A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam

Bài 5: Biến khó khăn, thách thức thành động lực hành động

QPTĐ- Trong khu vực châu Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, dịch Covid-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, phát triển kinh tế-xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc nhiều mục tiêu phát triển bền vững khó có khả năng đạt được vào năm 2030.

Việt Nam nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhận diện khó khăn, thách thức

Sau gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn rất nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính độc lập, tự chủ được cải thiện; tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở của nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Chính trị-xã hội ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng-an ninh, đối ngoại được quan tâm và có sự chuyển biến tích cực; tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh; tiếp tục tận dụng cơ hội dân số vàng, thành quả xây dựng nông thôn mới được củng cố, đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển bền vững trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tụt hậu còn lớn, các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực… để đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp so với yêu cầu; trình độ khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số còn hạn chế. Tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn còn là một thách thức. Nhu cầu vốn đòi hỏi tăng mạnh để đáp ứng các yêu cầu phát triển trong khi nguồn vốn ưu đãi và viện trợ sụt giảm.

Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên và đất đai. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, khốc liệt và khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân. Chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền và địa phương có xu hướng doãng rộng. Già hóa dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo vệ an ninh quốc gia gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn và sự chống phá của thế lực thù địch phản động còn diễn biến phức tạp. Các vấn đề toàn cầu và mất an ninh phi truyền thống sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam ngày một sâu sắc hơn.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện tới nền kinh tế Việt Nam, kéo theo đó là những hệ lụy tiêu cực tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Cụ thể, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực trực tiếp tới tiến trình thực hiện các mục tiêu như xóa nghèo, xóa đói, sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc, giáo dục có chất lượng, bình đẳng giới, tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững, bất bình đẳng xã hội... Đồng thời, đại dịch Covid-19 cũng tác động đến thành quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác cả về trung và dài hạn.

Cùng với đó, thực trạng phát triển kinh tế-xã hội còn bộc lộ nhiều vấn đề chưa bền vững. Tăng trưởng kinh tế chưa dẫn đến thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Quản lý, phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và những vụ việc bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em gây bức xúc xã hội. Chênh lệch giàu-nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn... Điều đó dẫn tới việc nhiều mục tiêu phát triển bền vững khó có thể đạt được vào năm 2030.

Ngoài ra, hệ thống chính sách còn tồn tại một số bất cập trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện, hiệu lực thực thi của chính sách chưa cao; việc huy động nguồn lực tài chính cũng là những thách thức không nhỏ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hành động vì sự phát triển bền vững

Việt Nam là quốc gia luôn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Để thực hiện những cam kết đó, Việt Nam cần quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt, biến thách thức thành cơ hội, huy động sức mạnh của toàn dân tộc để tiếp tục gặt hái thành công và tiến tới đạt được những mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra.

Trước hết, chúng ta phải rà soát, nghiên cứu các khoảng trống về chính sách hiện hành và hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng đảm bảo hành lang pháp lý để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó cần nghiên cứu, ban hành các chính sách đảm bảo sự đóng góp và hưởng lợi công bằng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương.

Tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các các mục tiêu phát triển bền vững. Bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ là công việc của Chính phủ mà của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát huy vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực hiện các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững; đầu tư vào các sáng kiến, các dự án tăng trưởng xanh; thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Đồng thời, tăng cường vai trò chủ động, sáng tạo của các tổ chức xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng.

Sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống, chính sách thuế; nâng cao hiệu quả chi tiêu công; đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch. Chuyển trọng tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ số lượng sang chất lượng. Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng.

Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Đa dạng hoá phương thức đào tạo gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Tăng cường công tác giáo dục và đào tạo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Thúc đẩy phát triển mạnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Chú trọng nâng cao năng lực quốc gia trong phòng chống, ứng phó với các rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh. Tăng cường khả năng chống chịu, khả năng thích ứng với các loại rủi ro của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công tại các địa phương. Bảo vệ và kịp thời hỗ trợ các vùng, đối tượng bị ảnh hưởng bởi các rủi ro thiên tai, khí hậu và dịch bệnh để không ai bị bỏ lại phía sau trong mọi tình huống.

Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương, thực hiện tốt các trọng trách quốc tế, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc và các khuôn khổ hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương. Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước. Tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam trong diễn đàn quốc tế; tích cực tham gia Rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Diễn đàn chính trị cấp cao của Liên hợp quốc.

Đức Minh

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ