A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công ước Hà Nội: Dấu mốc quan trọng trong đối ngoại đa phương

QPTĐ-Ngày 24/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước có tên gọi là “Công ước Hà Nội”. Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai lễ ký một công ước của Liên hợp quốc, đánh dấu một mốc mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung.

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua “Công ước Hà Nội” về tội phạm mạng.

Tội phạm mạng: Thách thức toàn cầu

Hiện nay, chưa có sự đồng thuận quốc tế về những gì cấu thành nên tội phạm mạng. Tội phạm mạng được sử dụng như một thuật ngữ chung cho một loạt các hoạt động trực tuyến với hai loại chính: Tội phạm có sự hỗ trợ của mạng và tội phạm phụ thuộc vào mạng.

Còn theo Luật An ninh mạng 2018 của Việt Nam thì: “Tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự”. Như vậy, tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm. Tội phạm mạng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đối với cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Các hình thức tội phạm mạng có thể bao gồm việc truy cập trái phép hệ thống máy tính hoặc dữ liệu, lây lan mã độc hại, gian lận trực tuyến, vi phạm bản quyền trực tuyến, tấn công mạng, giao dịch phi pháp, hoặc các hoạt động khác mục đích tội phạm sử dụng internet và các hệ thống liên quan.

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, tội phạm mạng đang trở thành vấn đề thách thức toàn cầu. Sự gia tăng đáng báo động của tội phạm mạng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động ước tính đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo lên đến 10.500 tỷ vào năm 2025, lớn hơn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cơ quan Thị trường tài chính Bỉ cho biết, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2024, cơ quan này đã tiếp nhận hơn 1.300 báo cáo về các vụ lừa đảo trực tuyến, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát được công bố cuối tháng 8 vừa qua cho thấy, tội phạm mạng khiến các doanh nghiệp Đức chịu thiệt hại khoảng 300 tỷ USD trong 12 tháng qua, tăng 29% so với năm trước đó.

Tại châu Á, Bộ Kỹ thuật số Malaysia cho biết, nước này đã thiệt hại khoảng 700 triệu USD do lừa đảo trực tuyến liên quan gần 96.000 nạn nhân trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 4/2024. Tuy nhiên, con số này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" bởi nhiều nạn nhân không muốn báo cáo với các nhà chức trách.

Singapore cũng cảnh báo, tình hình tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp khi số vụ lừa đảo trong sáu tháng đầu năm 2024 tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, với mức thiệt hại gần 300 triệu USD.

Còn đối với Việt Nam, trong năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng (tương đương 3,6% GDP). Tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong đó có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính. Tỉ lệ người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%. Theo thống kê của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 thủ đoạn lừa đảo.

Cần một cơ chế đa phương

Trong bối cảnh như vậy, cộng đồng quốc tế cần có một khuôn khổ pháp lý đa phương để xử lý tội phạm trong không gian mạng. Bắt đầu từ ngày 27/12/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 74/247 thành lập Ủy ban chuyên trách liên chính phủ nghiên cứu khả năng xây dựng một công ước quốc tế toàn diện về chống sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho mục đích tội phạm. Phiên họp đầu tiên của Ủy ban chuyên trách tổ chức từ 28/2-11/3/2022 tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, Mỹ. Theo kế hoạch ban đầu, tiến trình xây dựng Công ước dự kiến kết thúc trong tháng 02/2024 sau 7 phiên họp của Ủy ban chuyên trách. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã kéo dài tới tháng 8/2024 để các quốc gia có thêm thời gian trao đổi, thỏa thuận về các nội dung chủ chốt như phạm vi áp dụng của Công ước, bảo vệ quyền con người, cơ chế xây dựng Nghị định thư bổ sung.

Dự thảo Công ước đặt ra khuôn khổ pháp lý toàn diện cho các nước thành viên tiến hành hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội trên không gian mạng, bao gồm nhiều loại tội phạm hiện gây nhức nhối như tấn công hệ thống máy tính, lừa đảo trực tuyến, phát tán trái phép hình ảnh nhạy cảm, xâm hại trẻ em, rửa tiền… Cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia có thể thực hiện các hoạt động hợp tác thông qua kênh 24/7, bảo đảm phản ứng nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu phòng chống hiệu quả tội phạm mạng.

Một trong các nội dung đáng chú ý của dự thảo Công ước là cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ hướng tới nhu cầu của các nước đang phát triển. Do tính chất không biên giới của tội phạm mạng, quy định nói trên được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực khoa học công nghệ của các nước đang phát triển để ứng phó hiệu quả hơn với sự đe dọa từ tội phạm mạng, qua đó góp phần tạo ra môi trường mạng toàn cầu lành mạnh, an toàn hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo Công ước cũng đặt ra cơ sở cho sự phối hợp giữa các chính phủ và khu vực tư nhân trong phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng, trong đó chính phủ đóng vai trò chủ đạo, trung tâm.

Dấu mốc quan trọng trong đối ngoại đa phương

Việt Nam là một trong các nước sớm ủng hộ việc thành lập Ủy ban chuyên trách cũng như tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng Công ước từ phiên họp đầu tiên. Xuyên suốt 8 phiên họp của Ủy ban chuyên trách, đoàn đàm phán liên ngành Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc làm trưởng đoàn đã có những đóng góp thực chất, tích cực, được đoàn Chủ tịch, các bạn bè và đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Sau gần 5 năm đàm phán, chiều 24/12 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.

“Công ước Hà Nội” góp phần tạo khuôn khổ pháp lý bao trùm, đáp ứng nhu cầu cấp bách về hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy pháp quyền trong không gian mạng. Việc Liên hợp quốc lựa chọn Thủ đô Hà Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước trong năm 2025 là dấu ấn quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và 47 năm quan hệ đối tác Việt Nam-Liên hợp quốc. Lần đầu tiên một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến một lĩnh vực quan trọng và được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm.

Trả lời phỏng vấn của Báo Nhân dân, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Việt Nam chủ động đề xuất đăng cai Lễ ký Công ước một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao nhận thức và năng lực phòng ngừa của người dân đối với tội phạm mạng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Việc này cũng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là đề cao luật pháp quốc tế, chủ trương chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó tội phạm luôn là mối đe dọa đối với an ninh, kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Với việc các thành viên Liên hợp quốc nhất trí lựa chọn Hà Nội là nơi tổ chức Lễ ký Công ước, từ nay địa danh Hà Nội sẽ gắn liền với một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng để giải quyết một trong những thách thức của thế kỷ XXI. Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thực hiện Công ước, góp phần định hình khuôn khổ quản trị không gian mạng toàn cầu vì một tương lai số an toàn, hợp tác và bao trùm trong thời gian tới. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang thúc đẩy chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để bứt phá trong kỷ nguyên mới.

VĂN LỘC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ