A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga, Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự ở Địa Trung Hải         

 

QPTĐ-Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc V.Korolev vừa tuyên bố: Nga thành lập Hạm đội mang tên Địa Trung Hải, hoạt động khu vực biển cùng tên. Đây là hạm đội thứ 5 của Hải quân Nga, song hành tác chiến trên đại dương cùng với 4 hạm đội hải quân đầy uy lực: Phương Bắc, Thái Bình Dương, Baltic, Biển Đen. 

 

 

Soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen tại Sevastopol.
Ảnh: Internet 

                                                                    
Tại đây, Mỹ đã có Hạm đội 5, Hạm đội 6 kiểm soát khu vực Địa Trung Hải kiêm nhiệm Biển Đỏ, vịnh Ba Tư cùng với sự phối thuộc của Hải quân: Đức, Pháp, Anh tuần tra, sẵn sàng tác chiến theo sự chỉ huy chung của khối quân sự NATO. Vì sao Mỹ, Nga và NATO lại tập trung một lực lượng lớn các chiến hạm hiện đại, trang bị vũ khí tối tân hàng đầu đến Địa Trung Hải? 


Về địa lý, biển Địa Trung Hải có vị trí chiến lược kết nối châu Á, châu Âu, châu Phi và nằm ở giữa trục Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Địa Trung Hải là cánh sườn phía Nam trọng yếu của NATO, dễ bị tổn thương khi xảy ra xung đột. Tại Bắc Phi và Trung Đông, nằm ven bờ biển Địa Trung Hải là khu vực rộng lớn sản xuất dầu mỏ, có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trên thế giới, có vai trò to lớn đối với sự phát triển và ổn định nền kinh tế toàn cầu. Hai căn cứ quân sự: Tartus, Hmeymim của Nga ở Lattakia (Syria) đến cảng biển Nga thuê 49 năm nằm bên bờ Đại Trung Hải, chỉ khoảng 200km. Tại 2 căn cứ này, có hơn 60.000 binh sĩ Nga đóng giữ từ tháng 9-2015 với hàng trăm các thiết bị quân sự, đơn vị vũ khí hiện đại nhất. Và không chỉ lực lượng Hàng không vũ trụ Nga (VKS) tác chiến chống khủng bố ở Syria mà sứ mệnh Hải quân, Không quân Nga ở đây, phải bao quát toàn bộ khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông.


Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, những năm 1967-1992, Liên Xô duy trì ở khu vực này Tiểu hạm đội Địa Trung Hải số 5 với 30-50 tàu chiến, lúc cao điểm lên đến 100 tàu (tháng 10-1973). Liên Xô tan rã, Nga giải thể Tiểu hạm đội này. Hiện, Nga thành lập Hạm đội Địa Trung Hải với hơn 10 tàu chiến có tính năng nổi trội như trọng tải nhỏ, tốc độ cao, chi phí đóng mới giá thành thấp, trang bị hỏa lực mạnh, có khả năng hoạt động xa bờ, xứng đáng là biên đội tàu mạnh, có đủ sức tác chiến với các hạm đội tàu đầy uy lực của Mỹ và NATO. 


Với yêu cầu này, Bộ Quốc phòng Nga định hướng trang bị cho Hạm đội Địa Trung Hải con tàu đầu tiên là Derzky có thiết kế tàng hình, thân tàu thiết kế góc cạnh giảm tiết diện phản xạ ra-da; các hệ thống như ống khói, ra-da, tên lửa, vũ khí được tích hợp trong cấu trúc tổng thể, thay vì được đặt trên bề mặt con tàu như mẫu tàu truyền thống. Kế đó là các tàu hộ vệ Type-20386 có tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, phạm vi tác chiến 5.000 hải lý (9.300km), thiết kế kiểu modul lắp đặt ống phóng thẳng đứng có thể phóng tên lửa phòng không (tầm trung Redut, tối đa 120km), tên lửa chống tàu, tên lửa hành trình (Kalibr-NK, tầm bắn 1.500km ), bệ phóng ngư lôi chống tàu ngầm Paket-NK. Với trang bị này cùng với vũ khí, thiết bị quân sự ở 2 căn cứ đóng tại Lattakia, Hải quân Nga kỳ vọng sẽ tạo được thế cân bằng tương đối với lực lượng Hải quân Mỹ, NATO trong khu vực. 


Từ sau Thế chiến II, Mỹ và NATO kiểm soát khu vực Trung Đông gồm Hạm đội 5 của Mỹ ở Manama-Bahrain và Hạm đội 6 ở Đại Tây Dương, có tiềm năng tác chiến trên không, trên biển vô cùng mạnh mẽ, được tuyên bố là vô địch! Tại đây, ra đời “Liên minh Địa Trung Hải” với 11 quốc gia phương Tây và các nước Arab nhằm độc chiếm khu vực biển, chống lại việc triển khai các hạm đội Hải quân Nga trong khu vực. Gần đây, trong cuộc xung đột vùng Vịnh và Trung Đông, đã không dưới một lần, Hải quân Mỹ, NATO lên tiếng đe dọa các tàu chiến, tàu ngầm thuộc Hải quân Nga kéo đến Địa Trung Hải hỗ trợ chống khủng bố ở Syria! 


Mỹ được xếp là quốc gia có tiềm lực quân sự số 1 thế giới với chi tiêu quốc phòng khủng: 610 tỉ USD (năm 2017), 700 tỉ USD (năm 2018) và kế hoạch chi 716 tỉ USD (năm 2019) với hơn 2,3 triệu quân chính quy, 415 tàu chiến có 19 tàu sân bay, 13.760 máy bay có 2.300 máy bay chiến đấu, 5.880 xe tăng. Trong khi Nga chi ngân sách quốc phòng khoảng 45-60 tỉ USD/năm (3 năm 2016-2018), hơn 3,3 triệu quân chính quy, 350 tàu chiến có 1 tàu sân bay, 3.800 máy bay có 800 máy bay chiến đấu và hơn 2.000 xe tăng.

 

Nếu so sánh thuần túy về số lượng thì Mỹ vượt trội, hơn hẳn Nga về chi tiêu ngân sách quốc phòng và lực lượng hải, lục, không quân. Xét riêng về hải quân, Mỹ vẫn là quốc gia số 1 với 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, được trang bị 280 tên lửa hạt nhân có thể lập tức san phẳng một thành phố, 4 tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường với 154 tên lửa hành trình Tomahawk và 54 tàu ngầm tấn công được trang bị công nghệ hiện đại, vũ khí hạng nặng, có khả năng tàng hình tốt. 


Nga có 60 tàu ngầm được hiện đại hóa, có khả năng tàng hình, mang vũ khí hiện đại, tên lửa hạt nhân, ngư lôi hạt nhân có sức tàn phá khủng khiếp. Tàu ngầm hạt nhân Nga là nỗi ám ảnh với phương Tây, trong đó tàu ngầm diesel chạy êm nhất thế giới. Vừa qua, tàu chiến, tàu ngầm Nga từ Địa Trung Hải phóng tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu khủng bố ở Syria xa 1.500km chính xác, gây nỗi kinh hoàng cho các đối thủ. NATO cảnh báo, rất khó lường về cuộc chiến tranh công nghệ, tác chiến điện tử của quân đội Nga? 


Tại Syria, cuộc chiến chống khủng bố đã đến hồi kết nhưng dường như chiến sự giữa các phe phái khó chấm dứt trong tương lai gần. Nhà Trắng tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria nhưng trên thực tế, Mỹ đã triển khai 19 căn cứ quân sự ở nước này với 5.500 binh sĩ và 22 căn cứ quân sự khác tại các nước làng giềng Trung Đông nhằm hậu thuẫn, huấn luyện các chiến binh phe nổi dậy chống lại Tổng thống B.al-Assad (thân Nga). Chính phủ Syria ra tuyên bố, cáo buộc Mỹ “hai mặt”, chống Hồi giáo IS nhưng lại tài trợ nhóm khủng bố al-Qaeda trá hình, gồm hơn 15.000 tay súng Mặt trận al-Nusra, 35.000 binh sĩ Quân đội Syria Tự do (FSA) và 15.000 quân A.al-Sham, hợp nhất 3 nhóm thành Jaish al-Fatah (Đội quân chinh phục) gần 70.000 tay súng thánh chiến, thân Mỹ. 


Trong khi đó, tuần qua, Nga rút 11 chiến đấu có Su-24, Su-25 cùng đội quân kỹ thuật về nước. Mỹ lập tức lên tiếng về sự xuất hiện của 12 tiêm kích đa năng Su-35S và 2 máy bay cảnh báo sớm A-50 có mặt ở Hmeymim? Với Su-35S, A-50 cùng hệ thống phòng không S-300, S-400, Nga đang tạo một thế lực siêu mạnh có thể diệt mọi mục tiêu đường không, không chỉ trên không phận Syria? 


                        MINH NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ