70 năm- Bắc Nam sâu nặng nghĩa tình
QPTĐ-Thật vậy, cách đây 70 năm, sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và các nước Đông Dương được ký kết. Vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải đã trở thành ranh giới quân sự chia cắt hai miền Nam-Bắc. Miền Bắc được hòa bình, bước vào công cuộc xây dựng CNXH; miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại để lãnh đạo cuộc chiến đấu ở miền Nam; đồng thời, chuyển hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, vừa phục vụ cho kháng chiến lâu dài, vừa chuẩn bị lực lượng cán bộ vừa hồng, vừa chuyên cho cách mạng miền Nam, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Đây là một sự kiện lịch sử “có một không hai” giữa hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta. Tỉnh Thanh Hóa vinh dự được chọn là nơi đầu tiên đón tiếp đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Ngày 25/9/1954, con tàu đầu tiên chở đồng bào và chiến sĩ miền Nam đầu tiên rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới-Sầm Sơn giữa sự chào mừng của nhân dân Thanh Hóa. Chỉ trong 9 tháng, tỉnh Thanh Hóa đã đón tiếp hàng chục ngàn cán bộ, bộ đội, thương bệnh binh, học sinh và gia đình cán bộ tập kết. Đây là địa phương đón số lượng đồng bào, chiến sĩ miền Nam nhiều nhất cả nước. Sau công tác đón tiếp ở Thanh Hóa, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết được đưa tới các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình... để lao động, học tập và công tác. Số cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ở lại Thanh Hóa đã được tỉnh bố trí, sắp xếp việc làm, đảm bảo đời sống lâu dài…
Lễ cắt băng khánh thành công trình lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Ảnh: Hoàng Lam
Trong những tháng năm sống, học tập và làm việc tại miền Bắc, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã được nhân dân các địa phương sẻ chia, đùm bọc, tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cổ vũ, động viên các thế hệ học sinh, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, lao động, sản xuất, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Nhiều người sau khi học tập, rèn luyện đã trở lại quê hương, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đáng chú ý là nhiều người đã được Đảng và Nhà nước đào tạo trong nước hoặc gửi ra nước ngoài học tập đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các địa phương; thành các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ tên tuổi,... đã và đang mang hết công sức, cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Còn đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam thì mặc dù được sống, lao động và học tập trên miền Bắc nhưng vẫn nặng lòng khi nhớ đến miền Nam. Họ biết ơn đồng bào miền Bắc đã dành cho những điều kiện tốt nhất để lao động, học tập và chính sự yêu thương, đùm bọc đó đã thể hiện tình nghĩa Bắc Nam sâu nặng. Trong bài thơ “Nhớ con sông quê hương”, Nhà thơ Tế Hanh viết: “...Quê hương ơi! lòng tôi cũng như sông/Tình Bắc Nam chung chảy một dòng/Không gành thác nào ngăn cản được…”. Và cũng từ niềm tin son sắt ấy, Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã viết thành ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”: “...Dù cho bến cách sông ngăn/Dễ gì chặn được duyên anh với nàng/Xé mây cho sáng trăng vàng/Khai sông nối bến/Cho nàng về anh…”.
Lễ kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Ảnh: Hoàng Lam