A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ mùa Xuân đại thắng

 

Ngày 30/4/1975, khi Quân giải phóng cắm cờ đỏ trên nóc Dinh Độc Lập cũng là thời điểm kết thúc cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc ta vì độc lập, tự do của Tổ quốc; đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Chính vì ý nghĩa thiêng liêng và quan trọng như vậy nên mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày 30-4, những cựu chiến binh (CCB) đã từng đi qua năm tháng ấy đều không khỏi bồi hồi. Đối với họ những phút giây ấy như mới vừa hôm qua.

 

 

Thứ 2 từ trái qua phải: Trung tướng Lê Hữu Đức; Đại tá Hoàng Minh Tiến; Cựu chiến binh  Nguyễn Thanh Quang.

 

Tháng 4/1973, Trung tướng Lê Hữu Đức, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội lúc đó là Thượng tá, Cục phó Cục tác chiến. Ông được Bộ Tổng Tham mưu biên chế vào Tổ trung tâm chuyên xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975, 1976. Tổ gồm 4 người: Đồng chí Lê Trọng Tấn (lúc đó là Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam là Tổ trưởng. Các đồng chí Vũ Lăng (Cục trưởng) và 2 Thượng tá Võ Quang Hồ và Lê Hữu Đức là uỷ viên. Mỗi tuần Tổ dành hai ngày thứ ba và thứ tư để nghiên cứu tại phòng làm viêc của đồng chí Tấn trong khu A.

Nội dung nghiên cứu gồm 5 vấn đề: Một là nghiên cứu tình hình ta, địch, lực lượng so sánh giữa ta và địch sau Hiệp định Pa-ri; hai là chọn hướng tấn công chủ yếu và mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy; ba là phương pháp tác chiến chiến lược; bốn là những khó khăn cần khắc phục; năm là cuộc tấn công nên bắt đầu từ năm nào là thích hợp nhất.

 

Trung tướng Lê Hữu Đức cho biết: “Trong 5 nội dung của bản kế hoạch chiến lược cơ bản, 3 nội dung đầu gồm: Đánh giá địch, chọn hướng tấn công chủ yếu và phương pháp tác chiến chiến lược là khó khăn nhất, hóc búa nhất và đau đầu nhất với Tổ trung tâm. Qua theo dõi và phục vụ các hội nghị của Quân uỷ Trung ương và Bộ Chính trị, chúng tôi thấy đó cũng là những nội dung mà các đồng chí lãnh đạo tập trung trao đổi, trăn trở nhiều, thẳng thắn tranh luận, lắng nghe để đi đến thống nhất. Không chỉ các hội nghị thông qua lần thứ nhất, thứ hai…mà đến các hội nghị thông qua lần thứ 7...”

 

Trải qua quá trình phân tích, tranh luận khách quan, đồng thời căn cứ vào nhiều yếu tố, cuối cùng Tổ trung tâm nhất trí hướng tiến công chủ yếu cho toàn cuộc tiến công là Nam bộ, vì có đồng bằng sông Cửu Long đông người, nhiều của dự trữ chiến lược; đặc biệt có Sài Gòn-Gia Định-hang ổ của nguỵ quân, nguỵ quyền Trung ương. Nhưng ở đầu cuộc tiến công nên nhằm Quân khu 2-Quân đoàn 2 của địch, cụ thể là Tây Nguyên-nơi ta có đầy đủ điều kiện tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch ngay từ đầu, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của địch. Song mở đầu cuộc Tổng tiến công chiến lược vào Tây Nguyên nên bắt đầu từ Kon Tum, Play-cu hay Buôn Ma Thuột. Tức chọn mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng tiến công, trên cơ sở đã chọn đúng hướng tiến công chủ yếu. Qua thảo luận, Tổ nhất trí nhanh trên chiến trường Tây Nguyên-B3 thì khu vực Buôn Ma Thuột từ trước đến nay là yếu nhất, sơ hở nhất nhưng rất hiểm yếu; thế bố trí của địch rất mỏng, vừa với sức tấn công của bộ đội chủ lực ta. Một điều nữa, thị xã Buôn Mê Thuột to nhưng ta có nhiều khả năng tấn công giải phóng và trụ bám giữ vững để tiêu diệt lực lượng còn lại của Sư đoàn 23 tới ứng cứu, có điều kiện tiêu diệt tiếp các lực lượng viện binh của địch, đều có điều kiện đánh vận động.

 

Đại tá Hoàng Minh Tiến, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tây (cũ), mùa Xuân năm 1975, đơn vị của ông khi ấy có nhiệm vụ phối hợp với mặt trận Tây Nguyên giải phóng Buôn Mê Thuột. Trung đoàn đã tham gia chiến dịch tiến công tiêu diệt quận lỵ Tiên Phước; đánh quỵ Sư đoàn 2 của Nguỵ, tiến công giải phóng thị xã Tam Kỳ ngày 24/3/1975; phối hợp với toàn mặt trận và các đơn vị trong Sư đoàn, Trung đoàn tiến công đánh chiếm Sân bay Đà Nẵng, Sở chỉ huy Quân đoàn 1 Nguỵ, góp phần giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng ngày 29/3/1975.

Ông xúc động nhớ lại: “Trong giây phút chiến thắng, tôi cùng đơn vị ở Sân bay thành phố Đà Nẵng, vì ngày 29/4/1975, Trung đoàn 31 đã giải phóng thành phố Tam Kỳ, thuộc tỉnh Đồng Nai, sau đó chúng tôi được lệnh cùng với đội quân chiến đấu của Trung đoàn 2 hành quân thần tốc đánh chiếm sân bay Đà Nẵng và Sở chỉ huy của Ngô Quang Trưởng. Giây phút thiêng liêng nhất khi mà Chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra, Trung đoàn 31 có trách nhiệm bảo vệ thành phố Đà Nẵng”.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Quang, phường Thanh Xuân Nam,   quận Thanh Xuân, Hà Nội, nguyên Hạ sỹ Tiểu đội phó, Trung đoàn 279 Công binh cũng bồi hồi: “Vào ngày 20 tháng 4 năm 1975, đơn vị tôi đang ở căn cứ rừng cao su Đồng Soài thì nghe được bức điện của đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp (7/4/1975) “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh ấy như một lời hịch của Đại tướng trong chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau khi được học tập 3 ngày về Chiến dịch Hồ Chí Minh, theo kế hoạch, đơn vị tôi đi sâu xuống Đồng bằng sông Cửu Long, tức là khu sân bay Đức Hoà, Đức Huệ của Long An. Đơn vị được giao bảo đảm bến vượt cho các lực lượng và binh khí kỹ thuật của ta vượt sông tiến đánh giải phóng Sài Gòn”.

 

Điều khiến ông rất xúc động là sau khi làm xong bến vượt, đơn vị được bà con nhân dân ở khu vực xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà, Long An đón tiếp rất tận tình, người thì cho bánh dừa, người cho bánh tét, bánh ít…ai cũng muốn góp một thứ gì đó tiếp đón bộ đội. Đến ngày 5/5 /1975, đơn vị của ông mới vào Sài Gòn, tiếp quản Sân bay Tân Sơn Nhất.

Hơn 40 năm trôi qua, những thế hệ trong trận chiến ngày nào người còn, người mất. Dù đã mắt mờ, chân chậm nhưng với họ, kỷ niệm về ngày 30-4 năm ấy thì không thể nào quên. Bởi vì trong Đại thắng mùa Xuân 1975 có công sức, xương máu của biết bao người thân, đồng đội và của chính họ. Để hôm nay, những CCB ấy không chỉ là nhân chứng mà còn là tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ trẻ mãi học tập và noi theo về sự hy sinh, đấu tranh cho sự trường tồn của Tổ quốc.

 

Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ