A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rất cần những cán bộ, đảng viên tiên phong đột phá

 

QPTĐ-Trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, tiêu chí đối với cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) là phải luôn phát huy vai trò độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy lợi ích của Đảng, của nhân dân làm cơ sở cho hoạt động của mình. Đây là một yêu cầu rất quan trọng thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của CB, ĐV  đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc, là điểm mới được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tại sao phải khuyến khích cán bộ 

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các phiên thảo luận về vấn đề cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách” được nhiều đại biểu quan tâm và rất tâm đắc. Bởi vì, trước bối cảnh đất nước đang đổi mới toàn diện và phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay, đòi hỏi đội ngũ CB, ĐV không ngừng đổi mới, sáng tạo để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc phát sinh trong thực tiễn, loại bỏ cái cũ, lạc hậu không phù hợp, khơi thông điểm nghẽn để bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thực tế cho thấy, CB, ĐV nhất là người đứng đầu mà có tư tưởng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thường có tư duy vượt trước so với nhận thức của số đông. Nên khi đề xuất ý tưởng, quyết đoán thực hiện những việc mới có tính chất tiên phong đột phá bao giờ cũng gặp phải cản trở khó khăn, do không được nhiều người ủng hộ. Cho nên, những ý tưởng, việc làm mới của họ dễ bị “tổn thương”, nếu không kiên trì thực hiện để đi đến thành công, thì CB, ĐV có tư duy đột phá ấy sẽ phải hứng chịu “búa rìu”chỉ trích của tập thể, ý tưởng đột phá nhanh chóng bị quên lãng, chết yểu. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến CB, ĐV có tài năng, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm bị nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo và dẫn tới hệ lụy là đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, làm cho một số ngành, lĩnh vực trì trệ, nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài không được giải quyết.

Chỉ khi nào những chủ trương, chính sách duy ý chí của tập thể bị thất bại trong thực tiễn thì người ta mới nhận ra và thừa nhận giá trị to lớn của CB, ĐV có tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là đúng đắn, phù hợp. Nhìn lại hành trình 35 năm đổi mới đất nước, chúng ta không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà cán bộ có tư duy vượt trước đã đem lại cho quê hương đất nước, như: Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú cũ với sự ra đời khoán 10, hay sự nghiệp đổi mới của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh…Do đó, yêu cầu đặt ra là cần có sự nhìn nhận và đánh giá đúng mức, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ để không làm thui chột sáng kiến, không làm nhụt ý chí CB, ĐV có tâm huyết, trách nhiệm, dũng cảm đương đầu với thách thức đổi mới, dám mạnh dạn đột phávì một mục đích duy nhất là đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân.

Bảo vệ cán bộ là phù hợp xu thế phát triển

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Bác Hồ luôn quan tâm khuyến khích tư duy đổi mới, sáng tạo trong nhân dân, đồng thời, động viên, khích lệ CB, ĐV dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để tạo nên sức mạnh lớn, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trách nhiệm của người đứng đầu phải được đề cao, đôi khi mang tính quyết định đến hiệu quả công việc. Phong cách làm việc của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng đắn là phải kết hợp thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán, chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, kịp thời đưa ra quyết định đúng. Trong những thời điểm quyết định, người lãnh đạo, quản lý, phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết định đều có liên quan trực tiếp đến việc tận dụng được thời cơ”. Để minh chứng cho bài học tận dụng thời cơ, Bác còn lấy việc chơi cờ để minh họa: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”. Chúng ta biết, mỗi sự vật, hiện tượng đều tồn tại phát triển theo quy luật vốn có riêng của nó, nếu biết tận dụng cơ hội, kịp thời nắm bắt thời cơ thì ắt sẽ thành công. Còn trong công tác lãnh đạo, khi CB, ĐV biết tận dụng thời cơ là thông qua dự báo, nắm bắt chính xác quy luật của sự vận động phát triển, có nhãn quan chính trị để phân tích, lý giải những vấn đề lý luận chưa đề cập, nhưng thực tiễn đặt ra cần phải giải quyết, ví như: Giải quyết những vấn đề nhạy cảm, sai sót tồn đọng kéo dài hoặc đột phá vào những nội dung đã có quy định nhưng còn chồng chéo, thiếu thống nhất hay chưa đề cập cụ thể, khi triển khai thực hiện chứa đựng nhiều rủi ro cao. Tuy nhiên, dám “đột phá” củaCB, ĐV nêu trên, không phải là trao quyền tối thượng “thích làm gì thì làm”, mà đều phải xuất phát trên cơ sở lợi ích của Đảng, nhân dân và đất nước, “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, phải dẹp bỏ suy nghĩ tư lợi cá nhân, chuyên quyền độc đoán.

Quan điểm chính thức của Đảng về vấn đề cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là phù hợp với xu thế phát triển, là động lực lớn nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo, giúp CB, ĐV cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải đề cao trách nhiệm trong khuyến khích và bảo vệ CB, ĐV đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá, nhất là bảo vệ được cán bộ khi khách quan có rủi ro, sai sót. Đối với những CB, ĐV dám làm, dám đột phá đi tiên phong, đây sẽ là sự bảo đảm chắc chắn để họ quyết tâm triển khai những ý tưởng táo bạo của mình. Do đó, CB, ĐVphải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết  liệt tiên phong trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ