A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững

 

QPTĐ-Đó là chủ đề của buổi tọa đàm do Báo Điện tử Chính phủ tổ chức nhằm đánh giá khách quan bức tranh tổng thể của nền kinh tế và bàn các giải pháp đột phá để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, xuất khẩu, tăng cường an sinh xã hội...

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam bảo đảm vững chắc an ninh lương thực. (Ảnh: Internet)

Giải ngân đầu tư công nhiều hạn chế

Giải ngân đầu tư công không phải vấn đề mới. Nhiều năm qua, Chính phủ đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị và chỉ ra rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, cả vấn đề về mặt thể chế và tổ chức thực hiện, cả trách nhiệm của Trung ương và trách nhiệm của các địa phương về chậm giải ngân vốn đầu tư công. 5 tháng đầu năm 2022, chúng ta mới giải ngân được khoảng 22-23%. Mức này có cao hơn một chút so với cùng kỳ của năm 2021 nhưng so với kế hoạch năm là thấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là do công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ, ngành, địa phương đối với các dự án là yếu, thể hiện ở chỗ dự toán Thủ tướng Chính phủ giao không phân bổ được hết ngay từ đầu năm mà phải phân bổ nhiều lần trong năm. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 11 bộ và 17 địa phương chưa phân bổ hết dự toán năm 2022 như Thủ tướng giao. Cái yếu trong khâu dự toán sẽ dẫn đến vấn đề chậm chạp trong khâu thực hiện, vướng vấn đề này, vấn đề kia.

Tiếp nữa là vấn đề về giải phóng mặt bằng. Trong thời gian qua, giá nhà đất ở một số địa phương tăng và đấy cũng là một yếu tố dẫn đến giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai thì công tác giải phóng mặt bằng cũng có chỗ này, chỗ kia gặp vướng mắc.

Thứ ba là giá cả nguyên vật liệu tăng cao, nhiều chủ đầu tư thậm chí bỏ cọc để không bị lỗ thêm. Vì vậy cũng ảnh hưởng rất nhiều đến dự án.

Cuối cùng vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Cùng một mặt bằng thể chế nhưng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt nhưng cũng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân kém hơn. Khâu tổ chức thực hiện của chúng ta vẫn là một khâu yếu.

Như vậy, giải ngân vốn đầu tư công chậm có cả nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan. Vấn đề dự toán, tiếp theo là việc triển khai chậm là nguyên nhân chủ quan. Giá vật tư, giải phóng mặt bằng vừa là khách quan vừa là chủ quan. Đây cũng là vấn đề thực tế trong nhiều năm qua. Có những rủi ro chúng ta phải chịu như giá vật tư lên, giá đất lên. Thường chúng ta dự toán một khoản để đền bù nhưng giá đất lên thì không đủ để đền bù. Quy trình thủ tục để giải quyết cũng không thể nhanh được. Đó là những nguyên nhân nửa chủ quan, nửa khách quan và có thật trong hệ thống của chúng ta.

Bội thu nhưng không lạm thu

Nền kinh tế của nước ta vừa mới phục hồi nhưng thu ngân sách năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 khá cao. Kết quả thu ngân sách năm 2021 vượt 16,8% so với dự toán. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do đại dịch mà bội thu ngân sách thì đây là nguồn lực hết sức quan trọng để giúp cho cả Trung ương và địa phương có thể đối phó hiệu quả với dịch. 

Vấn đề đặt ra là Chính phủ có lạm thu hay không, có tạo gánh nặng cho doanh nghiệp hay không? Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, trong điều hành chính sách, Chính phủ đã miễn, giảm, giãn cho các doanh nghiệp, đồng thời, bội thu ngân sách là so với dự toán chứ không phải so với thực hiện. Nếu so với thực hiện của năm 2020 thì tổng thu ngân sách chỉ tăng khoảng 3,8%, và như vậy hoàn toàn phù hợp với tăng trưởng kinh tế có 2,8%, lạm phát trên 1,8%. Chúng ta xây dựng dự toán 2021 đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ 3 ở Việt Nam. Trên cơ sở tình hình dịch bệnh lúc đó, Chính phủ xây dựng dự toán 2021 có phần thận trọng, vì vậy trên thực tế, năm 2021 thu ngân sách vượt trên 22.000 tỷ.

Bên cạnh đó, về cơ cấu, thu của chúng ta dần bền vững hơn. Thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo. Mặt khác, thu ngân sách cũng phản ánh xu thế chung, đó là trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy nhưng niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, vào nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt. Thu hút FDI trong năm 2021 vẫn tăng tới 9% so với 2020 trong bối cảnh chúng ta khó khăn về dịch bệnh như vậy.

An ninh lương thực-vấn đề toàn cầu

Hiện nay, vấn đề an ninh lương thực luôn được các quốc gia lấy làm trọng. Liên hợp quốc đã phải họp về vấn đề này. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong những nước giữ vững được an ninh lương thực quốc gia và thậm chí còn xuất khẩu gạo vào nhóm hàng đầu thế giới. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: Trong các chuyến tháp tùng Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thăm một số nước, cảm nhận vai trò của Việt Nam góp phần cân đối an ninh lương thực thế giới đã được nâng cao. Tham gia các cuộc làm việc của Thủ tướng tại các viện, Bộ Nông nghiệp Mỹ, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), WB, thiết chế sáng kiến hệ thống lương thực toàn cầu đều nhắc đến Việt Nam. Họ đều mong chúng ta tham gia nhiều hơn để góp phần cùng thế giới vượt qua cơn khủng hoảng lương thực. Việt Nam 5 tháng vừa qua không chỉ đủ nuôi 100 triệu miệng ăn mà còn xuất 3 triệu tấn gạo, mang về 1,4 tỷ USD. Chúng ta bảo đảm tốt cho mình và các nước, qua đó họ đánh giá cao và muốn tài trợ nhiều dự án phát triển nông nghiệp, thích ứng xu thế kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, giúp thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa lường hết các vấn đề, từng giai đoạn và thời điểm, ta cần nắm bắt tình hình, giao thương giữa các quốc gia vì bài toán kinh tế, đặc biệt giao thương lương thực còn mang tính nhân văn. Chúng ta phải tích cực hơn lo cho mình, nâng cao vị thế,  không chỉ xuất khẩu vì kinh tế mà còn nâng cao vị thế với khẩu hiệu "Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm". 

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan định kỳ thảo luận, cân đối cung cầu trong nước, định mức xuất khẩu, thay đổi tư duy cách tiếp cận an ninh lương thực, bảo đảm cuộc sống gắn liền cơ cấu kinh tế trồng trọt. Làm sao vẫn xuất khẩu, giá tốt, thu nhập người nông dân tương ứng tăng theo, không tăng sản lượng đánh đổi môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Phương Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ