Mềm hóa công tác giáo dục chính trị ở Trung đoàn 692
QPTĐ-Trong thời gian gần đây, nhờ làm tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên chính trị và thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung nên chất lượng công tác giáo dục chính trị tại Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 không ngừng được nâng lên. Qua đó, xây dựng bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phút giải lao trên thao trường.
Giờ giáo dục chính trị dành cho chiến sĩ năm thứ nhất của Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 với chủ đề “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới” cuốn hút bộ đội ngay từ những phút đầu. Để giúp bộ đội dễ nhớ, dễ hiểu, Trung úy Phạm Tuấn Hưng, Chính trị viên Đại đội đã vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, tăng cường thảo luận, trao đổi, hỏi đáp, giao lưu giữa người dạy và người học tránh việc truyền thụ kiến thức theo kiểu “thầy đọc, trò chép”. Bên cạnh giáo án, bài giảng, mô hình học cụ, sơ đồ hóa bài giảng, Hưng cũng vận dụng tối đa việc sử dụng phương tiện trình chiếu bằng phần mềm Powerpoint giúp bộ đội dễ tiếp thu kiến thức. Trò chuyện với Hưng trong giờ nghỉ giải lao, anh chia sẻ: “Là cán bộ giảng dạy chính trị, để bộ đội dễ tiếp thu được kiến thức, trước hết bản thân cần phải nắm chắc nội dung của bài, gắn mình trên cương vị người học. Ngoài nội những nội dung chính, cốt lõi thì cần lấy ví dụ minh họa sao cho người học dễ hiểu, sát với thực tiễn. Ngoài ra, trong mỗi bài giảng, chúng tôi tận dụng tất cả những hình thức, phương pháp, phương tiện hoạt động bổ trợ cho cán bộ, lồng ghép tổ chức thêm các hoạt động ngoài thao trường sau giờ học để bộ đội cảm thấy phấn chấn, vui tươi sau mỗi buổi học căng thẳng, tạo khí thế bước vào giờ học tiếp theo đạt được hiệu quả tốt hơn”.
Thượng tá Trịnh Đình Đông, Chính ủy Trung đoàn 692 cho biết: “Nhận thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị là nhiệm vụ quan trọng, nhân tố cơ bản, trực tiếp góp phần xây dựng và giữ vững trận địa tư tưởng, quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn đã tập trung lãnh đạo, thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực trình độ, phương pháp sư phạm của đội ngũ cán bộ chính trị, nhất là giáo viên trực tiếp giảng dạy chính trị trong đơn vị. Thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị ở các cấp, bảo đảm về số lượng và chất lượng, chú trọng phát huy sáng kiến cải tiến mô hình học cụ và đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác giáo chính trị. Thông qua các buổi thục luyện bài giảng chính trị tổ chức hàng tháng tại Trung đoàn đã nâng cao chất lượng soạn thảo giáo án, chuẩn bị chuyên đề và trình độ, kiến thức sư phạm, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục chính trị. Cùng với đó, Trung đoàn làm tốt công tác tập huấn, tổ chức hội thi, hội thao về công tác giáo dục chính trị. Đến nay, 100% cán bộ chính trị lên lớp được, trong đó có trên 70% đạt khá và giỏi”.
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức giáo dục chính trị ở Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301.
Bên cạnh hình thức lên lớp, Trung đoàn cũng chú trọng các hình thức sinh hoạt chính trị, thông báo chính trị-thời sự, ngày chính trị, văn hoá-tinh thần, các hoạt động giao lưu, thi tìm hiểu về các sự kiện chính trị, tìm hiểu pháp luật, truyền thống...; kết hợp giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, giáo dục chính trị với các mặt huấn luyện khác, giáo dục với quản lý, rèn luyện bộ đội, giáo dục thông qua thực hiện các cuộc vận động, các ngày kỷ niệm... nhằm biến quá trình giáo dục thành “tự giáo dục” của cán bộ, chiến sĩ. Tiêu biểu như, để chuẩn bị cho Ngày Pháp luật được tổ chức định kỳ hàng tháng, Trung đoàn đã sử dụng hình thức sân khấu hóa gần gũi với bộ đội để tuyên truyền, những quy định của pháp luật được mềm hóa giúp cho bộ đội được dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu. Cách làm linh hoạt, mới mẻ này đã khắc phục được tình trạng tuyên truyền thụ động, khô khan theo một chiều, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt và trình độ hiểu biết, chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, thực hiện tốt mô hình mỗi tuần một điều luật. Ngoài ra, Trung đoàn phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở như phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh, hệ thống phát thanh nội bộ, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu… góp phần rèn luyện bản lĩnh, ý thức tự giác chấp hành của cán bộ, chiến sĩ.
Có thể khẳng định, với việc đổi mới nội dung, hình thức, công tác giáo dục chính trị của Trung đoàn đã được triển khai toàn diện, có chất lượng hiệu quả. Qua đó, rèn luyện bản lĩnh chính trị, xây dựng phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đức Anh