Nhận diện, đấu tranh với sự biến tướng của căn bệnh quan liêu
QPTĐ-Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, ngoài mệnh lệnh hành chính, nếu người chỉ huy và cấp dưới đặt mình vào vị trí của nhau để cùng chia sẻ, thấu hiểu trách nhiệm ở mỗi cấp thì sẽ tạo được sự đoàn kết nhất trí cao, trên dưới một lòng và hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Tuy nhiên, do mắc vào căn bệnh “quan liêu” nên vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) xa rời thực tế, xa quần chúng; nặng về áp dụng phương pháp mệnh lệnh hành chính; chỉ biết hô hào khẩu hiệu chỉ thị, xem báo cáo, làm việc qua loa; lời nói không đi đôi với việc làm; chủ quan, tự mãn. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan chủ”. Đây chính là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của CB, ĐV cần phải đấu tranh loại bỏ.

Nguy hiểm từ sự chỉ đạo chung chung
Chân dung của người CB, ĐV mắc bệnh quan liêu theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phác họa là “nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”. Vì mắc bệnh quan liêu, tất nhiên những CB, ĐV này sẽ không sâu sát thực tế, quen ngồi nghe báo cáo không kiểm tra, nên sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng trong hai khâu quan trọng nhất là: Hoạch định chính sách, ra quyết định và công tác cán bộ. Và chân dung người CB, ĐV mắc bệnh quan liêu như Bác đã chỉ ra vẫn còn xuất hiện đâu đó trong những hội nghị, sự kiện quan trọng thời gian qua. Cụ thể, hiện nay là thời điểm các chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở trong toàn Đảng tiến hành đại hội. Đại hội là một sự kiện chính trị quan trọng, không chỉ đánh dấu một kỳ sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng, mà còn là dịp để mỗi đảng viên cùng nhau nhìn lại quá trình hoạt động, phát triển và đóng góp của chi bộ trong nhiệm kỳ qua. Trước thềm một sự kiện chính trị quan trọng như vậy, bao giờ cũng có đại biểu cấp trên về dự. CB, ĐV và nhân dân rất phấn khởi khi biết tin, sẽ có thủ trưởng cấp trên về dự và phát biểu chỉ đạo. Do tâm lý chung của mọi người đều rất kỳ vọng vào lãnh đạo cấp trên, bởi vì cấp trên bao giờ cũng công tâm, khách quan, nhìn thẳng, nhìn thật, nhìn sâu vào thực tiễn cơ sở bằng lăng kính của người lãnh đạo, bằng tư duy sâu sắc và tầm nhìn phổ quát để định hướng những nội dung có tâm, có tầm, khác về chất so với nhận thức của cấp dưới và quần chúng, từ đó giúp cấp dưới định hướng phương hướng thời gian tới để thực hiện tốt hơn. Thế nhưng, tại đại hội long trọng ấy, mọi sự háo hức của CB, ĐV và nhân dân bỗng trở thành nỗi thất vọng. Sau phần nghe báo cáo trung tâm và các ý kiến thảo luận, đại hội rất mong được lĩnh hội chỉ đạo của đại biểu cấp trên để sớm tháo gỡ một số vướng mắc trong công tác, tổ chức thực hiện và định hướng phương hướng thời gian tới. Thế nhưng, sự chờ đợi ấy bỗng trở thành công cốc vì bài phát biểu chỉ đạo của cấp trên quá dài, khoảng 4 đến 5 nghìn chữ và cứ thế đọc một lèo, chủ yếu nhắc lại nội dung trong báo cáo. Những ý thoát ly được văn bản lại quá chung chung, chưa sát, đúng với đặc điểm tình hình thực tế. Thoạt đầu, mọi người còn chú ý lắng nghe; nhưng về sau, bài phát biểu cứ thế kéo dài, với giọng đọc chậm rãi, đều đều nên sinh ra nhàm chán. Việc CB, ĐV cấp trên phát biểu chỉ đạo “mênh mông” nêu trên cũng là thực trạng tồn tại từ nhiều năm nay ở đội ngũ cán bộ nhiều cấp.
Ở khía cạnh nào đó, có thể cảm thông vì không ít cán bộ lãnh đạo vì bận công việc nên thường giao cho cấp dưới chuẩn bị bài phát biểu. Tuy nhiên, do mắc căn bệnh “quan liêu”, nên những CB, ĐV này không dành tâm huyết nghiên cứu, nắm chắc tình hình cơ sở, hơn nữa kiến thức, trình độ ở một số lĩnh vực khác nhau chưa toàn diện, chưa thật uyên bác, chưa khảo sát nắm chắc tâm lý đối tượng, dẫn đến chỉ đạo, thì nội dung phương phưởng. Đặc biệt, một số cán bộ chủ trì, chủ chốt mắc bệnh “quan liêu”, nhưng dự hội nghị nào dù to hay nhỏ cũng rất thích “chỉ đạo”, trong khi đó bản thân chưa hiểu cơ sở đang cần gì, thiếu gì nên nội dung chỉ đạo không thể thuyết phục, chưa chỉ ra được cái cơ sở cần, điều cấp dưới mong. Bởi thế mới có chuyện, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tại hội nghị tổng kết năm nay nhưng vẫn sử dụng được cho năm sau; chỉ đạo ở hội nghị của ngành này, địa phương này cũng có thể áp dụng được cho ngành khác, địa phương khác. Nếu hội nghị nào, cuộc họp nào lãnh đạo cũng chỉ đạo phương phưởng, hẳn nhiên sẽ gây khó cho cơ sở trong công tác quán triệt, triển khai thực hiện, hiệu quả công việc không cao; còn cấp dưới sẽ mất niềm tin, lãnh đạo mất uy tín. Hơn thế, việc lạm dụng “chỉ đạo” không những là biểu hiện của lạm quyền mà còn phản ánh sự yếu kém về năng lực lãnh đạo của chính cán bộ đó.
Thông qua biểu hiện trên cho thấy, những CB, ĐV mắc căn bệnh “quan liêu” thì trong nhận thức họ đã tự đánh mất chính vai trò lãnh đạo của mình. Còn trong hoạt động thực tiễn, những CB, ĐV này không nêu cao được trách nhiệm để đưa nghị quyết vào cuộc sống; họ sẽ hành động theo thói quen, được chăng hay chớ. Rõ ràng, một bộ phận CB, ĐV như vậy, cho dù là ở cấp cơ sở cũng sẽ là lực cản làm giảm năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.
Tăng cường hoạt động thực tiễn là liều thuốc đặc trị
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu rất cao với đội ngũ cán bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Theo Người: “Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh”. Để tránh tình trạng lý luận không phản ánh đời sống thực tiễn, thiếu tính khoa học và cách mạng, Bác đặc biệt nhắc nhở CB, ĐV tránh tình trạng rất dễ mắc phải là lý luận suông, lý luận thuần túy sách vở, xa rời cuộc sống, không có căn cứ, giáo điều, kinh viện. Người chỉ rõ: “Lý luận mà không có liên hệ thực tiễn là lý luận suông”. Đặc biệt, Người phê phán cách chỉ đạo thiếu cơ sở, chỉ đạo cho có, chỉ đạo nhiều nhưng hiệu quả không cao. Những chỉ dạy quý báu đó đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn. Bởi vì, cán bộ lãnh đạo là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương. Mặt khác, việc xây dựng đường lối lãnh đạo đúng đắn, hoạch định chiến lược phát triển, nội dung chỉ đạo đúng, trúng không chỉ khẳng định năng lực lãnh đạo của người đứng đầu mà còn thể hiện sự hiểu biết về ngành, lĩnh vực và địa phương mình đang phụ trách. Từ chuyện chỉ đạo chung chung, phương phưởng, ai cũng nghĩ vô hại, nhưng đặt ra yêu cầu cần chỉnh sửa ngay lề lối làm việc, tác phong công tác của CB, ĐV nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp, để CB, ĐV có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết là rất quan trọng, cần thiết, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Vì vậy, để tránh mắc vào căn bệnh “quan liêu” và những biến tướng nguy hiểm của nó, thì trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác, mỗi CB, ĐV nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt phải tăng cường hoạt động thực tiễn, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân. Dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu; khơi thông điểm nghẽn, giải quyết vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đó cũng là cơ sở để bản thân hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi cấp trên hoàn thành nhiệm vụ là đồng nghĩa với sự thấu hiểu nhiệm vụ cấp dưới của mình, nhìn thấy rõ vấn đề cơ sở đang cần, cấp dưới chưa biết, hoặc khơi gợi, giúp cấp dưới cách thức, hướng đi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn. Có vậy thì cấp dưới mới nghe, mới cần, mới tin và trân quý sự chỉ đạo. Muốn làm được như thế, cán bộ lãnh đạo nhất thiết phải là những người sâu sát, gần gũi với cơ sở; kiểm tra phải thực chất để nắm rõ, hiểu sâu từng thế mạnh, từng điểm yếu, điểm nghẽn mà cơ sở đang vướng mắc để có những vạch định sát, đúng, chỉ đạo sát sao, kịp thời. Bên cạnh đó, cán bộ chủ trì, chủ chốt phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, thực sự là những “chuyên gia” hàng đầu trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Có như vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ mới đi vào thực chất, hiệu quả và căn bệnh “quan liêu” sẽ tiêu tán không còn.
Nguyễn Văn Tuân