Cán bộ, đảng viên phải giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn trên mạng xã hội
QPTĐ-Thời gian qua, trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của mạng internet, nhiều cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) đã sử dụng các trang blog, mạng xã hội (MXH) để đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Có thể nói, đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của việc tự do, dân chủ đang ngày càng được mở rộng và phát huy. Tuy nhiên, trong số này, có một số CB, ĐV đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, phẩm chất của người CB, ĐV.
Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu khi phát ngôn trên mạng xã hội. (Ảnh: Internet )
Xét về nhiều mặt, MXH mang tính cá nhân rất cao, bởi gần như hoàn toàn do cá nhân đăng tải những thông tin, hình ảnh theo ý chí chủ quan của mình, trừ một số ít trường hợp vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng” do những người thiết lập MXH đặt ra. Đó là, bản thân người dùng gần như có thể đăng (post) bất kỳ loại thông tin, hình ảnh gì, vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu, dưới bất cứ hình thức gì. Xuất phát từ điểm này, một số CB, ĐV do nhận thức không đầy đủ, khi sử dụng MXH đã phát ngôn, đăng tải, chia sẻ những bài viết mang thông tin chưa được kiểm chứng, có nội dung không đúng, vi phạm các quy định về bảo mật của cơ quan, đơn vị, không có lợi cho tổ chức của Đảng, của Nhà nước. Hay có những CB, ĐV trong các cuộc họp của cơ quan mình, hoặc sinh hoạt đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, thì “mũ ni che tai”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, im lặng xuôi chiều, thế nhưng khi sử dụng MXH thì thích thể hiện lối sống “chơi trội” của mình, nhiệt tình tham gia, lên tiếng, nào là: “Đấu tranh bảo vệ công lí, lẽ phải”, nào là “nhân danh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”, nhưng thực tế, những lập luận đưa ra một là đã cũ, không có cơ sở, chỉ vì thấy “hay” là chia sẻ, hai là cắt xén, trích dẫn bài viết của người khác. Thoạt nhìn, điều này tưởng như là một thái độ dũng cảm, tích cực của CB, ĐV, nhưng thực chất chỉ là những lập luận mơ hồ, lụn vụn, thiếu cả kiến thức lẫn tư duy chiều sâu. Đáng tiếc là khi “trà dư, tửu hậu”, những CB, ĐV này lại hay nhắm tới những đề tài này để bàn luận, lúc thì hùa theo những thông tin vô căn cứ chắp nhặt trên vài trang mạng, tỏ ra thạo tin, lúc thì chuyền tay nhau những đường link không chính thống, khiến cho người xem thêm ưu tư, lo lắng, thậm chí mất lòng tin vào Đảng.
Hiện nay, lợi dụng sự phát triển của MXH, các thế lực phản động, những phân tử cơ hội chính trị triệt để lợi dụng, sử dụng hàng trăm ngàn các trang blog, MXH để tuyên truyền, kích động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng triệt để khai thác những phát ngôn của CB, ĐV trên MXH rồi cắt xén, thêm bớt hòng bôi xấu danh dự, phẩm chất của người CB, ĐV chân chính. Vì vậy, mỗi CB, ĐV phải cần gương mẫu trong phát ngôn, trong sử dụng MXH, trong Điều lệ Đảng đã ghi rõ nhiệm vụ của người đảng viên là “tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng”, “tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng”. Nên hơn ai hết, đây chính là lúc mỗi CB, ĐV cần thể hiện bản lĩnh chính trị; không những không nghe, không bàn luận về những “tin xấu độc” ấy mà còn phải tỏ rõ quan điểm phê phán, lên án hành vi tung tin chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu chế độ. Mặt khác, cần tích cực phát hiện thủ đoạn chống phá thông qua những tin tức chứa nội dung nhạy cảm, nói xấu, kích động, chia rẽ nội bộ, tố giác hành vi chia sẻ, phát tán thông tin để cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp xử lý nghiêm. Đồng thời, mỗi CB, ĐV cần giúp quần chúng nhân dân hiểu rõ bản chất của các thông tin xuyên tạc, từ đó có khả năng “miễn dịch” trước những luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước; cùng với đó là phổ biến những thông tin chính thống để quần chúng nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” đã nêu cụ thể một số hành vi vi phạm kỷ luật liên quan đến MXH. Đó là: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng” (điểm g, mục 3, Điều 7); “Trả lời phỏng vấn, cho đăng tải tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có nội dung sai sự thật, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử” (điểm e, mục 2, Điều 10). Hình thức kỷ luật cao nhất đối với các vi phạm này là khai trừ ra khỏi Đảng. Đặc biệt mới đây, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định số 47 ngày 01/11/2011 quy định 19 điều đảng viên không được làm. Cụ thể trong Điều 1: “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”, đều phải xử lí nghiêm minh.
Vì vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, trong sinh hoạt, công tác phải thường xuyên trao đổi, làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu xa, độc hại, ác ý của các thế lực thù địch, phản động. Cần dựa vào những tài liệu, thông tin chính thống, để cung cấp cho CB, ĐV những luận cứ, thông tin chính xác làm cơ sở đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên không gian mạng. Đối với mỗi CB, ĐV khi tham gia MXH phải chú trọng thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, từ đó kịp thời phát hiện, gương mẫu đấu tranh tránh bị lôi kéo, dụ dỗ mà cố ý hoặc vô tình ủng hộ, chia sẻ, loan truyền những thông tin phản động, độc hại trên MXH. Thường xuyên tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu của người CB, ĐV khi phát ngôn hay khi tham gia MXH.
NGUYỄN VĂN TUÂN