A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyền con người trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Bài 3: Quyền con người gắn với quyền quốc gia, dân tộc

QPTĐ-Quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Hay nói cách khác là quyền con người chỉ có được khi đất nước tự do, độc lập. Đó là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta và một lần nữa được khẳng định trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Việt Nam luôn nỗ lực bảo vệ và phát huy những giá trị, thành tựu về quyền con người. 

Hình thành từ lịch sử dân tộc

Quan điểm kể trên xuất phát từ thực tế là trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, dân tộc Việt Nam đã nhiều lần bị các thế lực nước ngoài đô hộ và phải gánh chịu những hy sinh to lớn trong những cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường qua nhiều thế kỷ để giành độc lập dân tộc và tự do của Tổ quốc. Chính vì vậy, người dân Việt Nam tin rằng, nước mất độc lập thì không thể có cá nhân tự do, hay những "vong quốc nô" thì không thể có quyền con người. Để giành quyền con người cho mỗi cá nhân thì phải giải phóng dân tộc khỏi áp bức ngoại bang và bảo vệ quyền tự quyết của dân tộc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bằng những luận đề hiển nhiên, được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Viện dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, Người khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.  Bằng việc mở rộng quyền con người chỉ với tính cách cá nhân lên quyền con người với tính cách quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng vấn đề quyền tự nhiên của con người lên một tầm cao mới, trên tinh thần thế giới quan khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng về lịch sử và xã hội loài người, phản ánh chân thực quá trình lịch sử và thực tiễn tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam cũng như của các dân tộc bị nô dịch và áp bức trên toàn thế giới. 

Thực tế cho thấy, trước năm 1945, trong bối cảnh một nước thuộc địa, nửa phong kiến, người dân Việt Nam không được hưởng các quyền con người, quyền công dân. Chỉ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam ra đời, địa vị của người dân Việt Nam mới được thay đổi từ người nô lệ trở thành chủ nhân của một quốc gia độc lập, các quyền công dân của người Việt Nam lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Như thế, quyền con người của người dân Việt Nam gắn liền với các quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề trên, ở cấp độ quốc tế, quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc và tại Điều 1 của cả hai Công ước quốc tế cơ bản nhất của Liên hợp quốc về quyền con người là ICCPR và ICESCR. Năm 1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa, trong đó khẳng định quyền tự quyết dân tộc là một trong những quyền con người cơ bản và trên hết.

Quyền dân tộc tự quyết là trên hết

Trong khi pháp luật quốc tế xác định bảo vệ, bảo đảm quyền con người trên cơ sở trước tiên coi trọng quyền dân tộc tự quyết thì trong mấy thập niên gần đây, không ít chính phủ phương Tây lại đưa ra quan niệm quyền con người có tính phổ quát hết sức trừu tượng. Họ tuyệt đối hoá quyền của mỗi cá nhân, nhất là các quyền dân sự và chính trị. Từ đó họ nhấn mạnh "quyền con người cao hơn chủ quyền quốc gia", "quyền con người không có biên giới", để phủ nhận quyền của các dân tộc có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Không ai có thể phủ nhận một thực tế là quyền con người-một giá trị phổ quát, có tính toàn cầu, song cũng cần phải khẳng định quyền con người là một giá trị lịch sử, gắn với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử-cụ thể của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới. Do vậy không thể áp đặt cho nhau.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Trải qua chặng đường hơn 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Đảng ta luôn kiên trì, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng; nhờ đó, tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tùy theo từng giai đoạn cách mạng cụ thể, Đảng ta đã đề ra chiến lược, sách lược, bước đi, mục tiêu phù hợp để giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa dân tộc và giai cấp, giữa dân tộc và quốc tế, giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự đoán; sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế, đặt ra cả thời cơ và thách thức trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Bởi vậy, Đảng ta xác định, phải kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đi đôi với tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”.

Cùng với đó là “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội”. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ