A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nghệ số thúc đẩy du lịch Thủ đô

QPTĐ-Theo các chuyên gia văn hóa, việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số là việc làm cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, bảo tồn di sản văn hóa một cách bền vững, khoa học và hiệu quả thực tiễn cao. Thông qua việc số hóa, công nghệ về lưu trữ cùng với các phần mềm tái hiện đa phương tiện, công chúng sẽ được tiếp cận, khai thác và tương tác mà không làm tổn hại đến di sản, di tích.

Du khách quét mã QR code truy cập thông tin du lịch Thủ đô.

        Ảnh: Internet

Với hơn 5.900 di tích lịch sử, văn hóa, Hà Nội có tài nguyên di sản giàu có, đa dạng. Đây là nguồn lực lớn để phát triển văn hóa, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô. Việc đẩy mạnh số hóa các di tích lịch sử không những góp phần lưu trữ tư liệu, hình ảnh quý mà còn giúp người dân và du khách hiểu thêm về văn hóa truyền thống của Việt Nam.

 Những thành công trong số hóa di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô

Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô đã chứng minh tính ưu việt và đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Trước sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, có thể khẳng định rằng công nghệ số sẽ thúc đẩy ngành Du lịch Thủ đô phát triển bền vững.

Tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, các ứng dụng công nghệ hiện đại đã được áp dụng triển khai như: Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (thông qua quét mã QR Code); hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI. Đặc biệt cuối năm 2021, với mong muốn đưa không gian Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành không gian văn hóa với các hoạt động văn hóa cả ngày và đêm, có thêm nhiều những sản phẩm phục vụ du khách tham quan, Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã đưa vào thử nghiệm màn trình diễn công nghệ đồ bản 3D Mapping.

Ngoài Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhiều điểm đến khác của Hà Nội từ lâu cũng áp dụng công nghệ số phục vụ khách du lịch như: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội thường xuyên kết hợp tổ chức các triển lãm, trưng bày theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh việc giới thiệu các triển lãm, trang “trungbayonline”, “hoangthanhthanglong.vn” còn giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ giới thiệu về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước. Làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm là làng nghề đầu tiên ứng dụng công nghệ VR3D giúp du khách tham quan làng nghề và hòa mình vào lễ hội làng với đầy đủ các phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua trải nghiệm công nghệ thực tế ảo.

Những ứng dụng công nghệ đã giúp du khách tiếp cận gần hơn với di tích, tạo điểm nhấn ghi điểm với khách du lịch trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như hệ thống thuyết minh tự động sẽ giúp phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của du khách. Trước đây Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám triển khai thuyết minh tiếng Anh, chỉ đáp ứng được các đoàn khách đông, không đáp ứng được các đoàn khách lẻ. Hiện nay, với hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ, trong đó có những ngôn ngữ không quá phổ cập như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nga..., theo đó bất cứ du khách nào đến tham quan, trải nghiệm tại di tích đều được phục vụ, đáp ứng đủ nhu cầu. Việc sử dụng hệ thống thuyết minh đem đến sự văn minh, bởi khách đi tham quan đều có thể tự khám phá, không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Hay như việc ứng dụng QR Code, giúp du khách tự khám phá những giá trị của di tích thông qua hệ thống đó mà không phụ thuộc vào hướng dẫn viên du lịch.

Phát huy vai trò thế hệ trẻ tiếp tục bảo tồn các di sản văn hóa

Trước đây, bảo tồn di sản văn hóa thường được mặc định là công việc của giới nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước nhưng ngày nay, trước sự phát triển nhanh của công nghệ cùng với ý thức, niềm tự hào về văn hóa truyền thống của người dân ngày càng được nâng cao, việc bảo tồn di sản không còn là trách nhiệm riêng của các nhà chuyên môn mà thu hút sự tham gia của cả cộng đồng.

Để tận dụng hết lợi thế của số hóa trong phát triển du lịch Thủ đô, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết: “Năm 2023 chúng tôi triển khai số hóa 322 địa chỉ đỏ, cùng với đó, các quận, huyện sẽ triển khai việc số hóa các di tích trên địa bàn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về thông tin. Việc này sẽ giúp thuận lợi hơn trong việc lưu giữ, quảng bá các giá trị văn hóa của Thủ đô, đồng thời xây dựng hệ dữ liệu chung của các di tích, các địa chỉ đỏ trên toàn thành phố Hà Nội”.

Mới đây nhất, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ Meta 365 cho ra mắt công trình thanh niên QR Code các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Công trình được áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giọng nói để thuyết minh bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh giới thiệu về từng khu vực tham quan tại các khu di tích. Tại mỗi điểm di tích đều được gắn các mã QR tích hợp liên kết với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo nhằm nâng cao tính phổ biến và thuận tiện trong quá trình truy cập của du khách khi tới tham quan.

Các mã QR code được thiết kế với bộ nhận diện Chibi thanh niên và được thanh niên quảng bá, đặt tại nhiều khách sạn, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê lớn, nơi tập trung nhiều khách du lịch. Để hỗ trợ các ứng dụng này đồng thời phát huy tính tiên phong của thanh niên, Đoàn Thanh niên phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm còn bố trí lực lượng túc trực tại các di tích lịch sử. Đoàn Thanh niên phường Hàng Trống duy trì đội hình thanh niên tuyên truyền văn hóa lịch sử Thăng Long tại các điểm di tích trên địa bàn phường vào các ngày cuối tuần, thời điểm lượng du khách đến tham quan đông.

Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ