Thách thức trong phát triển thương mại điện tử Việt Nam
QPTĐ-Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định nhất. Năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 18-20%, vượt mốc 25 tỷ USD. Như vậy, thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trung bình 26,7%/năm, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Cùng với những động lực tăng trưởng mới, dự báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt 31 tỷ USD trong năm 2025.
Ra mắt sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn.
Ảnh: Hoàng Linh
Bức tranh thương mại điện tử Việt Nam
Cuối năm 2024, thương mại điện tử đã đạt doanh số khoảng 108.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn cho ngành thương mại điện tử, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Dẫn chứng, các sàn thương mại điện tử như: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo lần lượt gia nhập vào thị trường Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, độ bao phủ rộng, xuyên biên giới.
Trong 4 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 16-30% mỗi năm và được đánh giá thuộc tốp hàng đầu thế giới. Tỷ lệ dân số tham gia thương mại điện tử chiếm khoảng 60%, giá trị mua sắm trung bình ước đạt 400USD/người/năm.
Kênh dịch vụ kết nối thanh toán online (AppotaPay) cũng đưa ra dự báo xu hướng thương mại điện tử năm 2025 tại Việt Nam với khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ. Trong khi đó, có đến 25% người tiêu dùng mua sắm online và 21% mua ngay lập tức. Dự báo năm 2025, thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số. Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện tỷ trọng của thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số nước ta. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Giai đoạn 2023-2025, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá có đầy đủ các yếu tố để phát triển sang giai đoạn mới, khi có nhiều sàn thương mại điện tử lớn thế giới gia nhập thị trường. Trong khi đó, các nhà bán hàng và các sàn đã tồn tại cũng đã đúc kết được các kinh nghiệm để có thể bứt phá trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các đơn vị trong hệ sinh thái như doanh nghiệp bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, công ty logistics và chuyển phát nhanh, các đơn vị cung cấp dịch vụ marketing, lưu trữ hạ tầng và cơ quan chức năng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện hạ tầng logistics và tăng cường các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử.
Thách thức và giải pháp đối với thương mại điện tử Việt Nam
Trong vài năm qua, các nền tảng thương mại điện tử cả trong nước và quốc tế đều chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt. Điều này không chỉ đến từ yêu cầu ngày càng cao của các nền tảng đối với nhãn hàng và thương hiệu, bao gồm đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, hay đưa ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó còn xuất phát từ chính sự cạnh tranh giữa các nhà bán hàng.
Mặc dù thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, song vẫn còn tồn tại hạn chế cần khắc phục. Hiện cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp phép hoặc đang trong quá trình cấp phép vẫn thực hiện cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, bán các sản phẩm, hàng hóa xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam với giá cả thấp, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ nội địa, áp lực cạnh tranh với các nền tảng thương mại điện tử nội địa và tác động lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Chưa có quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream, các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và những vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestreams.
Bối cảnh thương mại điện tử hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới phản ánh rõ một nền kinh tế số và nền kinh tế phẳng. Trong bối cảnh này, thương mại điện tử Việt Nam cần xác định rằng đây là một cuộc chơi toàn cầu, nơi sự cạnh tranh thông minh và hiệu quả sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển trên bất kỳ nền tảng nào. Doanh nghiệp không chỉ cần có sức cạnh tranh, chiến lược nổi bật và cách đi riêng, mà còn cần xây dựng được tập khách hàng trung thành của mình để đảm bảo khả năng tồn tại và phát triển bền vững, bất kể trên nền tảng nào.
Các đơn vị kinh doanh trực tuyến phải nỗ lực không ngừng để tối ưu hóa chi phí vận hành trên các nền tảng thương mại điện tử, đồng thời vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu và đảm bảo tỷ suất lợi nhuận cần thiết để phát triển lâu dài. Một tín hiệu tích cực là các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động thương mại xuyên biên giới (cross-border commerce). Nhiều sản phẩm "Made in Vietnam" đã được đưa ra thị trường quốc tế, bao gồm cả những thị trường phát triển nhất thế giới, với mức tăng trưởng ấn tượng hai chữ số. Đây là minh chứng cho tiềm năng và khả năng cạnh tranh toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thương mại điện tử khác biệt hoàn toàn so với cách làm thương hiệu truyền thống. Trong mọi hoạt động, từ nghiên cứu sản phẩm, triển khai marketing, bán hàng, thực hiện các chương trình khuyến mãi, đến việc lựa chọn sản phẩm thì doanh nghiệp cần dựa trên dữ liệu để đưa ra các quyết định chính xác và hiệu quả. Việc học hỏi từ dữ liệu không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường và khách hàng, mà còn cung cấp nền tảng để áp dụng công nghệ vào hành trình bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Khi vận dụng tốt dữ liệu và công nghệ, doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt, đặc biệt ở hai khía cạnh: Giảm chi phí vận hành và tối ưu hóa biên lợi nhuận. Đây chính là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp duy trì sức sống và phát triển bền vững trong môi trường thương mại điện tử đầy cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp cần hiểu rõ cơ chế hoạt động của từng kênh bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, từ đó tối ưu hóa quy trình kinh doanh và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng cũng như cho chính doanh nghiệp.
Tiếp tục phát triển thương mại điện tử bền vững, thương mại điện tử xanh, giảm thiểu tác động môi trường; thúc đẩy hợp tác giữa các bên, liên kết với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ chuyển đổi số cho chợ truyền thống; tăng cường quản lý nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật, chủ động thúc đẩy việc ứng dụng AI trong các hoạt động quản lý và vận hành.
SONG HÀ