A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số: Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước

QPTĐ- Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước
Việt Nam là một quốc gia thống nhất của 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với khoảng trên 14 triệu người, sinh sống chủ yếu ở các vùng miền núi của đất nước. Tuy có sự khác nhau về quy mô dân số, về trình độ phát triển nhưng mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục…riêng tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam.

Ngay khi giành được độc lập năm 1945, Đảng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề dân tộc. Đường lối xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay trong vấn đề này là bảo đảm sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Trong suốt các giai đoạn lịch sử của cách mạng, kể cả khi đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, Nhà nước vẫn ưu tiên hỗ trợ các dân tộc thiểu số phát triển về mọi mặt, theo phương châm làm cho “miền núi tiến kịp miền xuôi”. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, sự giúp đỡ của Nhà nước với các dân tộc thiểu số càng được tăng cường, nằm trong chủ trương, đường lối chung là gắn phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng xã hội giữa các tầng lớp và nhóm người trong xã hội.

Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới đều xác định, vấn đề dân tộc “có vị trí chiến lược lớn’’, “luôn luôn có vị trí chiến lược’’, “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta"... Việc xác định vị trí chiến lược lâu dài của công tác dân tộc chính là xuất phát từ đặc điểm của cộng đồng dân tộc ở nước ta. Bởi vì, vấn đề dân tộc vừa là vấn đề giai cấp, vừa là vấn đề quốc phòng-an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong điều kiện của một quốc gia đa tộc người, đa dạng về văn hóa như ở Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.

Bảo đảm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số trước hết là bảo đảm quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử. Tương ứng với nội dung các Điều 26, 27 ICCPR, Điều 5 Hiến pháp 2013 nêu rõ:
“1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Cùng với đó, Hiến pháp dành riêng chương II với 36 điều quy định trực tiếp và rõ ràng về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bao gồm quyền của dân tộc thiểu số với các quy định về bảo đảm quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, 5 điều hiến định về công tác dân tộc và chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền múi.

Các quy định về quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong Hiến pháp được thể chế bằng chế định về Hội đồng Dân tộc (Điều 75 Hiến pháp 2013). Theo chế định này, Hội đồng Dân tộc do Quốc hội bầu ra, bên cạnh các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan của Quốc hội, Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu và kiến nghị Quốc hội về các vấn đề dân tộc, giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc ít người. 

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Quan điểm chỉ đạo của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề dân tộc là dành những điều kiện ưu đãi cho các dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của họ, từ đó hỗ trợ họ thực hiện quyền bình đẳng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Từ chủ trương đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều Chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng tập trung các dân tộc ít người, trong đó tiêu biểu như các Chương trình hành động 122 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 (Khoá IX) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác dân tộc; Chương trình 135 về phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa; các chính sách và chương trình ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất sản xuất và đất ở (Quyết định 132); hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và các nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo thuộc dân tộc ít người (Quyết định 134); xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm (Chương trình 135); ưu đãi thuế nông nghiệp và thuế lưu thông hàng hoá, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, trợ giá các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc như muối ăn, thuốc chữa bệnh, phân bón, giấy viết…

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Đề án tổng thể và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của Chương trình là giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; cải thiện đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đảm bảo hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, để thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy đề cập những biện pháp cụ thể đối với một số vùng đặc thù có nhiều đồng bào ít người sinh sống như về việc định hướng dài hạn và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên; về phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh đặc biệt khó khăn ở vùng miền núi phía Bắc; về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nam bộ...

Theo số liệu của Vụ Dân tộc thiểu số-Ủy ban Dân tộc, tính đến thời điểm hiện nay, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3-4% năm. Tính đến hết tháng 8/2018, có 1.052 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi  được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29 %.

Có thể khẳng định, việc thực thi hiệu quả, đồng bộ những chính sách bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc hơn, đủ sức đề kháng với mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển sâu rộng, không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự.

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ