A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề phòng sang chấn tâm lý trong quản lý tư tưởng bộ đội

QPTĐ-Theo y học thì sang chấn tâm lý (hay còn gọi là tổn thương tâm lý) là dạng tổn thương về mặt tâm trí, khi con người trải qua tình huống căng thẳng, quá tải về trí tuệ và tinh thần, rối loạn, stress. Biểu hiện cụ thể, luôn cảm thấy lo lắng, bất an trước mọi sự việc, hay giận dữ với mọi người xung quanh, không quan tâm và mất lòng tin vào người khác. Dưới ảnh hưởng của trạng thái này, các hành vi xã hội của con người thường lệch chuẩn, năng lượng và khả năng linh hoạt cá nhân giảm đến mức tối đa và cuối cùng có thể đẩy con người tới các hành vi dại dột, liều lĩnh. Vì vậy, đề phòng “sang chấn tâm lý” cho bộ đội là một yêu cầu khách quan, góp phần cho đơn vị ổn định tư tưởng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. 

Tăng cường giáo dục, chống gia trưởng, quân phiệt để phòng tránh sang chấn tâm lý cho bộ đội. (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân và những biểu hiện

Hoàn cảnh sống phức tạp đã và đang hiện hữu, tác động đối với một bộ phận giới trẻ hiện nay là lối sống “ảo”, sống thực dụng, luôn đặt cao vấn đề vật chất lên trên, sống không có tình cảm và quan tâm đến người khác, luôn giành những gì có lợi cho mình, bất chấp đó là hành động đúng hay sai. Trong suy nghĩ thường mơ mộng hão huyền muốn có gia tài, sự nghiệp lớn nhưng bản thân thì sợ cực khổ, sợ khó khăn, tiếp cận công việc gì mới thấy khó là bỏ cuộc, thụ động ngồi chờ giao việc gì thì làm việc ấy, không chủ động tiếp cận công việc, học hỏi người đi trước để trau rồi kiến thức, kinh nghiệm. Có nhiều nguyên dân dẫn đến lối sống nêu trên, như: Môi trường giáo dục còn chưa chú trọng đến đạo đức, nhân cách, kĩ năng sống; gia đình thiếu sát sao, hoặc bao bọc, quan tâm thái quá; ảnh hưởng từ mặt trái của cơ chế thị trường…Và trong số đó, có một phận giới trẻ hằng năm sẽ được tuyển vào quân đội, để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đây là thách thức đặt ra trong công tác quản lý, huấn luyện, rèn luyện, giáo dục bộ đội.
Chúng ta đều biết, môi trường quân đội là môi trường lao động đặc thù, với các hoạt động huấn luyện, SSCĐ, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh, thường diễn ra trong điều kiện khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng khi thực hiện nhiệm vụ. Nên đòi hỏi mỗi người chiến sĩ phải hội đủ các yếu tố như bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, có năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác khoa học, tích cực, tự giác phấn đấu rèn luyện mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực tiễn trong môi trường quân đội hiện nay cho thấy, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ luôn được đảm bảo và ngày càng nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tiêu tốn rất nhiều thể lực và trí lực, mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó, nếu so sánh với các ngành nghề bên ngoài, thì thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của bộ đội vẫn eo hẹp hơn. Đó là còn chưa kể đến thường xuyên phải thay đổi về cường độ và nhịp độ lao động, khi đơn vị tiến hành hội thao, diễn tập, hành quân dã ngoại. Cùng với đó, là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhằm “phi chính trị hóa quân đội”, bằng cách cổ vũ lối sống buông thả, tự do, vô kỷ luật. Trong trạng thái ấy, nếu bộ đội lại bị tác động quá mạnh, đột ngột, bởi tình cảm tiêu cực, biến cố từ phía gia đình, bạn bè, người yêu; đặc biệt là cán bộ trực tiếp quản lý, huấn luyện, thiếu gần gũi, bám nắm, kịp thời động viên bộ đội, mà lại thích mệnh lệnh, gia trưởng, quân phiệt, thì bộ đội rất dễ sang chấn, tổn thương tâm lý, nảy sinh trạng thái stress, dẫn đến “chán nản”, “hẫng hụt”. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến vi phạm kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ trong thời gian qua, như: Vi phạm nền nếp, chế độ, đào bỏ ngũ, cắm ký vay quá khả năng trả nợ, tự sát…, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác huấn luyện, quản lý giáo dục bộ đội và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Có nhiều cách xem xét, đánh giá về mức độ, hành vi vi phạm kỷ luật ở từng cấp độ khác nhau, cách giải quyết cũng khác nhau. Nhưng xét về mặt tổng thể, thì tựu chung lại, lí do chủ yếu, vẫn là phần đông thanh niên nhập ngũ vào quân đội, tuổi còn trẻ chưa có nhiều trải nghiệm, nên khi gặp khó khăn, thất bại thường dễ bị rối loạn về tinh thần, khủng hoảng tâm lý, làm “lệch chuẩn về nhận thức, nhận thức giản đơn”, dẫn đến hành động sai trái. 
Và thực tiễn cho thấy, hậu quả của sang chấn tâm lý là một hiện tượng khá phức tạp, có khi “bột phát”, có khi tiềm ẩn kéo dài. Một số tổn thương tâm lý bộc lộ rõ ra ngoài, số khác chỉ là chịu đựng âm thầm bên trong cảm xúc thua thiệt, “thất bại”. Biểu hiện phổ biến nhất của chiến sĩ bị sang chấn tâm lý thường lo âu và chán nản kéo dài, ngại tiếp xúc với chỉ huy và với bạn bè, tỏ ra không vừa lòng với mọi thứ, ăn không ngon, ngủ thiếu yên giấc, rất nhạy cảm với thông tin xung quanh, hay vơ những câu nói của người khác về mình, cáu gắt thất thường. Do đó, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp quản lý cấp phân đội cần nắm chắc diễn biến tâm lý của bộ đội, để kịp thời phát hiện chiến sĩ có biểu hiện bị tổn thương tâm lý và tìm các biện pháp giải tỏa hiệu quả.

Tăng giáo dục, khắc phục gia trưởng, quân phiệt

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ trung, cao cấp quân đội, tháng 11 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ và chiến sĩ đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định vượt được khó khăn, sửa được sai lầm, giành được thắng lợi”. Do đó, đòi hỏi cán bộ cấp phân đội là người trực tiếp huấn luyện, rèn luyện và quản lý bộ đội, không chỉ gương mẫu thực hiện tốt việc “4 cùng”, là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng với bộ đội, mà còn phải đề cao giáo dục, lấy giáo dục thuyết phục nêu gương là phương thức cơ bản để cảm hóa bộ đội. Đồng thời, tích cực chống các biểu hiện quân phiệt, gia trưởng gây ra nhiều hệ lụy, như mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, tạo tâm lý hoang mang “lệch chuẩn”, dẫn đến các hành vi cực đoan như tự sát, tự thương, ảnh hưởng đến chất lượng công tác và chấp hành kỷ luật của bộ đội.
Để thực hiện tốt yêu cầu này, đội ngũ cán bộ quản lý cấp phân đội cần chủ động, sâu sát, bám nắm bộ đội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh phong phú, trong đó chú trọng các hình thức giáo dục cảm hóa, thuyết phục, nhất là xây dựng cho bộ đội động cơ phấn đấu rõ ràng. Bởi vì, tuổi trẻ là tuổi của ước mơ và hy vọng, tuổi của rất nhiều các dự định về cuộc sống hiện tại và tương lai. Cho nên, rất cần sự nâng đỡ về mặt tinh thần và sự gia tăng thời lượng giáo dục về mục tiêu lý tưởng sống nhằm xây dựng cho bộ đội cách sống và sinh hoạt phù hợp. Như thông qua công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống, sinh hoạt học tập của tổ chức Đoàn, hội đồng quân nhân, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao, giao lưu kết nghĩa, để làm cho mỗi quân nhân nhận thức được rằng, những ngày sống và phục vụ trong quân đội có liên quan đến toàn bộ bề rộng và chiều sâu của hiện thực đời người. Khêu gợi cho chiến sĩ biết tự đánh giá lại những gì không đạt được của bản thân, tránh sự ân hận hoặc nuối tiếc kéo dài để làm giảm ý nghĩa của những gì đã hướng tới mà không thành công. Cũng như cho bộ đội thấy được rèn luyện trong môi trường quân đội là quãng thời gian quý giá để tuổi trẻ tôi luyện về nhân cách, là thời cơ tốt để chuẩn bị cho việc thực hiện những ước mơ và dự định của tương lai. 
Khi đơn vị xảy ra sự việc, phải hết sức bình tĩnh, thận trọng để xử lý các tình huống phức tạp trong quan hệ nội bộ; tối kỵ trong tập thể sự khích bác, đàm tiếu và xa lánh những chiến sĩ mắc phải sai lầm, khuyết điểm, những chiến sĩ cá biệt chậm tiến. Khi phát hiện chiến sĩ có dấu hiệu bị tổn thương tâm lý, phải thường xuyên gần gũ,i quan tâm, theo dõi, giúp đỡ, động viên khích lệ, đưa họ vào các hoạt động, sinh hoạt bình thường, giúp đỡ họ giải quyết các khúc mắc, khó khăn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý con người, vũ khí, cơ sở vật chất, các giấy tờ tùy thân của quân nhân theo đúng quy định. Duy trì thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn trong huấn luyện, học tập, công tác, lao động và tai nạn rủi ro gây hậu quả nghiêm trọng. Khi thực hiện nhiệm vụ ngoài doanh trại, cần quản lý chặt chẽ vũ khí, trang bị, phương tiện, nhất là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, tránh để xảy ra các vụ việc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ và các vi phạm khác.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ