Bảo đảm quyền con người trước biến đổi khí hậu
QPTĐ-Trong các quyền con người, quyền được sống trong một môi trường trong lành là quyền rất quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của con người. Cộng đồng quốc tế thừa nhận đây là quyền quan trọng hàng đầu, là mục tiêu hoạt động bảo vệ môi trường và các quốc gia đều ghi nhận quyền này. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó, với tư cách quốc gia đã ký các tuyên bố của Liên hợp quốc về môi trường và quyền con người, biến quyền được sống trong môi trường trong lành thành nguyên tắc pháp lý và thực tế nó đã là nguyên tắc trong pháp luật môi trường Việt Nam.
Việt Nam ưu tiên thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa: Internet)
Biến đổi khí hậu và quyền con người
Trong những năm gần đây, chúng ta thường nghe những cụm từ như: Biến đổi khí hậu, băng hà đang lùi dần, băng vĩnh cửu đang tan, diện tích băng ở Bắc Băng Dương đang thu hẹp lại, mức nước biển đang dâng cao. Nhiều thiên tai xẩy ra một cách bất thường, như hạn hán, lũ lụt, bão tố, thời tiết nóng hay lạnh bất thường tại nhiều vùng trên thế giới, gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là những nước nghèo thuộc vùng nhiệt đới. Điều đó cho thấy, Trái đất của chúng ta đang có những thay đổi bất thường.
Tất cả những thảm họa đó và cả những hiện tượng bất thường về thời tiết trong những năm qua tại nhiều vùng trên thế giới đã gây tác hại vô cùng nghiêm trọng có nguyên nhân chính là do các hoạt động của con người. Con người là một phần của môi trường toàn cầu và cũng có thể nói rằng con người là một thành viên của thiên nhiên. Vì thế, sự tàn phá thiên nhiên cũng có thể nói rằng đó là sự tàn phá chính bản thân mình.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế với sự tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch đã làm tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển, do đó làm nhiệt độ mặt đất đã và đang tăng lên, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Sự nóng lên toàn cầu này có thể nói là đã gây ra những thay đổi bất thường về khí hậu và cũng là nguyên nhân của các thiên tai bất thường trên thế giới, đồng thời cũng vì thế mà nguồn lương thực và nguồn nước đang bị giảm sút và hậu quả là sự gia tăng số người phải từ bỏ quê hương tìm nơi khác để kiếm sống trên toàn thế giới.
Trên phạm vi toàn cầu, vấn đề quyền con người trong biến đổi khí hậu được thể hiện qua ba khía cạnh: Quyền sống, quyền về sức khỏe và quyền sinh tồn. Về quyền sống, trong Điều 6.1. của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) ghi rõ: Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện. Trong quyền về sức khỏe, Điều 12.1 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR) ghi rõ: Các quốc gia thành viên Công ước công nhận quyền của mọi người được hưởng tiêu chuẩn cao nhất có thể được về sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều 21.1 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990 ghi rõ: Trẻ em có quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe ở mức cao nhất có thể được. Trong quyền sinh tồn, Điều 11.1. của ICESCR quy định: Các quốc gia thành viên công ước này công nhận quyền của mọi người đối với một mức sống thích đáng cho bản thân và cho gia đình họ, bao gồm ăn, mặc, cư trú thích đáng và các điều kiện sống không ngừng được cải thiện. Điều 11.2 của ICESCR ghi rõ: Các quốc gia thành viên Công ước sẽ tự mình thực hiện và thông qua hợp tác quốc tế để thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện quyền cơ bản của mọi người là không bị đói.
Mặc dù cộng đồng quốc tế trong các hội nghị quốc tế đã công nhận mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người, song việc luật hóa quyền con người trước sự biến đổi khí hậu dường như rất khó khăn. Điều này là do biến đổi khí hậu có tác động rõ ràng đến quyền con người đã được ghi trong luật pháp quốc tế, như quyền sống, quyền bảo vệ tài sản... nhưng những tác động của biến đổi khí hậu chỉ mang tính gián tiếp. Luật pháp về quyền con người không dễ đánh giá và truy cứu trách nhiệm của những chủ thể gây ra biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia thiếu năng lực hạn chế những tác động từ biến đổi khí hậu đối với con người bởi những yếu kém về nguồn lực kinh tế và kết cấu hạ tầng…
Bảo đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Ở Việt Nam, bảo đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường được coi là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra”. Đặc biệt, Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng xác định rõ quan điểm, chủ trương trong bảo đảm an ninh môi trường như: Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia; hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là cơ chế tài chính về khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường, dịch bệnh. Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế trong bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về mặt Nhà nước, Việt Nam đã sớm có Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 1993 được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2014 và mới nhất, ngày 17-11-2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Luật quy định: Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.
Các nội dung về bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên; gắn trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 của Việt Nam quy định: “Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành”. Luật cũng quy định cộng đồng có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước và cơ quan quản lý về biến đổi khí hậu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, việc bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu của Việt Nam còn thể hiện trong các quy định về xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường; gắn với xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; các dự án đầu tư; quản lý phát thải khí nhà kính, thu hồi năng lượng từ chất thải, trong sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường, trong phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; hoạt động khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Không chỉ bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật của mình, Việt Nam còn thể hiện là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Tại Khóa họp lần thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức tại trụ sở của Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ vừa qua, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines đồng tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời, giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và biến đổi khí hậu. Đây là Nghị quyết được Việt Nam, Bangladesh và Philippines giới thiệu hằng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ em, quyền sức khỏe, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu).
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm nòng cốt phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Phương Minh