A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy hại từ căn bệnh “vô cảm”

 

QPTĐ-Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) mắc căn bệnh này, nếu nhẹ thì đề phòng, nghi kỵ lẫn nhau, mà nặng là kéo bè cánh, khiếu kiện, tố cáo nặc danh, gây mất đoàn kết nội bộ. Biểu hiện của căn bệnh dễ nhận thấy, nhưng để xử lý hiệu quả thì rất khó khăn nếu không có các giải pháp mạnh. 

CB, ĐV tích cực phấn đấu, rèn luyện là tấm gương sánh cho quần chúng noi theo.

Nguyên nhân hình thành “điểm nóng”

CB, ĐV phải là người thông hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nên phải luôn biết lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu với những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Nhưng nếu CB, ĐV đã mắc căn bệnh “vô cảm”, thì trong quan hệ tiếp xúc với nhân dân thường thể hiện qua hành vi, cử chỉ thái độ thờ ơ, “hách dịch”, cửa quyền, không thân thiện, không hiểu là mình đang mang trọng trách là người đầy tớ của nhân dân. Tự đặt cho bản thân có quyền này, quyền nọ, xem nhẹ công tác tiếp dân, chậm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc ngay từ cơ sở. Ở đâu đó, chúng ta vẫn còn nghe được quần chúng nhân dân phàn nàn về thái độ của CB, ĐV, công chức cơ sở vẫn còn thờ ơ, dửng dưng trước những khó khăn, mất mát của người dân và doanh nghiệp, cao hơn họ còn nghĩ ra những chiêu trò lót tay “bôi trơn”, điển hình như trong thủ tục cấp sổ hồng, sổ đỏ, đền bù đất đai, trong đấu thầu, giải phóng mặt bằng… gây khó khăn, áp đặt những đòi hỏi phi lý làm cho người dân bức xúc, làm mất lòng tin đối với Đảng, Nhà nước. 

Chính từ sự thờ ơ, lạnh nhạt đó đã tạo nên các “điểm nóng”, cụ thể: Thời gian vừa qua, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của công dân trong lĩnh vực đất đai diễn ra gay gắt, phức tạp ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhiều nơi đã trở thành “điểm nóng” phức tạp khó giải quyết, điển hình như ở Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Đà Nẵng, Hải Phòng... Số lượng đơn vượt cấp gửi đến các cơ quan ở Trung ương nhiều, nội dung thể hiện tính bức xúc gay gắt, không chấp nhận với cách giải quyết của chính quyền địa phương. Nhiều vụ việc công dân huy động cả thương binh, phụ nữ, người già, trẻ em tụ tập thành đoàn, đi xe căng cờ, biểu ngữ... kéo đến các cơ quan của Đảng, Nhà nước nhằm gây áp lực đòi được giải quyết quyền lợi theo yêu cầu, gây mất trật tự, an toàn xã hội và bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá chính quyền. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm, Bộ nhận được gần 10.000 lượt đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đơn thuộc lĩnh vực đất đai chiếm 98,6% tổng số đơn.

Hậu quả đó bắt nguồn từ CB, ĐV mắc căn bệnh “vô cảm” xa dân, chưa kịp thời lắng nghe, giải quyết thấu đáo những mâu thuẫn ngay ở cơ sở, nên không quy tụ được lòng dân, không phát huy được sức mạnh nhân dân, tạo cho người dân sự bức xúc dẫn đến tự ti, vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm trước các vấn đề của đời sống xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân vào kỷ cương phép nước và tính liêm chính của chính quyền. Đây chính là tiền đề dẫn đến nảy sinh “điểm nóng”. Nếu không phát hiện sớm, giải quyết triệt để bằng sự quan tâm giáo dục, thuyết phục quần chúng, tạo sự yên dân, an dân thì chắc chắn “điểm nóng” sẽ còn phát sinh. 

Xóa “điểm lạnh” để không hình thành “điểm nóng”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nghiêm khắc với những biểu hiện của căn bệnh “vô cảm”. Năm 1963, Bác về chỉ đạo chống hạn ở xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội và đã tới hỏi thăm một nhà dân. Khi Bác hỏi vừa qua gia đình đón Tết có vui không, một cụ bà thưa với Bác là ăn Tết không vui. Bác hỏi vì sao, cụ kể lại gia đình từ xưa có ngôi nhà gần đường song huyện lại có lệnh đuổi bà đi để mở đường mà không bồi thường, cũng không chỉ cho gia đình chuyển đi đâu, vì thế gia đình ăn Tết không vui. Người ra mệnh lệnh ấy là ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Bác rất buồn khi nghe sự việc và cho rằng, làm cán bộ như vậy là không xứng đáng, không khác gì cường hào xưa. Người chỉ thị phải điều tra làm rõ ngay. Đồng chí Chủ tịch huyện kia bị kỷ luật, lòng dân rất hả dạ và nhắc mãi chuyện đó như làm gương cho cán bộ không được thờ ơ, vô cảm với dân.

Có thể khẳng định, bệnh “vô cảm” của CB, ĐV mắc phải đều rất nguy hại, giống như sâu mọt đục khoét làm cho “cây mất gốc” không sớm muộn gì sẽ đổ, họ không hiểu được sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân là “chở thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân”. Vậy nên, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra “Một bộ phận CB, ĐV… vẫn còn thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”. Nguyên nhân sâu xa hình thành nên căn bệnh “vô cảm” của CB, ĐV chính là lười học chỉ thị, nghị quyết của Đảng, không chịu tu dưỡng, rèn luyện, không có lý tưởng phấn đấu, xem nhẹ vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, sống thực dụng, thờ ơ với thế cuộc và các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước hay của đơn vị, địa phương mà chỉ chăm lo thu vén cá nhân; ngại va chạm, giữ tâm thế trung dung với tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, không tích cực tham gia đấu tranh phê bình và tự phê bình với những vi phạm, biểu hiện xấu ở xung quanh để xây dựng đơn vị, địa phương đoàn kết, vững mạnh, phát triển.

Chữa bệnh “vô cảm” của CB, ĐV là cần thiết, cấp bách, nhưng nó đòi hỏi phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Các cấp ủy tổ chức Đảng cần đổi mới và tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp cho CB, ĐV, trong đó đề cao vai trò nêu gương của người chủ trì, người đứng đầu quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”, trọng dân, gần dân, hiểu dân, chia sẻ với dân, giúp đỡ dân là “điểm mấu chốt” để khắc phục bệnh “vô cảm” hiện nay. Đối với mỗi CB, ĐV phải thường xuyên rèn luyện, bồi đắp và nâng cao ý chí để làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Đảng viên có ý chí phấn tốt, mới lôi cuốn quần chúng học tập và làm theo. Thực tế cho thấy, ở bất cứ cơ quan, đơn vị, địa phương nào mà CB, ĐV, nhất là người đứng đầu gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, có năng lực công tác và hết lòng vì dân thì được nhân dân tôn trọng, yêu mến, nể phục, tin tưởng và noi theo. 

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ