A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kim vàng ai nỡ uốn câu

QPTĐ-Trong cuộc sống hàng ngày, đối với mỗi cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), lời nói không chỉ đóng vai trò là phương tiện giao tiếp, trao đổi, thể hiện trạng thái tâm tư, tình cảm, chia sẻ những kinh nghiệm, triết lý trong cộng đồng, mà còn là cầu nối đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận CB, ĐV vì lòng ghen ghét, đố kỵ, mang nặng tư duy “chụp mũ”, thích phán xét người khác, lợi dụng lời nói, phát ngôn làm mất đoàn kết nội bộ.

 Chụp mũ đặt cái “tôi” trên cái “ta” cộng đồng
Vừa rồi gặp lại anh bạn học cùng lớp khi tôi đến đơn vị liên hệ công tác, sau khi nghe tôi đặt vấn đề, liền kéo tôi ra một góc phòng nói nhỏ: “Ông mới đến không biết đấy thôi, nằm trong chăn mới biết chăn có rận, nội bộ cán bộ chủ trì đơn vị hay mâu thuẫn mất đoàn kết lắm, người này nói, người kia không nghe đâu. Chắc việc ông nhờ khó mà thực hiện được”. Nghe bạn nói, tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Tôi thấy Đảng bộ cơ quan cậu nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, đảng viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ mà”. Tôi mới nói tới đây, anh bạn đã cắt ngang: “Ôi dào! Chỉ là cái vỏ. Còn không tin ông cứ tìm hiểu xem”. Nhưng trên thực tế, khi tìm hiểu tình hình đơn vị thì được biết, do chủ trì đơn vị duy trì đúng các quy định về thời gian, giờ giấc làm việc, cũng như các chế độ ưu tiên, đãi ngộ theo quy định của Nhà nước, nên không được lòng một số cá nhân và trong số đó có anh bạn tôi do không tranh thủ đi muộn về sớm để đón con được, do đó không hài lòng, nảy sinh tư tưởng chán ghét lãnh đạo, chỉ huy, rồi “chụp mũ” cho rằng đơn vị mất đoàn kết nội bộ. Đấy còn chưa kể đến ở nhiều cơ quan, công sở khi nhàn rỗi, lúc “trà dư, tửu hậu”, việc bàn luận, nói về những gì không ưa ở người khác, hay lãnh đạo, cấp trên, bôi xấu, bóp méo hình ảnh với mục đích kém thiện chí rất phổ biến, nói xấu sau lưng người khác trở thành câu chuyện làm quà, làm thân hay đơn giản chỉ là cho vui. 

Nhưng tựu chung lại, động cơ và mục đích của những CB, ĐV này là khi cảm thấy thua thiệt về chế độ đãi ngộ, năng lực trình độ bản thân hạn chế, không muốn người khác hơn mình, thấy đồng chí đồng đội, bạn bè thành công, phát triển hơn là tỏ rõ lòng ganh ghét, đố kỵ, luôn tìm mọi cách “đâm bị thóc, chọc bị gạo” để “dìm hàng”. Thực tế căn bệnh này đã được nhiều nhà nghiên cứu tâm lý và văn hóa Việt Nam chỉ ra có nguồn gốc, nguyên nhân đầu tiên và sâu xa là từ tập quán khó xóa bỏ. Lối sống nông nghiệp định cư, biệt lập sau lũy tre làng có mặt trái là dung dưỡng cho tâm lý nông dân, tiểu nông, thích a dua, hòa tan với cộng đồng, có tính đố kỵ, cào bằng, ghét cá nhân tiêu biểu và sự vượt trội, khác biệt hơn người.

Những hiện tượng, biểu hiện kể trên rất nguy hại, một khi đã thành thói quen sẽ càng làm cho thói ghen ghét, đố kỵ, tư duy “chụp mũ”, thích phán xét người khác của CB, ĐV càng thêm trầm trọng và hậu quả càng trở nên khôn lường, bởi ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở câu chuyện, hay trong phạm vi cơ quan, tổ chức dưới góc độ mất đoàn kết nội bộ, mà nó dần sẽ lan ra ngoài cộng đồng, xã hội. Biến CB, ĐV từ người chấp hành các nguyên tắc, quy định của tổ chức trở thành người bao biện, né tránh trách nhiệm, phát ngôn tùy tiện, thiếu cả tâm và tầm, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Từ đó, các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, bóp méo về phẩm chất đạo đức, lối sồng, trách nhiệm và uy tín danh dự của người CB, ĐV. 

Điển hình gần đây khi trả lời dư luận, một cán bộ Sở Xây dựng thành phố Hà Nội lý giải rằng đá lát vỉa hè (loại mà trước đó được khẳng định có độ bền 70 năm) bị nứt vỡ một phần là do mưa nhiều giãn nở, tự vỡ. Cũng sự việc tương tự đá vỉa bị nứt vỡ, một cán bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nắng quá nên bị vỡ. Hay ở Thanh Hóa, kết quả thi công chức của một vài người cao bất thường từ rớt thành đậu, khi bị đặt nghi vấn thì giải thích là do “lỗi đánh máy”. Nếu nhìn nhận khách quan, trên thực tế có những CB, ĐV động cơ, trách nhiệm tốt, nhưng ở một chừng mực nào đó bị lỡ lời, vô tình nói thiếu câu từ, diễn đạt chưa hết ý dẫn đến sự hiểu lầm đáng tiếc, chúng ta có thể cảm thông. Nhưng cũng không hiếm CB, ĐV xuất phát bởi động cơ cá nhân, sự ích kỷ trong lối sống, có những phát ngôn bột phát, thiếu suy nghĩ, thậm chí hết sức vô lý, không chỉ gây cười mà còn khiến dư luận bất bình và các thế lực thù địch lợi dụng để đặt điều, xuyên tạc, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của tổ chức Đảng là điều rất nguy hại.

Đây chính là căn bệnh  “xu nịnh, a dua”  mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, có những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái; “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng”.

Phải giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn    
Lời nói đúng lúc, đúng nơi mang ý nghĩa to lớn, một lời khuyên ngăn có lí, có tình có thể giúp một con người đang sa vào những con đường lầm lỡ quay đầu lại. Cũng như một lời động viên an ủi cho những người không may, vấp phải khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống giúp họ có thêm nghị lực để vươn lên, thấy mình được quan tâm và hạnh phúc. Đúng như ông cha ta đã đúc kết “Lời nói đọi máu”, “Lời nói gói vàng” hay là “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, mới thấy được sự quan trọng của lời nói trong cách hành xử, giao tiếp của con người. 

Cổ nhân xưa có câu “họa tòng khẩu xuất” là muốn cảnh tỉnh, khuyên răn người đời chớ để cho cái miệng mình nói năng tùy tiện, lung tung mà có lúc tự rước họa vào thân. Làm người, ai cũng có cái mạnh, cái yếu, làm việc ai cũng có “sở trường, sở đoản”, có hạn chế, khuyết điểm, có cái đúng, cái sai. Cho nên khi xem xét, đánh giá cần phải khách quan, toàn diện, càng không được chụp mũ, phán xét theo kiểu cảm tính, cá nhân khi đánh giá về người khác. Do đó, để CB, ĐV giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, có cái nhìn khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể, cấp ủy các cấp cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường phổ biến, quán triệt, nâng cao ý thức tuân thủ kỷ luật phát ngôn cho CB, ĐV, kịp thời ngăn chặn, xử lý khi có CB, ĐV vi phạm kỷ luật phát ngôn, làm trái quan điểm, đường lối, quy định của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những cá nhân có phát ngôn không đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình; không đúng với đường lối, quan điểm của Đảng để giữ nghiêm nguyên tắc, kỷ luật phát ngôn của Đảng, gây chia rẽ, bè phái trong Đảng, không để CB, ĐV đứng ngoài sự quản lý của tổ chức. 

Đối với mỗi CB, ĐV phải thường xuyên tự nghiên cứu, học tập, trau rèn nhận thức, bản lĩnh chính trị, nâng cao “sức đề kháng” trước những tư tưởng sai trái, lệch lạc, vi phạm kỷ luật phát ngôn, gây mất đoàn kết, nghi kỵ nội bộ, tiếp tay cho những hành vi vi phạm, nhất là khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội trên môi trường internet, từng CB, ĐV cần có nhận thức đúng đắn, không bị các thế lực thù địch, phản động dụ dỗ, lôi kéo, cài bẫy trong các bình luận, phát ngôn. Có như vậy, kỷ cương, kỷ luật của Đảng không những được phát huy hiệu lực, hiệu quả, mà uy tín, vai trò, vị thế của Đảng ngày càng được tăng cường và khẳng định.

Nguyễn Văn Tuân
 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ