A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đừng để nêu gương trở thành bêu gương

QPTĐ- Nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) luôn có một vị trí rất quan trọng, không những góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, mà còn là tấm gương “đảng viên đi trước”, dẫn dắt quần chúng, để quần chúng tin tưởng đi theo. Đặc biệt là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, việc mới, việc khó được CB, ĐV gương mẫu tiên phong thực hiện, thì có tác động rất tích cực đến quần chúng nhân dân. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một bộ phận CB, ĐV chưa thực sự gương mẫu đi đầu, chỉ tiên phong “miệng” làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. 

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên 

là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng.   

Tác hại nêu gương bằng “khẩu hiệu”
Vừa rồi, trong buổi gặp mặt tặng quà công dân chuẩn bị lên đường nhập ngũ năm 2023, sau khi nghe phần phát biểu động viên hoành tráng của lãnh đạo xã “các đồng chí phải phát huy truyền thống của cha ông ta giữ nước…truyền thống của quê hương xã nhà “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phải tích cực hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc…”, một bác ngồi cạnh quay sang tôi nói nhỏ: “Xã có 12 thanh niên nhập ngũ đợt này. Có thanh niên nào là con CB, ĐV của xã đâu, toàn con nông dân chúng tôi thôi chú à”. 

Nghe bác tâm sự như vậy tôi giải thích: “Chắc năm nay không có. Còn những năm trước phải có chứ bác”. “Ôi dào! Năm nào cũng vậy. Hai con trai ông Bí thư một đi du học, một cậu học xong đại học nghe nói vừa đi làm ở một công ty liên doanh với nước ngoài, lương cao lắm. Còn cậu cả nhà ông Chủ tịch cũng đi du học, nói chung con cán bộ từ thôn đến xã đều đi làm và đi học nên được miễn hoãn”. Qua câu chuyện này, bất chợt tôi liên tưởng đến câu nói rất quen thuộc mà nhân dân vẫn thường chua xót ví von: “Cuốc, xẻng thì từ dưới cấp lên, đường sữa thì cấp từ trên xuống”, ý muốn nói đến sự ưu tiên, thiên vị trong cơ chế chính sách và sự thiếu gương mẫu của một bộ phận CB, ĐV trong thực thi công vụ, họ chỉ hô hào xung phong “miệng” đối với quần chúng, che mắt quần chúng, nói không đi đôi với làm. Mà họ quên rằng, quần chúng luôn soi xét, lắng nghe xem CB, ĐV nói gì, làm gì, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, tình huống phức tạp, hay trong thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi vì, CB, ĐV có gương mẫu thì mới lãnh đạo được quần chúng, nói quần chúng mới nghe, mới tin theo. 

Và càng nguy hiểm hơn, khi CB, ĐV là những người có chức, có quyền chỉ nói mà không làm, chỉ hứa hão mà không thực hiện, chỉ thích nói hay làm dở, nói suông làm giả, thậm chí làm những việc trái ngược hoàn toàn với những điều mình đã nói thì họ không chỉ tự bêu gương xấu trước thiên hạ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân vào chế độ chính trị, bộ máy công quyền và những người giữ vai trò cầm cân nảy mực trong xã hội. Một trong những trường hợp ví dụ điển hình “nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo”, thiếu gương mẫu mà dư luận hay nhắc tới là trường hợp ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, khi còn đương chức ông đã từng có những phát ngôn “nóng”, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân kỳ vọng vào vị lãnh đạo thanh liêm của Thành phố. Thế nhưng những gì ông Nguyễn Đức Chung làm lại không đúng như ông nói. Thậm chí, ông nói một đằng, làm một nẻo, để lại nhiều hệ lụy, tai tiếng cho cá nhân, gia đình và gây ra nhiều phiền toái cho cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. 

Hay trường hợp khác cũng được dư luận nhắc đến nhiều là ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Từng chủ biên cuốn sách “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong CB, ĐV hiện nay”, rồi trong hội nghị, lên đăng đàn hay khi tiếp xúc với nhân dân, ông Tuấn đều hô hào phải quyết liệt đấu tranh đẩy lùi “quốc nạn” nọ, tệ nạn kia, nhưng chính ông lại có những hành vi vi phạm nghiêm trọng những điều đảng viên không được làm, suy thoái, biến chất. 

Đó là hai trong rất nhiều ví dụ về một bộ phận CB, ĐV thiếu gương mẫu, thực hiện nêu gương bằng “khẩu hiệu” bằng “miệng”, chỉ nói đúng đường lối, nhưng lại làm sai nghị quyết, làm trái pháp luật, trở thành bêu gương. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng thổi phồng, chống phá, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tự giác nêu gương là phương thức chủ yếu
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” để việc công lên trên, lên trước việc tư, đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Trải qua 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, “nêu gương” luôn được Đảng ta xác định là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó CB, ĐV phải “tự giác nêu gương” là luận điểm nổi bật. Những thành tựu vĩ đại, to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo tới nay đã khẳng định, một trong những phương thức lãnh đạo đúng đắn của Đảng là vấn đề “tự giác nêu gương” của CB, ĐV. 

Tự giác nêu gương của CB, ĐV không tự nhiên mà có, mà phải thông qua quá trình tự phấn đấu, tự tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày. Vì vậy, để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của CB, ĐV, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phát huy việc “tự giác nêu gương” của CB, ĐV là giải pháp chủ yếu. Do đó, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, đội ngũ CB, ĐV cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Đặc biệt là Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 09/3/2021 của Bộ Chính trị “Về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Trên cơ sở quy định của Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng cần quán triệt, cụ thể hóa, xây dựng thành những quy định cụ thể về “tự giác nêu gương” phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của CB, ĐV. 

Đối với mỗi CB, ĐV, trong cuộc sống hàng ngày phải tự giác nêu gương toàn diện, không chỉ về tư tưởng chính trị mà còn về đạo đức, lối sống, không chỉ trong lời nói mà trong cả việc làm trên mọi lĩnh vực, trong mọi hoàn cảnh, cả trong tổ chức, xã hội và ở gia đình một cách tự giác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người đảng viên dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng... Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”. Như vậy, nếu CB, ĐV không có uy tín với xóm làng, khối phố, khu dân cư thì không thể nói họ gương mẫu được; cũng không thể nói là nêu gương, nếu người CB, ĐV đó chỉ thuyết giáo, giảng giải và yêu cầu mọi người hãy chấp hành pháp luật, còn mình thì “đứng ngoài pháp luật, đứng trên pháp luật”. Cho nên, để nâng cao tính tự giác nêu gương, mỗi CB, ĐV không chỉ tự học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, qua sách, báo, qua các phương tiện thông tin đại chúng, mà phải tự học tập lẫn nhau và thông qua hoạt động thực tiễn để thâm nhập vào phong trào cách mạng của quần chúng, làm cho phong trào đó phát triển đúng định hướng chính trị và qua đó tự rèn luyện mình. Qua hoạt động thực tiễn sẽ cung cấp nhiều loại thông tin đa dạng hơn, đồng thời kiểm định lý luận và càng nâng cao tầm hiểu biết, có thêm nghị lực để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao hơn và thời gian ngắn hơn. Do đó, CB, ĐV phải thực sự sâu sát với quần chúng, tin yêu quý trọng nhân dân, gương mẫu về mọi mặt, có như vậy mới tổ chức, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đạt hiệu quả cao. 

Nguyễn Văn Tuân
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ