A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự cân bằng giữa quyền-nghĩa vụ và giới hạn áp dụng quyền con người

 

QPTĐ-Trong lĩnh vực quyền con người, mối quan hệ giữa quyền-nghĩa vụ (trách nhiệm) của cá nhân và vấn đề giới hạn áp dụng quyền con người là những vấn đề rất nhạy cảm. Một số tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền nhưng thiếu thiện chí với Việt Nam đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu các mối quan hệ trên nên thường có cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan đối với vấn đề nhân quyền ở nước ta. Vì vậy, tìm hiểu về quyền-nghĩa vụ và giới hạn áp dụng quyền con người có ý nghĩa thiết thực trong đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con  người ở Việt Nam.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu về quyền con người.

Sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ 

Xét về mặt hình thức, hầu hết quy định trong các văn kiện quốc tế về quyền con người đề cập quyền, chỉ có rất ít điều khoản đề cập trách nhiệm hoặc nghĩa vụ của cá nhân. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, luật nhân quyền quốc tế chỉ cổ vũ các quyền mà coi nhẹ vấn đề trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân. Tuy nhiên, nhận định trên là không chính xác. Để hiểu rõ mối quan hệ giữa quyền và trách nhiệm/nghĩa vụ của cá nhân trong vấn đề quyền con người nói chung, trong luật nhân quyền quốc tế nói riêng, trước hết cần rà soát các quy định về trách nhiệm/nghĩa vụ của cá nhân trong các văn kiện chủ chốt của luật nhân quyền quốc tế. Liên quan đến vấn đề này, đầu tiên phải kể đến Điều 29 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948. Khoản 1 Điều này quy định: “Tất cả mọi người đều có những nghĩa vụ với cộng đồng mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển một cách tự do và đầy đủ”. Theo Khoản 2 Điều này thì mỗi người, trong khi hưởng thụ các quyền và tự do cá nhân đều phải chịu những hạn chế do luật định nhằm bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng các quyền và tự do của người khác... 

Ngoài quy định về trách nhiệm của cá nhân cũng được nêu trong “Lời nói đầu” của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), theo đó, trong việc thực hiện, hưởng thụ các quyền con người, các cá nhân có những trách nhiệm với cộng đồng của họ và với các cá nhân khác. Thêm vào đó, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền của cá nhân khác và của cộng đồng cũng bao hàm trong những quy định về giới hạn của một số quyền cụ thể của hai công ước này. 

Như vậy, xét về mặt hình thức, mặc dù các văn kiện quốc tế về quyền con người chủ yếu đề cập các quyền, song cần hiểu rằng luật nhân quyền quốc tế không tuyệt đối hóa các quyền mà lãng quên vấn đề trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân. Với những quy định đã trích dẫn ở trên, rõ ràng luật nhân quyền quốc tế hàm ý rằng trong lĩnh vực này, quyền và trách nhiệm/nghĩa vụ của cá nhân luôn đi đôi với nhau, không có yếu tố nào quan trọng hơn yếu tố nào. Nhận thức đúng đắn và rõ ràng về sự cân bằng giữa các quyền và trách nhiệm/nghĩa vụ của cá nhân, và rộng ra là các quyền và trách nhiệm/nghĩa vụ của các chủ thể quyền khác, có tầm quan trọng đặc biệt cả về lý luận và thực tiễn. Nó giúp các cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động trên lĩnh vực quyền con người (những người bảo vệ nhân quyền) có cách tiếp cận phù hợp, tránh xu hướng tuyệt đối hóa các quyền mà coi nhẹ vấn đề trách nhiệm/nghĩa vụ của các chủ thể quyền-điều mà trên thực tế có thể thúc đẩy tâm lý và những hành động phiến diện, thậm chí cực đoan trong các vấn đề liên quan đến quyền con người.

Giới hạn áp dụng quyền con người

Giới hạn áp dụng của một số quyền là quy định được ghi nhận trong một số điều ước quốc tế về quyền con người mà cho phép các quốc gia thành viên áp đặt một số điều kiện với việc thực hiện (hưởng thụ) một số quyền con người nhất định. Quy định về giới hạn của quyền trong các điều ước quốc tế về quyền con người là khác nhau. Một số điều ước, ví dụ như ICESCR dành hẳn một điều riêng (Điều 4) đề cập đến vấn đề này, gọi là điều khoản giới hạn chung áp dụng cho tất cả các quyền trong Công ước. Trong khi ở một số điều ước khác, việc giới hạn được đề cập trong một số điều quy định về các quyền cụ thể. 

Theo Điều 4 ICESCR, các quốc gia thành viên có thể đặt ra những giới hạn với các quyền ghi nhận trong Công ước, với các điều kiện sau: Thứ nhất, những giới hạn đó phải được quy định trong pháp luật quốc gia. Yêu cầu này nhằm để tránh sự tùy tiện trong việc áp đặt các giới hạn về quyền. Ở đây cũng cần hiểu rằng, kể cả khi những điều kiện hạn chế được quy định trong pháp luật quốc gia thì chúng cũng không được trái với nội dung của ICESCR. Thứ hai, những giới hạn đặt ra phải không trái với bản chất của các quyền có liên quan. Yêu cầu này nhằm bảo đảm những giới hạn đặt ra không làm tổn hại đến khả năng của các cá nhân có liên quan trong việc hưởng thụ các quyền đó. Do bản chất của một số quyền con người, đặc biệt là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa là khá trừu tượng nên việc đánh giá là một giới hạn đặt ra có trái hay không với bản chất của một quyền thường phải dựa vào việc xem xét vấn đề trong bối cảnh cụ thể. Thứ ba, nếu việc đặt ra các hạn chế về quyền là cần thiết trong một xã hội dân chủ và nhằm mục đích duy nhất là để thúc đẩy phúc lợi chung của cộng đồng. Liên quan đến điều kiện này, trong một số điều ước khác, danh mục các mục đích được bổ sung thêm một số yếu tố như để bảo vệ an ninh quốc gia, để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, để bảo vệ sức khỏe hay đạo đức của cộng đồng, và để bảo vệ các quyền, tự do hợp pháp của người khác.

Một số quyền trong ICCPR và ICESCR mà cho phép các quốc gia thành viên hai công ước này có thể đặt ra những giới hạn áp dụng, bao gồm: Quyền thành lập, gia nhập công đoàn và quyền đình công (Điều 8 ICESCR); Quyền tự do đi lại, cư trú, xuất nhập cảnh (Điều 12 ICCPR); Quyền được xét xử công khai (Điều 14 ICCPR); Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (Điều 18 ICCPR); Quyền tự do ngôn luận (Điều 19 ICCPR); Quyền hội họp hòa bình (Điều 21 ICCPR); Quyền tự do lập hội (Điều 22 ICCPR).

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ