A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải phóng thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh

 

Sau khi Bộ chỉ huy Chiến dịch Xuân Lộc quyết định thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp chuyển sang bao vây chia cắt, ngày 15/4/1975, đợt tiến công thứ hai của Chiến dịch Xuân Lộc bắt đầu.

 

 

Quân giải phóng áp giải tù binh tại Tiểu khu Long Khánh ngày 21-4-1975.

 

Pháo binh quân Giải phóng bắn chế áp sân bay Biên Hòa. Sư đoàn 6 (Quân khu 7) tiến công Chiến đoàn 52 địch tại khu vực ngã ba Dầu Giây, cắt đứt Quốc lộ 1 (đoạn Xuân Lộc-Bàu Cá) và Đường 20 (đoạn Túc Trưng-ngã ba Dầu Giây). Quân địch ở Biên Hòa-Trảng Bom tổ chức phản kích trên quy mô lớn. Chiến sự diễn ra hết sức quyết liệt tại Dầu Giây. Trên các hướng khác của chiến dịch, Quân đoàn 4 tiếp tục tiến công Chiến đoàn 43, Chiến đoàn 48 và Lữ đoàn Dù 1 của địch. Lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt, bức hàng hệ thống đồn bốt địch dọc các trục giao thông bao quanh thị xã. Cánh quân Duyên Hải tiến vào khu vực Rừng Lá, áp sát Xuân Lộc. Trước tình hình trên, Bộ Tổng Tham mưu quân đội ngụy quyền Sài Gòn hạ lệnh rút khỏi Xuân Lộc. 22 giờ ngày 20-4, lợi dụng lúc trời mưa lớn, theo Tỉnh lộ 2, toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy về hướng Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

- Ngày 21/4/1975, Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng. “Cánh cửa thép” Xuân Lộc bị vỡ làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn và làm suy sụp nhanh tinh thần chiến đấu của quân Ngụy còn lại trên toàn miền Nam. Tại Washington, Tham mưu trưởng quân lực Mỹ Weyand lắc đầu: “Thế là hết! Tình hình quân sự tại Nam Việt Nam đã tuyệt vọng”. Đêm 21-4, Tổng thống Ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức sau khi chỉ trích thái độ chủ bại và bỏ rơi đồng minh của Hoa Kỳ. Ta đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công Sài Gòn từ hướng Đông, góp phần tạo nên thế trận chung thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

 

- Ngày 21/4/1975, Sư đoàn 10 binh đoàn Tây Nguyên về tới địa điểm tập kết tại Củ Chi. Cho đến lúc này, tham gia Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định có các binh đoàn: Quyết Thắng, Hương Giang, Tây Nguyên, Cửu Long, Đoàn 232 và hầu hết các binh chủng kỹ thuật thuộc lực lượng dự bị chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị của Quân khu 7, thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tổng cộng lực lượng chiến đấu là khoảng 270.000 người và khoảng 180.000 người lực lượng hậu cần chiến lược chiến dịch.

 

Chí Dũng (tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ