A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lại vẽ trò “Đạo luật Nhân quyền Việt Nam”

 

QPTĐ-Trong những ngày qua, trên trang tiếng Việt của một số cơ quan truyền thông nước ngoài như BBC, RFA, VOA, RFI..., các trang mạng xã hội, facebook cá nhân của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị... loan truyền cái gọi là “Buổi lễ kỷ niệm Ngày nhân quyền Việt Nam lần thứ 27”. Đáng chú ý, sự kiện trực tuyến này, ngoài sự góp mặt của một số đối tượng phản động, cơ hội chính trị đang sống lưu vong ở nước ngoài còn có một số giới chức Hoa Kỳ thiếu thiện chí với Việt Nam. Họ không chỉ đánh giá, nhận xét thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch của các phần tử phản động, cơ hội chính trị mà còn cho biết sẽ ủng hộ cái gọi là “Đạo luật Nhân quyền về Việt Nam” do dân biểu Chris Smith của tiểu bang New Jersey giới thiệu vào Hạ Viện Mỹ. Vậy là một thiểu số giới chức Hoa Kỳ lại vẽ trò dự luật nhân quyền với Việt Nam.

RFA thường xuyên xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Theo RFA loan tin, trong cái gọi là “buổi lễ kỷ niệm”, ông Pierro Tozzi, đại diện văn phòng Chris Smith cho biết, đạo luật này (Đạo luật Nhân quyền Việt Nam) nhằm bảo đảm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải đặt vấn đề nhân quyền trong các cuộc đàm phán, thương lượng với Việt Nam: “Đạo luật này khuyến khích Chính phủ của chúng tôi khi tiếp xúc với Việt Nam phải tiếp cận “trên toàn diện”. Chỉ nói về thương mại hay quân sự hay hỗ trợ nhân đạo không thôi là chưa đủ. Vấn đề nhân quyền cần phải được đan xen vào tất cả các cuộc thảo luận của chúng ta và không thể bỏ nó qua một bên”.

Thực ra, cái gọi là “Đạo luật Nhân quyền Việt Nam” của ông dân biểu Chris Smith là không mới nếu không muốn nói là quá cũ rích. Hình như ông Dân biểu này “ít việc” nên “cố đấm ăn xôi” với cái gọi là “Đạo luật Nhân quyền Việt Nam”. Với cái nhìn sai lệch, thiếu khách quan, thậm chí xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam do chỉ dựa vào những nguồn thông tin không khách quan, đặc biệt là đi ngược lại sự phát triển về nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nên “số phận” của cái gọi là “Đạo luật Nhân quyền Việt Nam” thật là “long đong”. Mặc dù dân biểu Chris Smith “kiên trì” nhiều năm “dâng sớ” vào Hạ viện Hoa Kỳ và thực tế có những năm, dưới sự dẫn dắt của ông mà Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua (2004, 2008, 2012) nhưng trên thực tế, nó chưa bao giờ được Thượng viện Hoa Kỳ ngó ngàng tới.

Mặc dù chưa bao giờ có hiệu lực, nhưng chúng ta phải lên án mạnh mẽ cái gọi là “Đạo luật Nhân quyền Việt Nam” này. Bởi vì trước hết, nó là sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam. Dự luật này đã đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc tự quyết trong quan hệ quốc tế đương đại. Điều này đã được Hiến chương Liên hợp quốc ghi nhận. Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966) cũng quy định rõ: “Các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị…” của mình. Việc xây dựng và thực thi Hiến pháp, pháp luật như thế nào là quyền của mỗi quốc gia, dân tộc, mà không có bất cứ quốc gia nào, một lực lượng chính trị nào có quyền áp đặt. Vì vậy, chỉ dựa vào nguồn thông tin sai lệch của một số phần tử phản động, cơ hội chính trị mà quy kết Việt Nam vi phạm nhân quyền; không có tự do tôn giáo; không có tự do báo chí, tự do internet; đàn áp người bất đồng chính kiến... chỉ có thể là nhận xét hồ đồ, thiếu khách quan, xuất phát từ những định kiến lỗi thời của một số cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam như ngài dân biểu Chris Smith. Trên thực tế, những năm qua, Việt Nam đã có những thành tựu vượt bậc trong việc bảo đảm dân chủ, nhân quyền, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam là một trong những nước đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDG), được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong các lĩnh vực giảm nghèo, y tế, dân số, giáo dục và đang tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao. Giai đoạn 2016- 2019 đạt 6,8%/năm. Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam cũng chú trọng những vấn đề xã hội. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thu nhập bình quân đầu người tăng 3,1 lần, từ 16,6 triệu đồng năm 2010 lên 51,5 triệu đồng năm 2019. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, việc Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết tâm bằng mọi biện pháp bảo vệ tính mạng con người trước đại dịch Covid-19, chính là một sự khẳng định rõ ràng về  thành tựu, chủ trương nhất quán, toàn diện và đúng đắn này. 

Mặt khác, cái gọi là “Đạo luật Nhân quyền Việt Nam” đi ngược lại sự phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ đánh dấu mốc 25 năm bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao. 25 năm, một chặng đường chưa dài nhưng đã có những bước phát triển vượt bậc. Quan hệ chính trị-ngoại giao từng bước mở rộng. Trao đổi đoàn cấp cao song phương diễn ra thường xuyên và liên tục. Từ năm 2000, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thực hiện 10 chuyến thăm lẫn nhau, trong đó, phía Việt Nam có ba chuyến thăm Hoa Kỳ nổi bật: Chuyến thăm năm 2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; chuyến thăm năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Về phía Hoa Kỳ, các Tổng thống đương nhiệm đều đã ghé thăm Việt Nam, riêng Tổng thống Donald Trump đã thăm Việt Nam hai lần vào năm 2017 và 2019. Mỗi chuyến thăm của cả lãnh đạo 2 bên đều để lại những dấu mốc mới, mở ra những giai đoạn mới cho quan hệ 2 nước. Quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư cũng có bước phát triển. Từ mức 450 triệu USD trong 1995, kim ngạch song phương đã tăng 170 lần lên 76 tỷ USD vào năm 2019. Kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính bổ trợ và tương hỗ lẫn nhau. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với nhiều mặt hàng có thế mạnh như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản… Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng tiếp tục đối thoại về quan điểm khác nhau trong vấn đề dân chủ,  nhân quyền, tôn giáo... 

Có lẽ, đã đến lúc, ông dân biểu Chris Smith và một số giới chức Hoa Kỳ cần dẹp bỏ định kiến, cái nhìn thiếu thiện chí, lỗi thời về Việt Nam; dẹp bỏ cái gọi là “Đạo luật Nhân quyền Việt Nam” vì nó là vật cản trở, phá hoại sự phát triển quan hệ giữa hai nước; đi ngược lại những nỗ lực của Hoa Kỳ trong xây dựng lòng tin với Việt Nam nói riêng, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Phương Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ