A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để chiến sĩ mới vượt khó gắn kết với đơn vị

Bài 2: Lắng nghe, chia sẻ với chiến sĩ

QPTĐ-Để thực hiện tốt công tác quản lý tư tưởng chiến sĩ mới, cán bộ phải lắng nghe, thấu hiểu được những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của chiến sĩ. Từ đó, có biện pháp hiệu quả, giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh, góp phần cổ vũ, động viên, khích lệ chiến sĩ mới vượt qua khó khăn, an tâm tư tưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện.   

Nắm chắc thời điểm “nhạy cảm”

Theo Đại úy Vũ Thành Văn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 692 để quản lý chặt chẽ tư tưởng chiến sĩ mới quan trọng nhất là phải biết được thời điểm dễ nảy sinh như trong giờ nghỉ, ngày nghỉ... Để hạn chế những diễn biến về tư tưởng của chiến sĩ mới, Tiểu đoàn quản lý chặt chẽ về quân số, duy trì nghiêm túc các chế độ nền nếp trong ngày trong tuần; thường xuyên gặp gỡ động viên, khích lệ tinh thần anh em trong đơn vị; nắm chắc, quản lý chặt chẽ, dự báo chính xác diễn biến tâm lý, làm cơ sở để định hướng và giải quyết tư tưởng cho chiến sĩ.  

Tham gia các hoạt động cùng cán bộ, chiến sĩ chúng tôi cảm nhận rõ hơn về tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong đơn vị. Họ luôn ân cần đến bữa ăn, giấc ngủ của chiến sĩ. Gần 23 giờ đêm, khi đơn vị đang chìm sâu trong giấc ngủ cũng là lúc Trung úy Nguyễn Thanh Duy, Trung đội trưởng Trung đội 7 đi kiểm tra đơn vị. Anh đến từng giường, kiểm tra từng người, thấy anh em ngủ say mới yên tâm đi ngủ. Chia sẻ với chúng tôi, Duy cho biết: Những ngày đầu, nhiều anh em thức rất khuya, thậm chí còn chùm chăn khóc thút thít vì nhớ nhà. Sáng dậy, biểu hiện mệt mỏi, tâm trạng không tốt. Vì vậy việc kiểm tra vào ban đêm rất quan trọng, qua đó giúp tôi nắm quân số; kịp thời nhắc nhở, động viên những chiến sĩ chấp hành nghiêm giờ giấc ngủ nghỉ. Chiến sĩ Trần Mạnh Đức, trước khi nhập ngũ chia tay bạn gái. Khi vào đơn vị, Đức có tâm trạng buồn, ít giao lưu với mọi người. Nắm được như vậy, chỉ huy Trung đội gặp gỡ, chia sẻ, Đức đã mở lòng, chia sẻ với chỉ huy đơn vị về chuyện tình cảm của mình. Sau khi được phân tích, động viên chân thành của Trung đội trưởng, Đức đã có cái nhìn thấu đáo về chuyện tình yêu của mình. Những ngày sau đó, tâm trạng của Đức đã vui vẻ hơn, tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị.

Cán bộ  hướng dẫn chiến sĩ mới sắp đặt nội vụ vệ sinh

Để tạo sân chơi bổ ích, thu hút chiến sĩ mới tham gia, đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong ngày nghỉ, giờ nghỉ như: Tổ chức hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, giao lưu bóng đá, hoạt động câu lạc bộ tiếng anh, tiếng dân tộc, tổ chức các trò chơi quân sự, góp phần hạn chế những biểu hiện tư tưởng nảy sinh trong những thời điểm nhạy cảm, góp phần giúp chiến sĩ mới an tâm tư tưởng công tác.

Sâu sát, dự báo kịp thời

Đại úy Nguyễn Duy Khánh, Chính trị viên Tiểu đoàn 4 khẳng đinh: Việc quan tâm sâu sát, nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng chiến sĩ mới có vai trò quan trọng đến công tác quản lý tư tưởng chiến sĩ, góp phần giúp cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị giải quyết những khó khăn, vướng mắc về tư tưởng, tạo sự gần gũi, chia sẻ, gắn bó cán binh trong thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, ngay khi chiến sĩ vào đơn vị, chỉ huy các cấp nhanh chóng nắm bắt tình hình mọi mặt, nhất là việc thống kê chất lượng chính trị, nắm các thông tin, phân loại chiến sĩ mới để quản lý tư tưởng chặt chẽ, hiệu quả.

Sau giờ huấn luyện, Trung úy Lê Huy Tùng, Chính trị viên Đại đội 10 lại ra vườn tăng gia hướng dẫn chiến sĩ chăm sóc vườn rau. Trao đổi với chúng tôi, Tùng cho biết: Anh em chiến sĩ đến từ nhiều vùng quê khác nhau. Do đó, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt, trình độ văn hóa, kỹ năng sống khác nhau. Đặc biệt đối với chiến sĩ ở khu vực nội thành Hà Nội, từ nhỏ đến lớn chưa từng lao đông chân tay nên có phần khó khăn hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhiều chiến sĩ đến từ các dân tộc thiểu số, tính tình thường thẳng, thật nhưng dễ bị kích động. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên sâu sát bám, nắm bộ đội không để tình huống bất ngờ xảy ra. Chiến sĩ Hà Văn Đông (ở Xuân Đài, Xuân Sơn, Phú Thọ) là người dân tộc Mường. Khi vào đơn vị rất năng nổ nhiệt tình. Chỉ huy đơn vị giao cho nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Tuy nhiên trong sinh hoạt hằng ngày, Đông có biểu hiện của lối sống tự do, nghĩ gì làm nấy chưa gắn với tổ chức. Nắm được đặc điểm đó, chỉ huy đơn vị gặp gỡ, phân tích và bằng nhiều biện pháp như giao nhiệm vụ cho chiến sĩ thường xuyên gần gũi, chia sẻ; thông qua các buổi sinh hoạt tổ, trung đội để uốn nắm, định hướng giúp Đông từng bước khắc phục những hạn chế đó, góp phần tạo tinh thần đoàn kết trong đơn vị.

Đêm sinh nhật đồng đội của Liên Chi đoàn Tiểu đoàn 4

Cùng với đó, việc phân nhóm đối tượng được coi là biện pháp quan trọng, hiệu quả trong công tác quản lý tư tưởng chiến sĩ mới. Trung tá Nguyễn Hữu Chẩn, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 692 cho biết: Ngay khi tiếp nhận chiến sĩ mới, các đơn vị đã nhanh chóng lấy chất lượng chính trị, báo cáo chỉ huy theo phân cấp. Căn cứ vào đó, các đơn vị tiến hành phân loại từng nhóm chiến sĩ để có biện pháp quản lý đúng trúng, kịp thời, hiệu quả như: Nhóm chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có bố, mẹ mất sớm hay mắc bệnh hiểm nghèo, chiến sĩ đã có vợ con... Đây là nhóm chiến sĩ rất nhạy cảm, dễ nảy sinh tư tưởng nhất. Vì vậy, chỉ huy các cấp đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những tâm tư, tình cảm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho chiến sĩ mới. Bên cạnh đó, cơ quan chính trị đã chỉ đạo Trợ lý bảo vệ an ninh xuống từng đơn vị để nắm tình hình, xác minh lại chất lượng chính trị, nhất là việc nắm các trường hợp đặc biệt, qua đó để tham mưu với chỉ huy Trung đoàn biện pháp xử lý hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp chiến sĩ mới an tâm tư tưởng công tác. (Còn nữa) 

Quang Đông


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ