A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ nghĩa cá nhân: “Kẻ thù” của quân đội

QPTĐ- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới chính là “giặc nội xâm”, nó có thể phá sập mọi thành quả cách mạng. Đối với quân đội, chủ nghĩa cá nhân không chỉ làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, phai nhạt hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị ngay từ cơ sở.

Ảnh minh họa: P.Linh

Những tác động và sự nguy hại 
Hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch và sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, một số ít quân nhân không giữ được mình, đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, biểu hiện rõ nhất là phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, nói, viết và làm không đúng nghị quyết, chỉ thị, quy định, nguyên tắc của Đảng, kỷ luật của Quân đội; sa sút ý chí phấn đấu, không phục tùng mệnh lệnh, không gương mẫu trong công tác, thiếu tính kỷ luật và chấp hành kỷ luật không nghiêm. Điều này không chỉ làm phai nhạt hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị ngay từ cơ sở. 

Đặc điểm chung của những quân nhân khi sa vào chủ nghĩa cá nhân, là thường không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, làm việc gì cũng chỉ mưu cầu cho lợi ích cá nhân; cụ thể là thích phán xét, soi mói đến hoạt động của cá nhân và tập thể đơn vị, đặc biệt là so sánh sự quan tâm đến chế độ chính sách, duy trì nền nếp chế độ của người chỉ huy, ví như “Anh A trước đây làm chỉ huy đơn vị rất quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ, ngày lễ, ngày tết đều có quà cáp, rồi tạo điều kiện cho các gia đình đi tham quan, nghỉ mát. Còn anh B bây giờ làm chỉ huy đơn vị thì không làm được như thế, chỉ có công việc đặt lên hàng đầu”; hay ngại khó, ngại khổ khi phân công công tác xa nhà...

Vậy đấy, khi những nhu cầu mong muốn theo lối suy nghĩ chủ quan của cá nhân không đạt được, là nảy sinh ra sự ganh ghét, đố kị, so bì, tị nạnh, lâu dần hình thành nên tư duy thực dụng, lối sống theo chủ nghĩa cá nhân. Vậy nên mới có những biểu hiện tham ô, ăn chặn tiêu chuẩn của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều. Bớt xén kinh phí huấn luyện, xây dựng đơn vị làm quỹ riêng, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý xâm phạm tiêu chuẩn của bộ đội bất chấp tất cả, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, thiếu tác phong sâu sát, cụ thể, chỉ đạo công tác chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính, tự do tùy tiện trong công tác, bê tha trong sinh hoạt, lười biếng, thiếu trách nhiệm. 

Điển hình như một số tướng lĩnh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam... sa vào chủ nghĩa cá nhân, chỉ lo cho bản thân “vinh thân, phì gia”, dẫn đến vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sự tin yêu của nhân dân với Quân đội. Bên cạnh đó, những vụ vi phạm kỷ luật trong quan hệ quân-dân, quan hệ của cán bộ với chiến sĩ, giữa chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới, rồi mất an toàn giao thông, vay nợ không có khả năng chi trả... ở một số cơ quan, đơn vị cũng là mảnh đất màu mỡ dung dưỡng cho chủ nghĩa cá nhân phát triển, làm cho Quân đội mất dần tính cách mạng, tính Đảng, tính nhân dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Quân đội, lực lượng chính trị trung thành chiến đấu bảo vệ Đảng và chế độ. 

Những biểu hiện trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gây ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nó không chỉ đối lập với phẩm chất tốt đẹp của những người quân nhân cách mạng đầy nhiệt huyết, dũng cảm trong chiến đấu, công tác, mà còn làm tổn hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân, gây chia rẽ khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, làm mất dân chủ trong cơ quan, đơn vị.

Xác định rõ tiêu chí để thực hiện
“Bộ đội Cụ Hồ”, danh hiệu cao quý được nhân dân suy tôn và trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ của Quân đội ta, gắn với hình ảnh mẫu mực, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện bản chất cách mạng của quân đội kiểu mới, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân, trở thành biểu tượng của niềm tin đối với các thế hệ con người Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Do đó, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân cũng là “cụm từ” nổi bật trong Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương và điều này có liên hệ mật thiết rất gần gũi với tư tưởng đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Quân đội phải thật sự trong sạch trong nội bộ, đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực, chống chủ nghĩa cá nhân”.

Vì vậy, trên cơ sở các giá trị, chuẩn mực nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” đã định hình trong những năm qua, trước yêu cầu của thời kỳ mới, “chìa khóa” để giúp cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân hiện nay, đó là 6 nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Xét về bản chất, nguyên nhân sâu xa của chủ nghĩa cá nhân nảy sinh, xuất phát từ những nhận thức sai trái, lệch lạc của mỗi quân nhân. Vì vậy, giải pháp nền tảng, xuyên suốt là thường xuyên giáo dục, tuyên truyền làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thực sự giác ngộ mục tiêu, lý tưởng cách mạng; luôn thấm sâu trong nhận thức rằng: Giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân vừa là trách nhiệm của thế hệ hôm nay với những cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước, vừa là nhu cầu khẳng định bản thân cũng như giá trị của “Bộ đội Cụ Hồ” trong xã hội hiện nay. 

Để đạt hiệu quả, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần nhận thức đúng và coi trọng lãnh đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với tinh thần đổi mới, sáng tạo, thực chất. Nội dung giáo dục phải toàn diện, song cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi là: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu, lý tưởng cách mạng; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương; đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tinh thần suốt đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân của người quân nhân cách mạng. Trong tiến hành giáo dục phải không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sinh động, phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với nắm bắt tư tưởng, kịp thời phát hiện, giải quyết từ gốc những vấn đề nảy sinh, đặc biệt là tư tưởng bất mãn, dao động.

Cùng với đó, trên cơ sở 10 biểu hiện về chủ nghĩa cá nhân được Quân ủy Trung ương chỉ ra, các cấp ủy, tổ chức Đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải xây dựng, đề ra các tiêu chí cụ thể hóa tiêu chuẩn “Bộ đội Cụ Hồ” sát hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình, như chỉ huy phải có kế hoạch thực hiện, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải có bản cam kết phấn đấu và được đánh giá hàng tuần, từ đó làm cơ sở cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chủ động đấu tranh, khắc phục những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời lấy đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại, bình xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cán bộ, đảng viên, nhân viên, chiến sĩ đơn vị. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài; “chống”, đấu tranh, phòng, chống, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, là công việc thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày”. 

Do đó, Ủy ban kiểm tra các cấp chủ động đưa nội dung phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân thành một nội dung trong kế hoạch kiểm tra, giám sát đảng viên hàng năm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhất là giám sát thường xuyên và tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện. Có như vậy, chủ nghĩa cá nhân mới không có cơ hội nảy sinh trong môi trường quân đội.
 

Ths. Lê Văn Thành
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ