Hoàn thiện chính sách xã hội, phát triển bền vững đất nước
QPTĐ-Chính sách xã hội và quyền con người có mối quan hệ chặt chẽ. Thực hiện chính sách xã hội chính là quá trình cụ thể hóa quyền con người đã được ghi nhận và bảo vệ trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước cũng như các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Thông qua chính sách xã hội mà quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được bảo đảm ngày càng đầy đủ, hoàn thiện hơn, góp phần tạo động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Việt Nam không ngừng nỗ lực thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo cuộc sống cho người dân.
Phát triển con người toàn diện
Ngay khi giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đặt quyết tâm phát triển các chính sách xã hội, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và tiếp cận dần với chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị-xã hội, phát triển bền vững. Tiếp tục phát triển quan điểm, chủ trương đó của Đảng, Nghị Quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020” đã xác định: “Chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển”. Mục tiêu cơ bản của chính sách xã hội là bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân.
Vì vậy, Nghị quyết 15 đặt ra yêu cầu: Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ...; coi bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thực tế, trong suốt 35 năm đổi mới, cùng với những thành tựu kinh tế, phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn, đầu tư nguồn lực và đổi mới cơ chế, phát triển các chính sách xã hội, chăm lo cải thiện không ngừng cuộc sống của người dân. Mặc dù nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhưng Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, hải đảo, theo đó nhiều chính sách về an sinh xã hội được ban hành. Các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam ở tầm quốc gia đã thu được những kết quả rất tốt đẹp, đã được dư luận quốc tế thừa nhận và đánh giá cao, nhất là xóa đói, giảm nghèo cho nông dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về việc giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các cộng đồng dân cư, Việt Nam là một trong những quốc gia đã hoàn thành sớm các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Theo Báo cáo “Phát triển con người năm 2019” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 9-12-2019, với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng 4,8 năm, số năm đi học trung bình tăng 4,3 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng trên 354%. Điều này giúp Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội
Dù còn có những hạn chế và bất cập so với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững nhưng kết quả, thành tích mà Việt Nam đạt được về phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe cộng đồng, thực hiện bảo hiểm y tế cho người dân, khám, chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc các bà mẹ và trẻ em, cũng như những nỗ lực giải quyết việc làm, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho dân cư, cứu trợ xã hội và thực hiện phúc lợi xã hội, quan tâm tới các đối tượng yếu thế... là những minh chứng về những tiến bộ đáng kể thực hiện an sinh xã hội.
Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn mang tính bước ngoặt, nhưng Đảng, Nhà nước ta cũng thẳng thắn đánh giá những hạn chế còn tồn tại như kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Một số chính sách xã hội chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng, thực hiện thiếu đồng bộ, chưa đồng đều giữa các địa phương, chênh lệch về mức sống, hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa các vùng, miền, nhóm đối tượng còn lớn. Mức trợ cấp xã hội còn thấp, chất lượng an sinh xã hội có mặt còn hạn chế, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn. Hệ thống quản lý còn bất cập, trình độ quản lý chưa cao, vẫn còn hiện tượng lạm dụng, trục lợi chính sách. Kết luận số 92-KL/TW cũng đề ra, 6 nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Để Kết luận số 92-KL/TW đi vào cuộc sống, mới đây, Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân và phát triển thị trường lao động hiện đại và hội nhập. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện chính sách giáo dục quốc dân theo hướng mở, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và học tập theo khung trình độ quốc gia Việt Nam; xây dựng và nâng cao chất lượng xã hội học tập; xây dựng và triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; xây dựng và củng cố nhà trẻ, nhà mẫu giáo trong các khu công nghiệp và vùng nông thôn; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.
Phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; chú trọng đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực gắn với chuyển đổi nghề nghiệp và quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh chuyển dịch lao động và thúc đẩy việc làm bền vững, chú trọng việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động nữ và các nhóm lao động đặc thù khác; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận của người dân, nhất là đối tượng yếu thế, người di cư và dân tộc thiểu số. Trong đó, tiếp tục phát triển mạng lưới trợ giúp xã hội, dịch vụ chăm sóc xã hội; nhân rộng các mô hình tốt cách làm hay về chăm sóc xã hội và trợ giúp xã hội; phát triển đội ngũ cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp; phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng trong hoạt động trợ giúp xã hội.
Tiếp tục phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia; hoàn thiện cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật, già hóa dân số và nhu cầu của người dân.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện có hiệu quả các chương trình nhà ở cho người nghèo, người dân vùng chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; chương trình nhà ở xã hội cho người di cư, người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.
Tập trung đầu tư các công trình nước sạch trọng điểm bảo đảm an sinh xã hội; sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo động lực thu hút nguồn xã hội hóa đầu tư, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn đối với các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về nguồn nước, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; nâng cao chất lượng thông tin truyền thông cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo.
Những thành tựu to lớn trong chăm lo cải thiện không ngừng cuộc sống của người dân, các chính sách xã hội tiếp tục được hoàn thiện dựa trên căn cứ khoa học và tình hình thực tế kinh tế-xã hội của đất nước là cơ sở khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị-xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Đồng thời, cũng là minh chứng bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc cho rằng Đảng và Nhà nước ta không quan tâm đến các chính sách xã hội, không quan tâm đến quyền con người.
Phương Minh