QPTĐ-Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 15 đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều, với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù. Đặc biệt là việc phân cấp, phân quyền cho Thành phố được xem là động lực, không gian mới để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đây chính là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”.
Nút giao giữa đường vành đai 4 và Đại lộ Thăng Long.
Ảnh đồ họa: UBND Hà Nội
Điểm mới trong tổ chức bộ máy chính quyền
Hà Nội là Thủ đô, “trái tim” của cả nước, Thành phố Vì hòa bình, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế.
Với vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng của đất nước, nên trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội so với pháp luật hiện hành, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh đúng với nội dung mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp cho chính quyền Thủ đô Hà Nội thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức bộ máy, biên chế, chính quyền”.
So với Luật Thủ đô 25/2012/QH13, Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá tạo động lực dẫn dắt cả vùng và cả nước. Cụ thể, về tổ chức chính quyền, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bảo đảm tổ chức chính quyền theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, Luật quy định chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND); chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường. Như vậy, Luật đã cụ thể hóa quy định không tổ chức HĐND phường được quy định trong Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Cũng theo quy định của Luật, thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại). Thường trực HĐND thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên gồm Chủ tịch, không quá 03 Phó Chủ tịch (tăng 01 Phó Chủ tịch và 04 thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố).
Nếu theo quy định này thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND Thành phố sẽ phải tăng thêm trên 80 nội dung. Do đó, việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách sẽ đồng nghĩa với việc tăng thêm sức mạnh cho bộ máy để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng phân quyền trực tiếp cho Thường trực HĐND Thành phố khi quy định trong thời gian HĐND Thành phố không họp, Thường trực HĐND Thành phố quyết định một số nội dung và báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất. Quy định này sẽ giúp bảo đảm tính cấp thiết, kịp thời trong quá trình quản lý, điều hành tại Thủ đô.
Đối với UBND thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân cấp cho chính quyền Thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
Để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, tránh lạm dụng, ủy quyền tràn lan, Luật giao HĐND Thành phố quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Bên cạnh đó, giao UBND Thành phố quy định việc điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền phù hợp với việc thực hiện quyền hạn được phân cấp, ủy quyền; giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của Thành phố và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật.
Tạo động lực và sức sống mới cho Thủ đô
Điểm nổi bật trong Luật đó là, quy định việc quy hoạch để hướng tới xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, trong đó quy định rõ là, tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống. Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Đồng chí Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá: “Luật Thủ đô sửa đổi lần này có rất nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực văn hoá, công nghiệp văn hoá. Đồng thời, có những cơ sở để chúng ta tháo gỡ những khó khăn vướng mắc”. Đối với đầu tư phát triển đường sắt đô thị, Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển (TOD), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; Thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Quyết tâm là “bí quyết” thành công cho Thành phố
Thực tiễn hơn 10 năm, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị Thành phố trong triển khai và thực Luật Thủ đô (2013), đã giúp thành phố Hà Nội thiết lập các công cụ pháp lý tương đối đồng bộ cho việc xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực. Các cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã giúp Thành phố huy động được nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Nhiều dự án, công trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải được ưu tiên đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực mạng lưới hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế, xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
Trên nền tảng đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 với những quy định hoàn thiện hơn, sẽ là điểm tựa để Hà Nội hướng tới xây dựng Thủ đô trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều điều khoản quy định cụ thể, tạo ra nguồn lực, thẩm quyền để Thủ đô chủ động thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao trong Hiến pháp. Luật Thủ đô là “cơ hội vàng” định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai. Đây là những quy định tạo triết lý, quan điểm, định hướng, không gian phát triển cho Thủ đô trong thời gian tới.
Do đó, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp của Thành phố phải tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn thành phố để thống nhất nhận thức và quyết tâm triển khai thực hiện, nhất là mở những đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, các cuộc thi tìm hiểu, các hội thảo, tọa đàm, đưa vào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, về ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo xung lực mới, không gian mới, để Thủ đô phát triển toàn diện, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố Vì hoà bình, đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết tôn trọng và tự giác tuân thủ Luật Thủ đô năm 2024.
VĂN TUÂN