Cảnh giác với những chiêu trò chống phá bầu cử Quốc hội
QPTĐ-Hiện nay, trong khi cả hệ thống chính trị đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thì các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại ra sức chống phá một cách quyết liệt. Một trong những thủ đoạn của chúng là bôi nhọ, hạ thấp vai trò, vị trí cũng như xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu to lớn của Quốc hội khóa XIV.
Các thế lực thù địch không ngừng chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Nhiệm kỳ qua, với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội khóa XIV đã luôn đoàn kết, sáng tạo, có những đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước đã triển khai khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại. Kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XIV đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Vậy mà vẫn còn những tiếng nói lạc lõng của một số tờ báo nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, VOA, RFA, RFI… đã đồng lõa với một số phần tử phản động, cơ hội chính trị, đối tượng thoái hóa, biến chất để viết bài phân tích, bình luận một cách tùy tiện, sai lệch bản chất, thiếu khách quan, thậm chí xuyên tạc hoạt động của Quốc hội khóa XIV. Điển hình, trên RFA có bài: “Quốc hội khóa XIV nợ nhân dân những gì?”. Bằng cách dẫn lời một số đối tượng biến chất, cơ hội chính trị và với cái nhìn hằn học, bài viết cho rằng “Quốc hội khóa XIV có hoàn thành nhiệm vụ của đất nước và nhân dân” “hay chỉ hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao phó”. Chúng cho rằng, “Quốc hội khóa 14 sắp kết thúc, để lại hai món nợ lớn đối với nhân dân. Món nợ thứ nhất thuộc chức năng lập pháp, đó là không thông qua được hai đạo luật mà dân rất cần: Luật Biểu tình và Luật Lập hội”. “Món nợ thứ hai thuộc chức năng giám sát. Vừa qua có hai vụ án gây bất bình trong một số tầng lớp nhân dân, đó là vụ án Đồng Tâm và vụ án Hồ Duy Hải. Dư luận cho rằng tòa án đã nhân danh Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để chà đạp lên công lý. Thực ra Quốc hội có phản ứng nhưng quá yếu ớt, không đưa ra thảo luận đến nơi đến chốn, để cho những việc làm trái luật pháp, phản đạo lý công nhiên hoành hành”. Thậm chí có đối tượng còn xuyên tạc rằng “Quốc hội hiện nay không phải của nhân dân nhưng lại luôn nói là của nhân dân”.
Thực tế, nhiệm kỳ qua, trong hoạt động lập pháp, Quốc hội khóa XIV đã đẩy mạnh xây dựng và ban hành khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có nhiều đạo luật quan trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập của đất nước. Tính đến hết tháng 12-2020, Quốc hội khóa XIV đã ban hành 72 luật, 18 nghị quyết quy phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành 2 Pháp lệnh và 23 nghị quyết quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, biểu tình, lập hội… là những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Vì vậy, yêu cầu ban hành Luật Biểu tình là chính đáng. Quốc hội khóa XIV cũng nhận thức rõ vấn đề này. Vì vậy, Quốc hội đã giao cho Chính phủ, trực tiếp là Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng dự án luật. Bộ Công an đã chủ động nghiên cứu, tham khảo nhiều Luật Biểu tình của các nước, soạn thảo dự luật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cao về đối tượng áp dụng, những trường hợp không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình... Dự án Luật Biểu tình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm nên cần phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá. Mặt khác, để thực hiện có hiệu quả luật cần phải hoàn thiện các đạo luật có liên quan, như Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ... Với những yếu tố khách quan như vậy, dự luật biểu tình chưa được trình Quốc hội.
Trong hoạt động giám sát nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận. Nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đến văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh, đối ngoại, hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thông qua giám sát, Quốc hội đã kịp thời phát hiện, có các ý kiến kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật; phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn.
Luận điệu trên RFA cho rằng Quốc hội không giám sát hoặc giám sát không sâu sắc đối với vụ án Hồ Duy Hải và vụ án ở Đồng Tâm, Mỹ Đức là hoàn toàn không có căn cứ. Đối với vụ án Hồ Duy Hải, trả lời yêu cầu của đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã khẳng định trước Quốc hội là không có oan sai. Thậm chí, trong đơn kháng cáo của Hồ Duy Hải cũng không kêu oan sai mà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Bản án dành cho Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội.
Còn đối với vụ án xảy ra tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cũng như dư luận quốc tế. Chính vì vậy, vụ án đã được đưa ra xét xử công khai, chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục. Sau hai lần xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) dư luận xã hội đều đồng tình, ủng hộ bản án nghiêm khắc dành cho những kẻ coi thường kỷ cương, phép nước, giết người, chống người thi hành công vụ.
Phải chăng, việc cố ý lấy vụ án ở Đồng Tâm, Mỹ Đức để xuyên tạc hoạt động giám sát của Quốc hội là chiêu trò “một mũi tên trúng 2 đích” của các thế lực thù địch. Một mặt, chúng hạ thấp vị trí, vai trò của Quốc hội, phủ nhận kết quả hoạt động của đại biểu Quốc hội. Từ đó, chúng thực hiện chiêu trò “tự ứng cử”, hô hào các hội nhóm dân chủ trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô, ủng hộ cho các “nhà dân chủ” để gây rối, phá hoại cuộc bầu cử. Mặt khác, chúng hô hào, kích động dư luận với âm mưu lợi dụng vấn đề này để làm suy giảm niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp; xuyên tạc bản chất vụ án hòng thay trắng đổi đen, quy kết, đổ lỗi cho chính quyền, tìm cách bảo vệ, bao che cho những kẻ phạm tội.
Chính vì vậy, chúng ta cần nâng cao cảnh giác, nhận diện và chủ động đấu tranh, quyết liệt làm thất bại những thủ đoạn xuyên tạc, gây rối, bôi nhọ, phá hoại của các thế lực thù địch và các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp.
Phương Minh