A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lời thề danh dự của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân

 

Đồng chí Võ Nguyên Giáp-trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã soạn ra Mười lời thề danh dự và Mười lời thề ấy được đọc trân trọng trong Lễ thành lập ngày 22/12/1944.

 

 

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam

được thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng).  

 

Về thời khắc lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ghi lại: Giữa mùa đông khí trời non cao lạnh buốt. Trên một khoảng đất rộng giữa khu rừng đại ngàn với những hàng cây thẳng tắp, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân lần đầu tiên tập hợp đội ngũ chỉnh tề dưới lá cờ đỏ thắm. Đại diện Liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Nùng, Mán của hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội. Tôi được uỷ nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của Đội với Tổ quốc.

 

Kế đó, lễ tuyên thệ diễn ra. Mười lời thề danh dự đã được chính đồng chí Võ Nguyên Giáp long trọng đọc vang lên cùng những cánh tay vung lên đầy sắt đá hô vang: Xin thề…Xin thề.

Mười lời thề đó như sau: “Chúng tôi, đội viên Đội tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân xin lấy danh dự một chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh:

 

 1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống phát xít Pháp-Nhật và bọn Việt gian phản quốc, để giải phóng cho toàn dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở thành một nước Dân chủ, Độc lập, Tự do ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.

2.Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận một nhiệm vụ gì sẽ tận tâm tận lực, thi hành cho nhanh chóng và chính xác.

3. Bao giờ cũng kiên quyết phấn đấu, dù gian lao khổ hạnh cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn trí, khi ra trận mạc quyết trí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.

4. Lúc nào cũng khẩn trương hoạt bát, hết sức học tập, chiến đấu để tự rèn luyện thành một người quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc cứu nước.

5. Tuyệt đối giữ bí mật cho mọi việc của đội như nội dung, tổ chức, kế hoạch hành động cùng những người chỉ huy trong đội và giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.

6. Nếu trong lúc chiến đấu bị quân địch bắt được, dù bị cực hình tàn khốc thế nào cũng quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cứu quốc, không bao giờ phản bội, xưng khai.

7. Hết sức ái hộ các bạn chiến đấu trong đội cũng như ái hộ bạn thân, hết lòng giúp nhau trong lúc thường cũng như lúc ra trận.

8. Bao giờ cũng chủ trương giữ gìn vũ khí của đội, quyết không để cho vũ khí hư hỏng hoặc rơi vào tay quân thù.

9. Khi tiếp xúc với dân chúng, sẽ làm đúng ba điều nên: Kính trọng dân, cứu giúp dân, bảo vệ dân và ba điều răn: Không doạ nạt dân, không lấy của dân, không quấy nhiễu dân. Để gây lòng tin cậy của dân chúng, thực hiện “quân dân nhất trí”, cứu nước diệt gian.

10. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình và sửa chữa, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh của đội quân Giải phóng và hại đến quốc thể Việt Nam.

 

Ngày 24/5/1947, tại Hội nghị dân quân, tự vệ, du kích toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Định Quán, Định Hoá, Thái Nguyên, Tổng Quân uỷ quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam đã công bố sắc lệnh của Chính phủ ban hành Mười lời thề danh dự và Mười hai điều kỷ luật dân vận của đội viên dân quân, tự vệ và du kích.

 

Hơn 70 năm qua, tuy có thay đổi một số điểm về ngôn từ cho phù hợp, nhưng cốt lõi của Mười lời thề hầu như không hề thay đổi. Điều này chứng tỏ tầm nhìn bao quát từ quá khứ đến tương lai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hơn 70 năm qua, Mười lời thề vẫn còn nguyên giá trị của nó, vẫn ngày đêm nhắc nhở mỗi người lính trong mỗi hành động đời thường cũng như khi đối mặt với quân thù, luôn nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà Đảng, nhân dân giao phó. Mười lời thề đã trở thành máu thịt đối với người chiến sĩ trên mỗi chặng đường chiến đấu và chiến thắng.

 

Mười lời thề bao hàm nhiều mặt trong phẩm chất của người chiến sĩ, nhưng  hồn cốt của nó là lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc của một đội quân cách mạng mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam giáo dục, rèn luyện. Lòng trung thành, tận tụy của quân đội ta đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi quân nhân, nuôi dưỡng phẩm chất cách mạng, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chiến đấu hy sinh quên mình dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, bảo vệ trọn vẹn gấm vóc non sông Việt Nam, trở thành lẽ sống cao cả, trở thành phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

 

Lòng trung thành của các Đội viên Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân-của Quân đội nhân dân Việt Nam được xác định, xây đắp trong mỗi quân nhân. Khi bước vào đội ngũ, người chiến sĩ tự hào đọc lên “Mười lời thề danh dự của quân nhân” mà thế hệ cha anh trao lại. Và Mười lời tuyên thệ được đọc thường xuyên trong lễ chào cờ của đơn vị, nhắc nhở mọi quân nhân phấn đấu làm tốt bổn phận của mình, xứng đáng là người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Nghi thức này và Mười lời thề trở thành truyền thống lịch sử của quân đội ta.

 

Nguyễn Thành Hữu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ