A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế

 

QPTĐ-Trong tháng 10, mặc dù số ca mắc Covid-19 vẫn còn khá cao nhưng các địa phương trong cả nước cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Đó là điều kiện tiên quyết để kinh tế-xã hội của Việt Nam phục hồi trở lại và có nét khởi sắc trong tháng 10.

Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. (Ảnh: Internet)

Những dấu hiệu khởi sắc

Tháng 10, sản xuất nông nghiệp, thủy sản có những biến động vừa thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức. Cả nước tập trung vào chăm sóc, thu hoạch lúa mùa, lúa Thu Đông và gieo trồng cây màu vụ Đông ở phía Bắc. Chăn nuôi gặp khó khăn do giá bán thấp, nguồn cung tăng trong khi nhu cầu về thực phẩm vẫn thấp do tác động của dịch bệnh. Sản xuất lâm nghiệp có nhiều thuận lợi khi các địa phương gỡ bỏ giãn cách xã hội, hoạt động trồng rừng và khai thác gỗ bắt đầu vào đà tăng để đạt kế hoạch năm 2021. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang dần phục hồi sản xuất, tăng công suất hoạt động. Chuỗi cung ứng sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản dần được hồi phục. 

Sản xuất công nghiệp trong tháng 10 khởi sắc khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau các đợt giãn cách xã hội, các bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tháng 10/2021 ước đạt 41,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với tháng 9/2021. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/10/2021 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch Covid-19 dần được kiểm soát, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 18,1% so với tháng trước và giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 8,6%.

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước tính đạt 53,5 tỷ USD, giảm 0,4% so với tháng 9 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 537,31 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,6%.

So với tháng 9, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 tăng 111%, vốn đăng ký tăng 74%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,81%. Điều này cho thấy khó khăn hiện tại chỉ mang tính thời điểm; yếu tố cơ bản là tiềm năng, lợi thế, động lực mới cho phát triển dài hạn và nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn là nổi trội, ổn định và vững chắc.

Trong tháng 10, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của Nhà nước tiếp tục được thực hiện nên đời sống của người dân nhìn chung ổn định. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 22/10/2021, gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai trên toàn quốc là hơn 24 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 25,2 triệu đối tượng.

Đồng bộ chính sách phục hồi và phát triển kinh tế

Để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế gắn với việc phòng chống dịch hiệu quả, trong tình hình mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, đồng thời thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. 

Ngày 29-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam-Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần đầu tiên bằng hình thức trực tuyến với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm và đổi mới sáng tạo". Thủ tướng chia sẻ về Kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn trước mắt của Việt Nam, gồm: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các chương trình về bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm; phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh 6 định hướng chính sách quan trọng của Việt Nam để phục hồi kinh tế. Trước hết, phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định đời sống xã hội. Triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia…có tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Nâng cao chất lượng thể chế đồng bộ, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế, là điều kiện tiên quyết, một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước 10 năm tới. Yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực nhằm phát huy tối đa nguồn lực quan trọng nhất là con người Việt Nam với tư cách vừa là chủ thể và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển. Song song với đó, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực tự chủ của nền kinh tế phù hợp với những điều chỉnh sau đại dịch Covid-19.

P.Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ