Một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao như: Quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài chính ngân sách, tài sản công, dự án đầu tư… chưa có biện pháp hữu hiệu phát hiện và xử lý triệt để.

Bên cạnh đó, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả. Một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện thiếu trách nhiệm, vô cảm trong giải quyết công việc, nhất là việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Một số cán bộ chủ chốt còn vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạp pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật và xử lý hình sự, thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Quản lý Nhà nước một số lĩnh vực thiếu đồng bộ… Một số nhà, đất công tái định cư, công trình công cộng, công trình phúc lợi… sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí.

Thành ủy cũng chỉ rõ, những hạn chế, khuyết điểm trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về chủ quan, đó là nhận thức về vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa sâu sắc, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất… Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên ở một số tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương còn lỏng lẻo. Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên còn chưa cao, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, thực hiện dân chủ trong nội bộ còn hạn chế… Về khách quan, đó là một số văn bản, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đồng bộ. Đối tượng phạm tội tham nhũng thường là cán bộ có chức vụ, quyền hạn, có kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ rộng để thực hiện và che giấu các hành vi phạm tội. Công tác thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng lớn còn gặp nhiều khó khăn…

Đồng bộ giải pháp phòng ngừa và xử lý

Trên cơ sở xác định, công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, Thành ủy Hà Nội đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trước hết, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền Thành phố về quản lý kinh tế-xã hội, phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; tăng cường công tác kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ  có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí của Thành phố và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện tốt công tác bảo vệ người tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp của cơ quan nội chính; phối hợp, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Với các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội kỳ vọng sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ