A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Quà tặng”- Lộc trời hay chiếc dây thòng lọng

Bài 3: Ngăn chặn tận gốc biến tướng “quà tặng” từ cơ chế “xin-cho”

QPTĐ- Bản chất của cơ chế “xin-cho” là đặc quyền, đặc lợi và tạo ra sự bất công trong xã hội. Bởi vì, như chúng ta đã biết, cơ chế “xin cho” không đơn thuần là “xin không” và “cho không”, mà  “xin-cho” gắn liền với những khoản lót tay và chi phí bôi trơn, nên là cái gốc đẻ ra tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đề ra giải pháp phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đó là: “Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, “duyệt-cấp”.

Cần đấu tranh loại bỏ sự biến tướng của quà tặng.

Tranh minh họa: Tuổi trẻ online

Những hệ lụy xấu từ cơ chế “xin-cho”

“Xin-cho” là sản phẩm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung của thời kỳ quan liêu bao cấp, trong đó, mọi hoạt động của cơ sở đều phải đặt trong một kế hoạch chung của ngành, của địa phương, mọi hoạt động của các ngành, các địa phương phải đặt trong một kế hoạch chung của cả nước, gọi là Kế hoạch Nhà nước. Kế hoạch này, do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp, cắt xén cho cân đối.

Cơ chế “xin-cho” chỉ có tác dụng nhất thời trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và lẽ ra nó phải chấm dứt “vai trò lịch sử” từ rất lâu rồi. Nhưng vì muốn co kéo, vun vén bổng lộc, chia chác lợi ích, thích duy trì vai vế ban phát của “đấng bề trên” mà không ít người có chức quyền và cả một số tổ chức, cơ quan, bộ phận vẫn không muốn từ bỏ đặc quyền, đặc lợi nên cố níu giữ cơ chế bất cập, lạc hậu này. Chúng ta đều biết, lẽ đương nhiên đã có “xin” thì ắt có “cho” hoặc “không cho”, thông qua các vụ án như ở Công ty Việt Á, chuyến bay giải cứu, hay vụ án ở Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) và Công ty xuyên Việt Oil… là một ví dụ điển hình về những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền lẽ ra phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình là thay mặt Đảng, Nhà nước bảo đảm các quyền cho người dân, doanh nghiệp và cấp dưới, thì lại nghiễm nhiên tự cho mình cái quyền được ban ơn “cho hay không cho, cho ít hay nhiều, cho sớm hay muộn”. 

Chính từ điều vô lý của cơ chế “xin cho” này là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn đến tha hóa quyền lực của không ít CB, ĐV, mà biểu hiện rõ nhất là tác phong làm việc trì trệ, hành dân, nhũng nhiễu, tiêu cực, cố tình “gây khó để có phong bì”; đồng thời làm người dân và doanh nghiệp lúc nào cũng có tâm lý đi “xin” và “muốn qua sông thì phải lụy đò”, phải có “bôi trơn” mới nhanh. Để rồi, chính từ ánh hào quang rực rỡ của “quà tặng” ấy, đã khiến nhiều quan chức vì lòng tham che mờ lý trí đến mức như cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng từng khai “không nhớ đã nhận tiền của ai, bao nhiêu” để rồi đến lúc phải cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước và đặc biệt là công dân Thủ đô, khi ấy ông Dũng mới nghẹn ngào: “Sai phạm đã làm xấu hình ảnh một Hà Nội thanh lịch hào hoa”. 

Và kết cục sau cùng, hàng loạt cựu quan chức phải ngồi tù, phải trả giá bằng “chiếc dây thòng lọng vô hình từ quà tặng” với nhiều day dứt, ân hận muộn màng. Chia sẻ về sự biến tướng của “quà tặng” thông qua cơ chế “xin cho”, Trung tá, Thạc sĩ Nguyễn Khắc Hòa, Giảng viên khoa Kinh tế-Chính trị, Trường sĩ quan Chính trị cho rằng: “Thực tế cho thấy, các vụ đại án tham nhũng không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, mà còn kéo theo hàng loạt quan chức bị kỷ luật, xử lý hình sự trong những năm gần đây, nguyên nhân bắt nguồn sâu xa từ việc quản lý, vận hành các hoạt động kinh tế-xã hội chưa thoát khỏi cơ chế “xin cho”. 

Thông qua số tiền đưa, nhận hối lộ trong các vụ án cho thấy, người xin kẻ cho đều không mất gì. Bởi vì, người “đi xin” luôn có tham vọng quá lớn, cố gắng chạy vạy, lo lót xin được càng nhiều dự án, càng nhiều cơ chế, chính sách thì càng có cơ hội bòn rút của công; trong khi “người cho” thì lại dễ dãi cấp phát, chia chác ngân sách, tài sản nhằm hưởng lợi hoa hồng, do đó cả hai đối tượng “xin-cho” cùng có lợi, chỉ Nhà nước và nhân dân mới chịu thiệt thòi”. Còn theo Đại tá, Thạc sĩ Lê Văn Thành, Giảng viên Viện Khoa học nhân văn quân sự cho biết: “Sự nguy hiểm từ hệ lụy cơ chế này, đã làm cho CB, ĐV nảy sinh tư tưởng đặc quyền, đặc lợi, tự cho mình có cái quyền cho, chia, ban phát, nên dẫn đến tha hóa quyền lực, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, đồng thời là cái cớ để các thế lực phản động, thù địch lợi dụng chống phá nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Muốn xóa bỏ cần thống nhất cả về nhận thức và hành động

Như vậy, nguyên nhân quan trọng, chủ yếu dẫn đến tham nhũng, tiêu cực nhất, đó chính là sự sơ hở, bất cập, thiếu công khai, thiếu minh bạch, vì cơ chế “xin-cho” còn tồn tại. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều lần trong các phiên họp. Cụ thể là, cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng, quản lý, luân chuyển tài sản có nhiều sơ hở, giao tài sản nhưng không có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nên người dân và doanh nghiệp có suy nghĩ phải “đi trước đón đầu” mới xong, tạo điều kiện cho CB, ĐV có cơ hội tham nhũng. Cho nên, muốn xóa bỏ cơ chế “xin-cho”  nguyên nhân hình thành tham nhũng và để “quà tặng” mãi là nét đẹp trong văn hóa người Việt, cần phải có giải pháp để ngăn chặn từ sớm. Trước hết, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ, đồng thời, cần tập trung đơn giản hóa, tối ưu hóa, số hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, công khai minh bạch hướng tới “5 dễ” cho người dân và doanh nghiệp (đó là dễ tìm, dễ xem, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp ý); đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo công khai, minh bạch.

Trong những năm qua, để phòng ngừa, ngăn chặn “quà tặng” trá hình dưới hình thức hối lộ hay biến tướng từ cơ chế “xin-cho”, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, điều lệ, quy định cụ thể, rõ ràng về các hành vi vi phạm trong từng trường hợp và gắn với các khung hình phạt tương ứng. Điển hình trong Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm. Điều 15 nêu rõ: Tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Hay trong Luật Phòng, Chống tham nhũng năm 2018 quy định, trong mọi trường hợp, cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức, từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. 

Như vậy, quy định của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng, nhưng tại sao vẫn còn tình trạng CB, ĐV chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa tiên phong, gương mẫu, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn và những sơ hở của chính sách, pháp luật, sự lơi lỏng trong công tác quản lý để tham nhũng, trục lợi. 

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa-Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Theo tôi, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng thời gian qua có mặt còn hạn chế. Nên một bộ phận CB, ĐV, công chức, viên chức và người dân chưa nhận thức đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của các tổ chức trong phòng, chống tham nhũng, thiếu tự giác chấp hành. Để loại bỏ tận gốc cơ chế này, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, thì giải pháp chính là phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tư pháp, y tế, giáo dục… để không gây phiền hà, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, là quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm và tầm hội đủ các yếu tố đức-tài”.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “cán bộ là gốc của mọi công việc”, công tác cán bộ là khâu then chốt của then chốt, nếu khâu then chốt này bị lũng đoạn thao túng bởi câu chuyện “xin-cho” thì hệ lụy của nó là vô cùng nghiêm trọng, nếu không kiên quyết xử lý triệt để vấn đề này, thì chắc chắn CB, ĐV sẽ không kiểm soát, không tự khắc chế được mình và sẽ trượt dài vào suy thoái, tha hóa. Vì vậy, cần kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính trong hệ thống chính trị, tạo nền tảng vững chắc về phẩm chất cho CB, ĐV, nhất là những người có chức quyền trong bộ máy, phải tuân thủ vô điều kiện kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chịu sự giám sát của nhân dân, thì mới giữ trọn thanh danh, thực sự là đảng viên chân chính, là công bộc của nhân dân.

NGUYỄN VĂN TUÂN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ