A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tướng Nguyễn Quyết và ký ức về Cách mạng tháng Tám

 

Nhớ về Mùa Thu Cách mạng cách đây 71 năm, cả Hà Nội đứng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nòng cốt là lực lượng tự vệ, thanh niên thành Hoàng Diệu, Phụ nữ cứu quốc, dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội, tôi vô cùng may mắn được lắng nghe Đại tướng kể về những ngày đầu, tiền thân của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội, những ngày đầy cam go, ác liệt nhất nhưng cũng là những ngày vĩ đại của lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

 

 

 

Lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ Phủ ngày 19-8-1945.

 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của đường lối chính trị kết hợp với đường lối quân sự. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, tuy Đảng ta dùng lực lượng của quần chúng để đấu tranh chính trị là chủ yếu, nhưng lực lượng vũ trang vẫn giữ vai trò rất quan trọng. Đó là một kinh nghiệm, đồng thời cũng là một sáng tạo của Đảng.

 

Vượt qua sự khủng bố ác liệt của địch, từ cuối năm 1943, sau khi xây dựng được cơ sở và căn cứ từ ngoại thành, phong trào cách mạng ở Hà Nội đã phục hồi và ngày càng phát triển. Ngay từ khi xây dựng được những cơ sở ban đầu trong nông dân và thợ thủ công, ta đã chủ trương xây dựng tự vệ làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, bảo vệ các hoạt động cách mạng. Đây là những cơ sở đầu tiên của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội.

 

Từ cuối năm 1944, đầu năm 1945, ta lập các đội thanh niên, công nhân xung phong làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, phát huy thanh thế của Việt Minh, phát triển các đoàn thể cứu quốc làm chỗ dựa cho phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân lao động, đặc biệt là cho công nhân trong thành phố.

 

Tháng 4/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Trung ương, Thành ủy chủ trương phát triển mạnh mẽ hơn nữa các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu, các đội Tuyên truyền xung phong, đội Danh dự, đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền nhằm động viên, tập dượt cho quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa.

 

Các đội Tuyên truyền xung phong hoạt động táo bạo, dồn dập lúc đầu ở ngoại thành, rồi vào ngay trong trung tâm thành phố với các hình thức đấu tranh ngày càng cao và quyết liệt, liên tiếp mở các cuộc thi mít tinh, biểu tình, tuyên truyền có vũ trang nơi đông người như: trường học, rạp hát, rạp chiếu bóng, triển lãm của Nhật ở Nhà hát lớn…, diệt ác ôn giữa ban ngày trên đường phố, tiến lên phá kho thóc, phá các cuộc mít tinh của địch. Đỉnh cao là cuộc mít tinh chiều ngày 17/8 do Tổng hội Viên chức bù nhìn tổ chức tại quảng trường Nhà hát lớn, biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc mít tinh và tuần hành thị uy của ta, hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập” ngay trước cơ quan chỉ huy cao nhất của phát xít Nhật ở Hà Nội.

 

Nói chung, từ tháng 4 đến tháng 8/1945, lực lượng vũ trang phát triển rất mạnh, đã góp phần quan trọng chuyển phong trào cách mạng từ nhỏ lẻ lên nhảy vọt, làm cho kẻ địch hoang mang run sợ, tạo ra tình thế cách mạng chín muồi cho Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.

 

Đến trước ngày 19/8/1945, lực lượng vũ trang Hà Nội đã có 3 chi đội tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong gồm khoảng 700 người, trong đó tiêu biểu là đội Thanh niên tuyên truyền xung phong, đội Công nhân tuyên truyền xung phong, đội Tự vệ xung phong ngoại thành và đội Danh dự đã qua huấn luyện cấp tốc do Thành ủy trực tiếp lãnh đạo và hàng ngàn hội viên các đoàn thể mới chuyển vào lực lượng Tự vệ làm nhiệm vụ bảo vệ, chiến đấu tại chỗ. Các cán bộ chỉ huy đều là những đảng viên, hội viên ưu tú của Đảng và các đoàn thể cử ra. Về vũ khí thì quá ít ỏi, chỉ khoảng từ 70-80 súng trường, súng lục, còn nói chung là vũ khí thô sơ.

 

Sáng ngày 19/8, khoảng 20 vạn nhân dân cả nội, ngoại thành do lực lượng vũ trang là nòng cốt rầm rập kéo về mít tinh trước quảng trường Nhà hát lớn, sau đó chuyển thành tuần hành vũ trang do các đội Tự vệ chiến đấu, Tuyên truyền xung phong dẫn đầu và chia thành hai khối đi chiếm các vị trí quan trọng của địch trong thành phố. Đội Tự vệ xung phong ngoại thành trước khi vào tham gia khởi nghĩa ở thành phố đã đánh chiếm đại lý Hoàn Long. Đội Công nhân tuyên truyền xung phong là lực lượng xung kích cùng với một số tự vệ chiến đấu đánh chiếm phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát. Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong dẫn đầu lực lượng đánh chiếm trại Bảo An binh.

 

Từ cuộc mít tinh lớn đến tuần hành thị uy đánh chiếm các cơ quan ngụy quyền, nói chung đã diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, đúng kế hoạch. Riêng ở trại Bảo An binh, sau khi đã chiếm được, quân Nhật đem xe tăng đến bao vây uy hiếp, đòi tước vũ khí của ta. Đây là một thử thách lớn đối với cán bộ, chỉ huy cũng như lực lượng vũ trang còn non trẻ. Nhưng với khí thế áp đảo của quần chúng, kết hợp với vai trò xung kích của lực lượng vũ trang của ta và số lính Bảo An đã được ta thuyết phục từ trước, cộng với thái độ đấu tranh kiên quyết, vừa hợp tình hợp lý nên cuối cùng ta đã giành thắng lợi.

 

Sự kiện đánh chiếm Trại Bảo An binh ngày 19-8-1945 ở Hà Nội đã thể hiện phương thức đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang với công tác ngoại giao ở một vị trí quân sự quan trọng của Ngụy quyền làm cho cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi trọn vẹn, không đổ máu. Sau khởi nghĩa giành chính quyền, các đơn vị Thanh niên, Công nhân xung phong đều phát triển thêm và trở thành Giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên của Hà Nội làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng và phối hợp với quân Giải phóng ở Việt Bắc về, làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cuộc mít tinh ngày 2-9 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

 

Ôn lại lịch sử Cách mạng Tháng Tám, chúng tôi càng nhớ sâu sắc hơn lời dạy của Bác Hồ: “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” và nhận định của cố Tổng Bí thư Trường Chinh sau khi Hà Nội khởi nghĩa thành công “Hà Nội xứng đáng là ngọn cờ đầu của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945”. Thắng lợi của mặt trận Hà Nội đã tạo điều kiện để Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đại bản doanh về Hà Nội, từ đó chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc đi đến thắng lợi hoàn toàn.

 

Thắng lợi ở mặt trận Hà Nội không những là một đòn quyết định làm tan rã chính quyền tay sai của Nhật, đẩy chúng đến chỗ hoàn toạn tuyệt vọng, phải đầu hàng cách mạng, mà còn gợi mở cho ta phương thức kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự với ngoại giao, dùng tinh thần trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng kẻ thù. Đúng là Bác Hồ đã dạy: Cách mạng là cải tạo con người, Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội là cuộc cách mạng tính nhân văn sâu sắc, đầy tính sáng tạo, chủ động, tự tin và rất độc đáo, không theo một mẫu nào có sẵn.

 

Ký ức về Cách mạng Tháng Tám 71 năm qua vẫn còn nguyên vẹn giá trị thời đại và nóng hổi, bài học đó vẫn nguyên có giá trị xuyên suốt trong quá trình phục vụ cách mạng và đổi mới của đất nước trong tình hình mới hiện nay. Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, ra sức rèn luyện và xây dựng quân đội nói chung và lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội nói riêng từng bước hiện đại, bảo vệ an ninh, an toàn xã hội, xây dựng Thủ đô vì hòa bình, trái tim của cả nước.

 

Phạm Xuân Bình 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội