A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Giải thưởng nhân quyền Việt Nam”: Trò hề của những kẻ phản động lưu vong

 

QPTĐ-Ngày 20-11, tổ chức lưu vong Mạng lưới nhân quyền Việt Nam ra thông cáo báo chí công bố cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2021”. Sau đó, thông tin này được RFA, VOA…và các trang mạng của phần tử phản động, cơ hội chính trị loan truyền như một sự tưởng thưởng cho những hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước của các đối tượng mà chúng gọi là “đóng góp cho các phong trào đấu tranh nhân quyền và công lý ở Việt Nam”.

Bị cáo Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5-5-2021.

Trong những năm gần đây, việc trao "Giải thưởng nhân quyền" của một số tổ chức nhân danh nhân quyền ở nước ngoài cho các đối tượng có hành vi, hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã gây ra nhiều phẫn nộ, thắc mắc, nghi hoặc trong dư luận. Có thể kể đến như: "Giải thưởng Hellman/Hammet" của tổ chức Quan sát nhân quyền quốc tế (HRW); "giải thưởng Stephanus" của Hiệp hội quốc tế nhân quyền tại Đức; "giải thưởng quốc tế Gruber" của Nghiệp đoàn luật sư quốc tế; "giải nhân quyền Gwangju"; “giải tự do báo chí” của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) “giải thưởng nhân quyền Homo homini” của tổ chức People in Need tại Cộng hòa Séc; “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” của Việt Tân...

Ngày 20-11 vừa qua, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam công bố cái gọi là “giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2021”. Theo đó, tổ chức lưu vong này sẽ trao giải cho 5 đối tượng đang bị các cơ quan tư pháp của Việt Nam truy tố, xét xử về các tội xâm phạm an ninh quốc gia gồm: Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Văn Túc và Đinh Thị Thu Thủy. Nhìn vào danh sách này, không khó để chúng ta thấy được một điểm chung là những cá nhân đó đều có hành động chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ hết sức quyết liệt.

Đối với Cấn Thị Thêu, một đối tượng có “thâm niên” và “bề dày thành tích” chống phá. Đối tượng này cũng không duới 2 lần “vào tù, ra tội”.  Những hành động của Cấn Thị Thêu suốt nhiều năm qua đã cho thấy rõ bản chất của một kẻ chống phá Nhà nước. Chỉ vì lợi ích vật chất mà các đối tượng xấu dụ dỗ với những lời hứa hẹn trên mây nên Cấn Thị Thêu từ người nông dân đã trở thành “con rối” dưới vỏ bọc của một người “dân oan”. Với vai trò là “ngọn cờ” trong một hội tự xưng là nhóm “dân oan”, Cấn Thị Thêu không chỉ kích động nhiều người dân Dương Nội mà bà ta còn lôi léo cả hai người con trai là Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương tham gia các hoạt động gây rối an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội. 

Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ ngày 9/1/2020 đến 14/1/2020, Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân phát trực tiếp 8 video có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Các video vi phạm của Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu phát, đăng tải đã được nhiều đối tượng có tư tưởng chống chế độ, chống Nhà nước theo dõi, bình luận bôi nhọ, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, bịa đặt gây tư tưởng hoang mang trong nhân dân. Còn Trịnh Bá Phương đã đăng, phát những video chứa nội dung kêu gọi, kích động nhân dân chống chính quyền, đưa thông tin xuyên tạc về vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức-Hà Nội), vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, các ngành, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ba mẹ con Cấn Thị Thêu đều bị khởi tố, điều tra về tội  "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015. Biết rõ bản chất của các đối tượng này thế nhưng, như bắt được “của quý hiếm”, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam liền tô vẽ mẹ con Cấn Thị Thêu như “người hùng”, là “nhà hoạt động vì quyền đất đai” và trao cho các đối tượng “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2021”. 

Đối với Đinh Thị Thu Thủy, từ năm 2018, đối tượng đã mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng chống đối; tung tin thất thiệt, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân nhằm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, trong lúc cả nước đang chung tay phòng chống dịch Covid-19, Thủy tiếp tục sử dụng mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc công tác phòng chống dịch của Chính phủ. Mặc dù được cơ quan Công an và chính quyền địa phương thường xuyên vận động, giáo dục, cảm hóa, nhưng Thủy không nhận ra sai trái mà ngày càng tỏ thái độ chống đối và xem thường pháp luật. Vì vậy, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giang đã khởi tố Đinh Thị Thu Thủy để điều tra hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Còn Nguyễn Văn Túc, người cũng được nhận “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2021” là đối tượng chống đối quyết liệt. Từ năm 1997, Nguyễn Văn Túc bắt đầu tham gia khiếu kiện tại địa phương. Hoạt động khiếu kiện của Túc mang tính cố chấp, kéo dài nên đã bị các đối tượng phản động trong, ngoài nước lôi kéo, kích động, mua chuộc. Túc chuyển sang bất mãn chế độ. Từ năm 2006, Nguyễn Văn Túc bị các đối tượng phản động vận động tham gia "Đảng Dân chủ 21", "Hội dân oan", "Nhóm dân chủ", "Khối 8406"... và được hỗ trợ vật chất, khích lệ tinh thần, nhằm tạo dựng Nguyễn Văn Túc thành “ngọn cờ” để tập hợp, phát triển lực lượng từ những đối tượng khiếu kiện cố chấp, có tư tưởng bất mãn, chán ghét chế độ, tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Năm 2008, Nguyễn Văn Túc bị Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, sau đó đã bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử phạt 4 năm tù giam và phạt quản chế 3 năm tại địa phương. Năm 2012, hết hạn án phạt tù giam, trở về địa phương, Nguyễn Văn Túc tiếp tục hoạt động chống đối, liên tục vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế, công khai thái độ chống đối, coi thường pháp luật, núp danh nghĩa tuyên bố sẽ đấu tranh vì "dân chủ, nhân quyền" để chống Đảng, chế độ; thường xuyên sử dụng mạng internet, liên lạc, hội luận, đăng tải các tài liệu có nội dung xấu, nhiều lần vi phạm án phạt quản chế tự đi khỏi địa phương, gặp gỡ các đối tượng chống đối chính trị và tham gia biểu tình ở Hà Nội. Trước các hoạt động chống đối của Nguyễn Văn Túc, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Túc. Sau đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội trong phiên phúc thẩm vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đã tuyên y án sơ thẩm 13 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Túc. 

Giải thưởng là hình thức tôn vinh những cá nhân, tập thể có những đóng góp xứng đáng trong một hoặc nhiều lĩnh vực. Một giải thưởng muốn có vị thế, có uy tín, được công nhận thì trước hết, tổ chức chủ trì của giải thưởng đó phải có uy tín, chính danh. Vậy nhưng, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam, tổ chức phản động lưu vong núp bóng dưới chiêu bài nhân quyền thì không thể có chính danh. 

Trong nhiều năm qua, tổ chức này chuyên lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền dưới các chiêu trò như trao “Giải thưởng nhân quyền” hay công bố “báo cáo nhân quyền” hằng năm để xuyên tạc thực tế tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Điển hình như tháng 6-2021, chính mạng lưới nhân quyền Việt Nam ra cái gọi là “báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021”. Xuyên suốt báo cáo này là quy kết chính quyền Việt Nam “độc đảng”, vi phạm nhân quyền; tìm cách gán ghép các hành vi phạm tội, mọi hiện tượng tiêu cực, mọi rủi ro xảy ra trong xã hội đều là “cố ý” của chế độ chính trị hiện nay, là sự vi phạm nhân quyền của Nhà nước… Những khuyến nghị, giải pháp báo cáo này đưa ra đều là đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi Đảng từ bỏ quyền lãnh đạo, đòi đa đảng, đòi phải chấp nhận sự can thiệp, giám sát nhân quyền và tình hình chính trị-xã hội trong nước từ các nước phương Tây và tổ chức quốc tế, đòi tự do biểu tình, tự do lập hội, tự do tôn giáo theo kiểu áp đặt giá trị của phương Tây vào Việt Nam... 

Mặt khác, chúng cũng sử dụng “giải thưởng nhân quyền” như một công cụ để kêu gọi các tổ chức quốc tế có cái nhìn phiến diện, thiếu thiện chí với Việt Nam gây sức ép, can thiệp vào các hoạt động tư pháp của Việt Nam. Đồng thời việc trao giải thưởng “nhân quyền” cũng là một phương thức để đánh bóng tên tuổi, bao che, dung túng cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội vi phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội, tuyên truyền chống phá đất nước. 

Như vậy, có thể thấy rõ, “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam" chỉ là những trò hề, ngày càng phơi bày bộ mặt chống phá Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch và những kẻ phản động lưu vong.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ