A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ sở quan trọng để “ngọc mãi sáng, vàng luôn trong”

QPTĐ-Đạo đức cách mạng là nền tảng, là cốt lõi chi phối toàn bộ hoạt động, mục tiêu, lý tưởng và phẩm chất chính trị của Đảng nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) nói riêng. Thực tiễn đã chứng minh, dù ở giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta cũng luôn đặc biệt quan tâm, coi trọng việc xây dựng Đảng về đạo đức. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở và nhấn mạnh “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, nếu không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị “Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới”. Đây chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho CB, ĐV hiện nay.

Tranh minh họa.

Thể hiện rõ tính cấp thiết về cả lý luận và thực tiễn

Từ khi ra đời đến nay, tùy theo tình hình và nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ mà Đảng xác định những vấn đề cần tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng cho phù hợp, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng thêm vững mạnh. Bởi vì, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con người phát triển toàn diện, trước hết phải là đạo đức, lối sống cách mạng. Đạo đức cách mạng là một tiêu chuẩn quan trọng của mỗi CB, ĐV của Đảng trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Trên cơ sở đó, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng cũng như sáng lập và giáo dục rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở CB, ĐV: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến.  Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách đạo đức”. Bác đánh giá rất cao vai trò của đạo đức cách mạng của CB, ĐV, Người chỉ rõ “cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng thì phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”.

Trong điều kiện hiện nay khi mà hàng ngày, hàng giờ mỗi CB, ĐV phải đối mặt với nhiều vấn đề mới của thực tiễn đặt ra, sự tác động nhiều chiều của những điều kiện trong và ngoài nước như sự cám dỗ về vật chất của cơ chế thị trường, cơ chế mở; trước sự phá hoại của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hoà bình”; những tham vọng về địa vị, quyền lợi, lợi ích nhóm. Như Nghị quyết Trung ương 4 “khóa XII” đã chỉ ra: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra nguyên nhân: “Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, nguyên nhân chính là việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa… việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi. Tất cả những điều đó đang đặt ra vấn đề tiêu chuẩn đạo đức lối sống của CB, ĐV lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Chúng ta đều thấu hiểu được rằng, để xây dựng được một bức tường lớn, vững chắc sẽ luôn cần những viên gạch tốt. Trong xây dựng tổ chức Đảng cũng vậy, mỗi người đảng viên phải là viên gạch đó để xây dựng một bức tường mang tên Đảng cộng sản Việt Nam. Bức tường có vững chắc hay không thì phần lớn phụ thuộc vào sự cứng cáp của viên gạch. Đảng viên đứng trong hàng ngũ của Đảng cũng vậy, tổ chức Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức chỉ khi mỗi đảng viên tự mình có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, kiên định vững vàng và Quy định số 144 là sự tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng hướng tới giá trị tốt đẹp chân, thiện, mỹ trong tình hình hiện nay, để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Cán bộ đảng viên có đạo đức mới hoàn thành tốt nhiệm vụ

Nói về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái/Giữ vững lập trường/Tận trung với nước/Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”. Đạo đức của Đảng ta là đạo đức cách mạng. Đó là đạo đức mang bản chất giai cấp công nhân, phát triển trên nền móng đạo đức dân tộc Việt Nam từ truyền thống tới hiện đại và thâu hóa tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chính nhờ có đạo đức cách mạng, nên trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã xuất hiện nhiều tấm gương chói sáng của CB, ĐV hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tiêu biểu như các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai… đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh. Hay tấm gương về Tổng Tư lệnh-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là người cách mạng gương mẫu về phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, đoàn kết, khiêm tốn, giản dị, chí công vô tư, gần gũi, hết mực thương yêu cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đều thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, giữ vững khí tiết, tư tưởng tiến công, ý chí tự lực, tự cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Vậy nên, có thể thấy ngay từ khi sáng lập Đảng cho đến khi trở về với thế giới người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn không ngừng quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ CB, ĐV, người luôn coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Và thực tế trong công tác xây dựng Đảng qua 94 năm ra đời cho đến nay cũng đã chứng minh sáng rõ điều đó. Quy định 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng, là bước cụ thể hóa nhiệm vụ về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Đại hội XIII của Đảng đề ra. Trong đó, Quy định 144-QĐ/TW kết cấu thành 6 điều. Nội dung Điều 1 đến Điều 5 là sự cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của CB, ĐV trong giai đoạn mới. Điều 6 là quy định về tổ chức thực hiện. 

Nội dung các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong Quy định này có tính cô đọng, khái quát và dễ hiểu. Nội dung của từng điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng của CB, ĐV lại được cụ thể hóa thành từng khoản gắn với tên gọi của từng chuẩn mực đạo đức đã nêu ở tên từng điều. Chính xác hơn là từ nội dung cụ thể của 5 điều đã được cụ thể hóa thành 19 chuẩn mực đạo đức cách mạng mà mỗi CB, ĐV cần phải tuân thủ, như: Nội dung “yêu nước” có nội hàm là gì? chuẩn mực tôn trọng nhân dân được cụ thể hóa bằng “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh”; chuẩn mực “tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc” được cụ thể hóa rất rõ ràng là “Đặt lợi ích quốc gia-dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết” và “kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia-dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân”; hay chuẩn mực bản lĩnh được cụ thể hóa bằng “kiên quyết, kiên trì” bảo vệ nền tảng tư tưởng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và “thực hiện nghiêm” các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

Có thể khẳng định, thời kỳ phát triển mới của đất nước, hơn lúc nào hết, đòi hỏi mỗi CB, ĐV trong từng tư duy, trong mỗi hành động đều phải bắt đầu từ yếu tố đạo đức cách mạng. Quy định số 144 chính là tiêu chuẩn, thước đo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại CB, ĐV, là cơ sở để cấp ủy đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ, đảng viên đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới. Vậy nên, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần quán triệt, triển khai nghiêm quy định về chuẩn mực đạo đức cho CB, ĐV và thực hiện có hiệu quả, để đạo đức của Đảng mãi lan tỏa và đi vào cuộc sống.

NGUYỄN VĂN TUÂN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ