A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm gì để bộ đội nói thật

Bài 2: Nói không với “dân chủ hình thức”

QPTĐ-Nói thẳng, nói thật không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi quân nhân. Có rất nhiều phương thức bảo đảm quyền nói thật của chiến sĩ. Tuy nhiên, biện pháp cốt lõi nhất để chiến sĩ nói thẳng, nói thật, chính là khi cấp ủy, chỉ huy đơn vị xây dựng được môi trường dân chủ thực sự, khắc phục triệt để tình trạng thực hành “dân chủ hình thức”. Ở cấp nào cũng vậy, phong cách dân chủ của người chỉ huy, chủ trì đơn vị là yếu tố quyết định đến quyền nói thẳng, nói thật của chiến sĩ. Đây là điều kiện tiên quyết, được các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Giờ giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 20.

 

Đa dạng các hình thức dân chủ để chiến sĩ mở lòng

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện chuyên ngành Đặc công, chống khủng bố, Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn thường xuyên đảm nhiệm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các mục tiêu và các ngày lễ, sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn. Nên yêu cầu về thời gian và cường độ tập trung quân số cao, mọi công việc riêng tư phải gác lại, nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị ai cũng vui vẻ, an tâm tư tưởng, hào hứng với nhiệm vụ. Tìm hiểu về thực hành dân chủ của đơn vị, chúng tôi đến thao trường huấn luyện của Đại đội Đặc công, đúng lúc cán bộ, chiến sĩ đơn vị vừa hoàn thành xong nội dung huấn luyện chống khủng bố và giải thoát con tin, cán bộ đến chiến sĩ quần áo đều ướt đẫm mồ hôi đang sôi nổi trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ lúc giải lao Binh nhất Nguyễn Văn Đạt, Chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội Đặc công tâm sự: “Bản thân em rất sợ độ cao, nên khi về đơn vị thấy huấn luyện nội dung này em lo lắm. Nhưng nhờ có các anh tiểu đội trưởng, cán bộ trung đội, đại đội hướng dẫn, giúp đỡ, dần dần em đã quen và không còn sợ độ cao nữa”. Còn theo Thượng úy Vũ Văn Hoàn, Chính trị viên Đại đội Đặc công cho biết: “Không riêng gì Binh nhất Nguyễn Văn Đạt, mà cơ bản chiến sĩ mới về đơn vị đều có chung tâm lý như vậy. Tuy nhiên, để chiến sĩ họ mạnh dạn nói ra những tâm tư trong lòng là rất khó, nên thời gian qua đơn vị đã có nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hay phát huy quyền nói thật của bộ đội nên chúng tôi mới nắm được”.

Trước khi chia sẻ những mô hình phát huy dân chủ của đơn vị, Đại úy Triệu Văn Tuyên, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Đặc công 18 đã kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của Nguyễn Anh Tuấn, là một chiến sĩ có tố chất, năng khiếu văn hóa văn nghệ, tham gia hội thi, hội thao rất nhiệt tình, đạt được nhiều thành tích tốt. Nhưng không may thời gian vừa rồi, Anh Tuấn lại bị mắc căn bệnh giãn tĩnh mạch tinh hoàn, một bệnh “nhạy cảm thầm kín” rất khó nói, nên bản thân lo lắng ảnh hưởng nhiều đến kết quả thực hiện nhiệm vụ. Nhưng thông qua mô hình lấy “phiếu kín để mở lòng chiến sĩ”, đơn vị đã biết được, đồng thời cũng không phổ biến rộng rãi, chỉ báo cáo cấp trên rồi đưa đồng chí đi điều trị, đến nay đã khỏi hoàn toàn và rất yên tâm, phấn khởi. Đại úy Triệu Văn Tuyên cho biết: “Trong tất cả các nội dung, hình thức, biện pháp phát huy dân chủ, như thông qua các tổ, đội công tác, qua sinh hoạt Hội đồng quân nhân, thông qua gặp gỡ chung riêng, hòm thư góp ý, nhưng để được nghe chiến sĩ nói thẳng, nói thật, theo tôi hình thức lấy phiếu kín là hiệu quả cao nhất. Bởi vì thực tiễn cho thấy, chiến sĩ có nhiều người rất muốn ý kiến, nhưng vì lí do nào đó “ngại cấp trên và đồng đội” nên không phải vấn đề gì cũng nói thật”. Tìm hiểu phiếu khảo sát của Tiểu đoàn Đặc công 18 và Tiểu đoàn Trinh sát 20, chúng tôi thấy phiếu được xây dựng theo hình thức “trắc nghiệm” đóng và mở, nội dung đề cập tất cả các mặt công tác của đơn vị, với các câu hỏi, như: Tiêu chuẩn ăn hàng ngày, cán bộ đơn vị có biểu hiện gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền không. Thiếu Tá Nguyễn Bình Quân, Chính trị viên Tiểu đoàn Trinh sát 20 cho biết: “Thông qua kết quả lấy phiếu, chúng tôi sẽ nhanh chóng “khoanh vùng” được trung đội, hay đại đội nào đang có vấn đề về dân chủ, từ đó có phương pháp điều chỉnh, khắc phục dứt điểm. Đồng thời từ kết quả phản ánh, giúp cán bộ sẽ tự soi tự sửa, điều chỉnh lại phương pháp, tác phong công tác, cách ứng xử hàng ngày của mình”.

Còn đến Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Bộ binh 692 tham quan các mô hình, bảo đảm thực thi dân chủ cơ sở, chúng tôi rất ấn tượng bởi phòng ở các trung đội đều niêm yết danh bạ điện thoại của lãnh đạo, chỉ huy các cấp từ trung đoàn đến cấp sư đoàn. Trung úy Chẩu Đức Nam, Chính trị viên Đại đội Hỏa lực 4, Tiểu đoàn 4 cho biết: “Danh bạ điện thoại được niêm yết công khai, chiến sĩ mới về đơn vị đều được hướng dẫn về quyền và nghĩa vụ, trong đó có quyền gọi điện phản ánh tình hình đơn vị đến cả đồng chí sư đoàn trưởng và chính ủy sư đoàn. Vì là đơn vị chủ lực, kỷ luật rất nghiêm, nếu quân nhân thấy có vấn đề vi phạm dân chủ, quân phiệt hoặc tiêu chuẩn, chế độ bị vi phạm, sợ cán bộ quản lý trực tiếp trù dập thì gọi điện trực tiếp lên cấp trên báo cáo”. Cùng với niêm yết danh bạ điện thoại, ngày nghỉ cuối tuần, Trung đội trưởng sẽ cho chiến sĩ trung đội mượn điện thoại gọi về hỏi thăm gia đình, người thân, người yêu, từ đó tạo môi trường gần gũi, đồng thuận. Chúng tôi càng ấn tượng hơn khi chứng kiến buổi sinh hoạt đối thoại dân chủ giữa chiến sĩ Tiểu đoàn 5 với chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 692 do Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Trung đoàn duy trì. Nhờ phương pháp nêu vấn đề và đặt vấn đề thẳng thắn, bộc trực rất gần gũi, cởi mở, thỉnh thoảng pha chút hài hước tinh tế, đã tạo niềm tin, kích thích được bộ đội nói thẳng, nói thật, có hơn 20 ý kiến tham gia phát biểu, tạo nên bầu không khí sôi nổi. Binh nhất Nguyễn Văn Thanh, Chiến sĩ Đại đội 8, Tiểu đoàn 5 bộc bạch ý kiến: “Huấn luyện tân binh xong, mọi người ai cũng sợ biên chế về Tiểu đoàn 5, vì phải huấn luyện, diễn tập nhiều nên vất vả hơn các đơn vị khác. Nhưng về đây công tác, tôi lại muốn gắn bó mãi với đơn vị, vì cán bộ chiến sĩ ở đây rất đoàn kết hòa đồng, mọi chế độ, quyền lợi của chiến sĩ chúng tôi kiến nghị đều được bảo đảm tốt”. Theo Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Trung đoàn 692 cho biết: “Đối với những vấn đề dân chủ chiến sĩ thường hay quan tâm nhất, như việc đi phép, đi tranh thủ, giải quyết khi bố mẹ ốm đau, bảo hiểm y tế, tiêu chuẩn vật chất hậu cần, các quyền lợi khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Bất cứ những thắc mắc gì của chiến sĩ, chúng tôi yêu cầu cán bộ các cấp hằng ngày phải giải đáp kịp thời, nhanh chóng, tránh việc “trả lời cho xong”, mà phải thấu tình đạt lý, đặt cương vị mình vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng chiến sĩ, để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bộ đội”. 

Cùng gia đình tạo môi trường dân chủ đoàn kết

Tạo điều kiện cho chiến sĩ gọi điện thoại về thăm hỏi gia đình trong những ngày nghỉ cuối tuần.

Cơn mưa bất chợt của những ngày cuối tháng 9, làm cho thao trường huấn luyện của Đại đội 1, Tiểu đoàn Trinh sát 20 oi bức ngột ngạt, sau khi kiểm tra xong nước uống, hòm báo thao trường, tranh thủ giờ giải lao Thiếu tá Nguyễn Bình Quân, Chính trị viên Tiểu đoàn Trinh sát 20 ngồi tâm sự với bộ đội. Sau khi được đồng chí Chính trị viên tiểu đoàn hỏi thăm, động viên, Binh nhất Phạm Thiên Long, Chiến sĩ Tiểu đội 3, Phân đội 1, Đại đội 1 phấn khởi cho biết: “Không phải chỉ hôm nay, mà trong huấn luyện, chỉ huy tiểu đoàn thường xuyên kiểm tra, động viên chúng tôi. Khi có vướng mắc gì mà chúng tôi đề nghị, đều được thủ trưởng giải đáp công khai, minh bạch, sau đó được khắc phục ngay. Chẳng hạn vấn đề nước uống. Giờ đây, những hôm nắng nóng, chúng tôi có đủ nước chanh đá để uống khi huấn luyện. Những hành động sâu sát và sự quan tâm cụ thể, thiết thực của cấp trên như vậy, nên chúng tôi rất yên tâm tin tưởng”. Kết thúc giờ giải lao trò chuyện với bộ đội, Thiếu tá Nguyễn Bình Quân “bật mí” với chúng tôi: “Cậu Long khi về đơn vị rất nhút nhát, sống khép kín khó gần. Nhưng thông qua kênh liên lạc với gia đình, chúng tôi đã biết được đặc điểm tâm lý, nên có phương pháp tiếp cận riêng. Kết quả thì anh thấy rồi đấy, tự tin, mạnh dạn”.

Đến trung đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn Thông tin 610 vào những ngày nghỉ cuối tuần, phòng của Trung úy Nguyễn Ngọc Trung, Trung đội trưởng luôn nhộn nhịp, từng tốp chiến sĩ ra vào, ai nấy đều rạng rỡ tươi vui. Tìm hiểu được biết, đây là thời gian trung đội cho phép chiến sĩ mượn điện thoại gọi về hỏi thăm gia đình. Trung úy Nguyễn Ngọc Trung cho biết: “Ngoài việc cho chiến sĩ mượn điện thoại gọi về nhà. Căn cứ vào trích ngang sơ yếu lý lịch của chiến sĩ, chúng tôi tổng hợp các số điện thoại của gia đình quân nhân rồi thành lập “Nhóm Zalo gia đình trung đội”, từ đó thông tin các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tăng gia sản xuất, chăn nuôi, củng cố cảnh quan môi trường doanh trại. Tuyên truyền, phản ánh những cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ, gương “người tốt, việc tốt”. Thông qua nhóm Zalo, các gia đình thấy được hình ảnh, hoạt động con em mình nên rất yên tâm, phấn khởi”. Còn theo Thượng úy Vũ Văn Hoàn, Chính trị viên phó, Đại đội Đặc công, Tiểu đoàn Đặc công 18 cho biết: “Thông qua hoạt động nhóm Zalo gia đình, không những giúp các gia đình quân nhân yên tâm hơn về con em mình khi học tập, huấn luyện tại đơn vị, mà còn là kênh thông tin “tương tác” quan trọng giữa gia đình và đơn vị. Nhờ “tương tác” mà chúng tôi biết được sở trường, sở thích, sở đoản của từng chiến sĩ, để phát huy tâm lý mạnh dạn, cho chiến sĩ tin tưởng nói thật”. Đối với Trung đoàn 692, “Nhóm Zalo gia đình quân nhân” được tổ chức hoạt động ở cấp trung đội và đại đội, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực “kéo gia đình về gần với đơn vị”, góp phần quan trọng vào giữ mối quan hệ gắn bó, phối hợp giữa đơn vị và gia đình quân nhân trong công tác quản lý, giáo dục quân nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, điều cốt lõi để tạo ra môi trường dân chủ, theo như Thiếu tá Nguyễn Bình Quân chia sẻ, chiến sĩ bây giờ nhìn chung có trình độ, có hiểu biết nhưng đối với môi trường quân sự còn nhiều bỡ ngỡ, không tránh khỏi những suy nghĩ và hành động bột phát. Nên cán bộ phải thường xuyên sâu sát, gần gũi, hòa đồng, lắng nghe, quan tâm, chia sẻ với bộ đội; trong thực hiện nhiệm vụ, cũng như trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ phải gương mẫu, công tâm, tích cực đối thoại dân chủ với bộ đội, nắm bộ đội qua nhiều “kênh”, nhất là kênh gia đình. Có như vậy mới nắm và giải quyết kịp thời tư tưởng, những vướng mắc nảy sinh của chiến sĩ trong quá trình học tập, công tác, sinh hoạt tại đơn vị. Tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, sự đồng thuận cao, góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của bộ đội vào cấp ủy, chỉ huy các cấp. Từ đó giúp bộ đội phấn khởi, thêm yêu mến, gắn bó với đơn vị, quyết tâm thi đua hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ