A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

 

QPTĐ-Quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Trong khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức xuất phát từ việc tập trung dân cư ngày càng cao, tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Đối với Việt Nam, phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam xác định rõ xây dựng và phát triển đô thị thông minh là một trong ba nội dung cốt lõi trong chủ động tham gia Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số.

Khu đô thị thông minh Vinhomes Smart City. (Ảnh: Internet)

Thực tiễn phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam

Trong những năm qua, đã có 10 tỉnh, thành phố ở Việt Nam xây dựng và phê duyệt phát triển đề án đô thị thông minh dựa trên mô hình của tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ là một phần trong mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN. Một số đô thị có điều kiện thích hợp áp dụng mô hình đô thị thông minh bao gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hạ Long, Huế, Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn.

Năm 2012, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên được Tập đoàn công nghệ IBM chọn là 1 trong 33 thành phố trên thế giới. Đà Nẵng khi đó được nhận tài trợ từ chương trình thành phố thông minh hơn, với tổng giá trị tài trợ hơn 50 triệu USD, sử dụng giải pháp điều hành trung tâm thông minh để đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ người dân, cung cấp giao thông công cộng tốt nhất và giảm thiểu ách tắc giao thông. Thành phố Hồ Chính Minh và Hà Nội cũng đã có những bước triển khai cụ thể về những khía cạnh khác nhau của thành phố thông minh như thử nghiệm sử dụng thẻ thay vì bán vé xe bus truyền thống. Việc triển khai thành phố wifi ở một số địa điểm, những đề xuất về việc sử dụng điện thoại di động để truyền tải thông tin tình trạng giao thông hay những ý tưởng số hóa những sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của một số doanh nghiệp.

Bên cạnh sự phát triển của các thành phố lớn tại Việt Nam, các chủ đầu tư của các tập đoàn bất động sản cũng đang chuyển đổi sang xu hướng mới là phát triển khu đô thị thông minh. Một trong những chủ đầu tư cũng nhanh chóng cập nhật xu hướng thế giới là Tập đoàn Vingroup, tiền thân là Dự án Khu đô thị Vinhome Sportia nằm trên trục đại lộ Thăng Long, năm 2019, Tập đoàn Vingroup đã thay đổi thành Khu đô thị Vinhome Smart City (Thành phố Thông minh Vinhome). 

Với diện tích 280 ha, Vinhomes Smart City đã học hỏi và tổ chức vận hành ứng dụng theo mô hình đô thị thông minh trên thế giới như Singapore, Songdo của Hàn Quốc, Fujisawa của Nhật Bản. Có thể thấy, chủ đầu tư đã nắm bắt rất nhanh và ngay lập tức đổi hướng để đưa ra một mô hình khu đô thị mới với hệ sinh thái thông minh dựa trên 4 trục cốt lõi, gồm an ninh thông minh (Smart Security), quản lý vận hành thông minh (Smart Management), cộng đồng thông minh (Smart Community), nhà thông minh (Smart Home). Vinhome Smart City hứa hẹn bảo đảm an ninh-an toàn thông minh với hệ thống camera đa lớp tích hợp trí tuệ nhân tạo tự động nhận diện khuôn mặt, biển số xe, tự động cảnh báo đối tượng lạ trong khu đô thị, hệ thống thang máy thông minh, phòng cháy chữa cháy thông minh, giám sát chất lượng không khí, cảnh báo ô nhiễm môi trường và ứng dụng cập nhật tình trạng giao thông thành phố và khu đô thị qua phần mềm trên điện thoại.

Định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Tại Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 diễn ra tại Hà Nội ngày 22-10-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại và đã có nhiều chính sách và quyết tâm phát triển đô thị thông minh. Việt Nam coi xây dựng đô thị thông minh là một trong ba nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam đã xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030 dựa trên cơ sở quy hoạch thông minh gắn với quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền-người dân và nhà đầu tư.

Thủ tướng cho rằng, phát triển đô thị thông minh là một cuộc chơi lớn, trong đó, cần những “người cùng chơi” có tầm nhìn và tiềm lực, hướng tới mục tiêu nhân văn, cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong Cuộc cách mạng Công nghiệp nghiệp lần thứ tư và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.

Phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình. Tiếp cận đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời, phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.

Các địa phương cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ việc đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh. Ngoài ra, cần thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ