A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sáng tạo tiêu thụ nông sản trong thời điểm dịch bệnh

 

QPTĐ-Tình hình tiêu thụ nông sản của các tỉnh phía Nam năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân bởi hàng loạt các địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh đóng cửa nên khó khăn cho khâu lưu thông hàng hóa đến người tiêu dùng. Tình hình dịch bệnh cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, ưu tiên dành tiền cho các mặt hàng thực sự thiết yếu. 

Xuất phát từ thực tế đó, ngày 6/8/2021 “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam bộ và Tây Nguyên 2021” đã được Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội, là một trong những hoạt động kết nối cung cầu quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản của các tỉnh, thành phía Nam đến vụ thu hoạch. Giữa bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự kiện này, hoạt động kết nối cung cầu đã có nhiều điểm đột phá, sáng tạo hơn, linh hoạt hơn.

Xoài tượng da xanh được lựa chọn cho xuất khẩu. (Ảnh: Internet)

Kết nối vào hệ thống siêu thị

Trước tình trạng nhiều loại nông sản ở các tỉnh, thành phía Nam đến vụ thu hoạch nhưng tiêu thụ gặp khó khăn, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương đã phối hợp với Sở Công thương các địa phương kết nối nguồn hàng với nhiều hệ thống siêu thị. Đến nay, thông qua thông tin kết nối của Tổ Công tác đặc biệt, một số hệ thống phân phối (Saigon Coop, Mega Market, Bách Hóa Xanh, Postmart…) đã tham gia ký kết và tiêu thụ nông sản cho một số tỉnh Đông Tây Nam bộ.

Cụ thể, hệ thống siêu thị MM Mega Market đã lựa chọn được 04 nhà cung cấp đáp ứng yêu cầu của siêu thị, bao gồm: HTX Mỹ Thạnh, HTX Rau An Toàn Mười Hai (Long An), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phước, HTX Nông 3 nghiệp Sạch Hưng Thịnh Phát (Tiền Giang) để thu mua một số mặt hàng nông sản tại địa phương đang vào mùa thu hoạch. Ngoài ra, hệ thống Bách Hóa Xanh đã hỗ trợ tiêu thụ được 132 tấn bắp, 120 tấn nhãn, 50 tấn thanh long. Hệ thống Vn Post trong 1 tuần qua hỗ trợ 13 tỉnh miền Tây tiêu thụ 30 tấn nhãn. Ngoài ra, kết nối hệ thống Bưu điện các tỉnh, Công ty Vina T&T, BigC và Bách Hóa Xanh đã tăng cường thu mua, hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại tỉnh Long An.

Tỉnh Long An đang vào vụ thu hoạch thanh long với sản lượng dự kiến khoảng 15.000 tấn. Tuy nhiên, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chống dịch nên việc thu hoạch, vận chuyển và hoạt động của các kho thu mua gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đã kết nối mặt hàng thanh long vào hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tới nay, các siêu thị Bách Hóa Xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang tiêu thụ thanh long Long An với giá chỉ 16.000 đồng/kg. Sắp tới sẽ có thêm hệ thống AEON Việt Nam và MM Mega Market cũng tham gia hỗ trợ tiêu thụ thanh long cho các tỉnh phía Nam.

Đẩy mạnh thương mại điện tử nông sản

Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Cùng với kênh phân phối truyền thống luôn đóng vai trò quan trọng, các sàn thương mại điện tử cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả trong tiêu thụ nông sản. Hơn thế, việc tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử còn giúp bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệ#p nông nghiệp Việt Nam hướng tới chủ động sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản. 

Đã có 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart, Lazada đồng loạt mở bán chính thức sản phẩm vải thiều Bắc Giang. Đây là lần đầu tiên, vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản, có hệ thống trên các sàn thương mại điện tử lớn. Tính từ thời điểm mở bán thí điểm đến ngày 6/6/2021, tổng sản lượng vải thiều địa phương này đã tiêu thụ đạt khoảng 49.977 tấn (trong đó, tiêu thụ trong nước trên 33.607 tấn, chiếm gần trên 67%; xuất khẩu 16.370 tấn cho Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, chiếm gần 33%). 

Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Voso.vn) của Viettel Post đã hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo và đồng hành cùng bà con nông dân tại Bắc Giang tạo gian hàng và chủ động đăng bán các sản phẩm trên sàn. Theo báo cáo từ sàn thương mại điện tử Voso.vn, lượng đơn hàng vẫn tăng hằng ngày, trung bình tiêu thụ từ 3-5 tấn/ngày. Hiện tại, chương trình vẫn đang được Voso.vn phân phối với mức giá ưu đãi cho người mua và hỗ trợ phí vận chuyển. Ước tính, chương trình đã hỗ trợ tiêu thụ khoảng 150 tấn hành tím cho bà con Vĩnh Châu.

Mở rộng cơ hội xuất khẩu

Mặc dù tiếp tục chịu tác động từ dịch Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt kết quả cao 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó nông sản chính 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%.

Các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Chính phủ đã thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước như: Peru, Úc…; chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường nông sản trong và sau dịch Covid-19, từ đó, đề ra giải pháp ứng phó kịp thời. Kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU.

Ngày 5/8/2021, Cục Xúc tiến thương mại-Bộ Công thương đã phối hợp với Thương vụ-Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Thương vụ-Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan tổ chức Hội nghị Giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021.

Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, thị trường Ấn Độ rất giàu tiềm năng cho hàng trái cây của Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng. Ấn Độ có 1,4 tỷ dân, trong đó 60% người dân nước này ăn chay, món ăn của họ chủ yếu là rau quả. Trung bình mỗi người dân Ấn Độ sử dụng 3kg trái cây trong 1 tháng, theo đó cả nước sẽ tiêu thụ khoảng 48 triệu tấn/năm. Trong khi đó, Ấn Độ là thị trường dễ tính. Đây là điều kiện thuận lợi để trái cây của Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang nước này.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ