A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Quan tâm”- Những khoảng tối dưới chân đèn

 

QPTĐ-Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chúng ta rất cần được quan tâm, bởi quan tâm không chỉ thể hiện sự thấu hiểu, sẻ chia, nhận rõ năng lực và sự cống hiến của mỗi cá nhân trong xã hội, mà còn là nguồn cổ vũ, động viên, tinh thần to lớn để chúng ta vượt qua những thách thức, khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, do mang lòng ích kỷ, đố kỵ của chủ nghĩa cá nhân, một số người khi có chút ít thành tích là thích khoe khoang, muốn được tổ chức hoặc người khác quan tâm, ghi nhận nên đặt ra những đòi hỏi vô lý, quá mức. Đây chính là cội nguồn sinh ra sự nghi kỵ, công kích lẫn nhau, dẫn đến nội bộ mất đoàn kết.

Tranh minh họa: Internet

Trong một lần họp lớp học cấp 3, sau câu chuyện hàn huyên tâm sự, tôi tình cờ chứng kiến 2 cô bạn học cùng lớp ngồi thay nhau “kể tội xấu” về sếp của mình, nào là: “Làm lãnh đạo cơ quan mà không quan tâm, chăm lo đến cán bộ, nhân viên cấp dưới. Gặp lúc nào cũng công việc đến đâu rồi, không biết cấp dưới của mình sống chết ra sao…”, “Ôi dào! Sếp tôi còn hách dịch hơn, có gần gũi với ai bao giờ đâu. Trong khi đó, mình bỏ ra bao công sức cống hiến, đóng góp cho cơ quan, được khen thưởng cũng từ việc làm của mình ra. Thế mà tôi có được quan tâm gì đâu, rất chán”. Có thể thấy, sự so sánh, suy diễn để gắn mình vào một vị trí quan trọng, tự cho mình được quyền đòi hỏi cao hơn người khác còn khá phổ biến, chúng ta dễ dàng bắt gặp qua các câu chuyện hàng ngày, nhất là lúc “trà dư, tửu hậu”, hoặc là mỗi khi cơ quan, đơn vị có sự thay đổi về nhân sự cán bộ chủ trì quản lý, luôn là chủ đề nóng được quan tâm, bàn luận. Nguyên nhân của hiện tượng trên là do một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), công chức vẫn mang nặng tư tưởng tự tâng bốc mình, đề cao vai trò cái tôi cá nhân lên trên, lên trước tập thể để đòi hỏi những đặc quyền, đặc lợi. Vậy nên, họ luôn cho rằng “Thần thiêng vì có bộ hạ”, bao nhiêu thành quả của cơ quan, của tập thể là do công sức của cấp dưới tạo ra, cho nên cấp trên phải biết ơn cấp dưới, từ đó mà quan tâm, chăm lo đến cấp dưới. Nếu như những đòi hỏi quan tâm mà không được đáp ứng, hay mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu mong muốn, thế là họ bắt đầu chê bai, công kích, làm việc “cầm chừng”, cho rằng cấp trên không công bằng, không biết nhìn nhận, trọng dụng “người làm được việc”, từ đó sinh ra lòng trắc ẩn, nghi ngờ cấp trên ác ý, có tư thù riêng với mình, nên không để ý quan tâm; khi người chủ trì cơ quan mà được nghỉ hưu hoặc chuyển công tác là ngay lập tức họ công khai nói xấu, hoặc phủ nhận tất cả những thành quả mà người lãnh đạo, chủ trì đơn vị đã nỗ lực cống hiến, đóng góp cho tập thể và ca ngợi người mới, vì họ cho rằng “tân quan tân chính sách”, những đòi hỏi quan tâm đến lợi ích cá nhân bấy lâu nay sẽ được đáp ứng. Đây chính là những khoảng tối dưới chân đèn. 

Vậy chúng ta đã bao giờ tự hỏi “cấp dưới đã quan tâm và chăm lo cho cấp trên chưa”. Nếu đặt ra câu hỏi này, nhiều người sẽ lầm tưởng, nghĩ ngay đến việc phải biếu xén quà cáp, đi lại chăm sóc chu đáo mỗi khi gia đình cấp trên có công to, việc lớn, người thân ốm đau, hay thăm hỏi các dịp lễ, tết, đó chính là thể hiện sự quan tâm của cấp dưới dành cho cấp trên. Nhưng sự thật không phải như vậy, mà sự quan tâm ở đây chính là tình cảm, thái độ, nhận thức, am hiểu phẩm chất đạo đức, lối sống, tính cách cá nhân và đặc thù khó khăn, thuận lợi trong công việc của cấp trên đang là người trực tiếp “đứng mũi chịu sào”, mang trọng trách gánh vác, đảm nhiệm. Thấu hiểu được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ trên cương vị công tác của người chủ trì cơ quan, đơn vị để chia sẻ, hỗ trợ bằng cả lời nói lẫn việc làm cụ thể, như: Trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ được cấp trên giao, mức độ, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ đến đâu, đã phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu hay chưa; trên lĩnh vực ngành mình phụ trách đảm nhiệm, đã làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất đúng, trúng, tổ chức thực hiện hiệu quả những chỉ thị, mệnh lệnh, quyết định, nhiệm vụ mà cấp trên giao phó hay không. Chứ không phải là xu nịnh, biếu xén quà cáp, hầu hạ cấp trên để lấy lòng, càng không phải chuyện nịnh hót “xoa tay khét lẹt”, cúi đầu vâng dạ, mà không dám nêu lên chính kiến của mình khi bảo vệ cái đúng, bảo vệ lợi ích chung của tập thể với cấp trên. 

Ông cha ta đã dạy “Làm dâu trăm họ”, ý nói là làm hài lòng một người đã khó, huống hồ là làm vừa lòng nhiều người với nhiều tính cách, yêu cầu đòi hỏi khác nhau thì càng khó khăn hơn. Không ai có thể nắm tay cả ngày đến tối, rất ít có người cán bộ chủ trì nào có thể chăm lo đến từng chi tiết nhỏ nhặt của cấp dưới được, bởi vì thực tiễn chúng ta đều thấy, làm chủ trì ở mỗi cơ quan, đơn vị thường có đến hàng chục, hàng trăm, rồi cả đến hàng vạn CB, ĐV, nhân viên, thì làm sao người cán bộ chủ trì, người đứng đầu có thể chiều lòng hết và cũng không thể đủ sức bao quát, quán xuyến đời tư, cũng như không thể cầm tay chỉ việc cho từng người được. Do đó, cấp dưới, tập thể cũng cần tường minh hiểu rõ, cấp trên luôn có những nỗi khổ riêng, như áp lực của khối lượng công việc đặt ra rất lớn, nếu như công việc của cá nhân chỉ một ngành, một lĩnh vực, thì người đứng đầu công việc là đa chiều nhiều lĩnh vực, ngành nghề mà cơ quan, đơn vị đang quản lý, trong khi đó áp lực hoàn thành với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao; rồi còn chưa kể đến các công việc đối nội, đối ngoại, giải quyết các mối quan hệ với những cơ quan, đơn vị khác mà cấp trên là đại diện của tập thể phải thực hiện. Vậy nên, trước khi đòi hỏi quan tâm ở đây cần nhìn nhận khách quan, công bằng ở khía cạnh cấp trên có luôn sẵn sàng dấn thân vì nhiệm vụ chung, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của bản thân không. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cấp trên có dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có khuyến khích, bảo vệ cán bộ không. Có giải quyết, ứng xử các mối quan hệ công bằng, dân chủ với mọi người không. Tục ngữ có câu: Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao, mục đích là để dạy chúng ta hiểu được rằng, muốn hoàn thành được việc lớn thì phải đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Cho nên, đừng vội vàng chỉ vì mới làm hoàn thành được nhiệm vụ, có chút ít thành tích là “vỗ ngực”, cho rằng ta đây hơn người khác, đòi hỏi cấp trên phải lập tức quan tâm đến quyền lợi không chính đáng của cá nhân mình. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi hiện tượng “so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình” là bệnh “óc hẹp hòi”. Cụ thể: “Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình, ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình”. Nên ngay từ năm 1927, trong cuốn Đường Kách Mệnh, Bác đã xác định những yêu cầu về đạo đức của người cách mạng là phải: “Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh - Ít lòng ham muốn về vật chất. Vị công vong tư. Không hiếu danh, kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Phục tùng đoàn thể…”. Do vậy, sự quan tâm của cấp dưới đối với cấp trên được thể hiện mỗi CB, ĐV, nhân viên phải thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” lại mình, xem bản thân đã cống hiến, đóng góp hy sinh xứng đáng với những quyền lợi mà mình cần đòi hỏi chưa, từ đó có cái nhìn đúng đắn, khách quan trung thực về sự quan tâm của cấp trên dành cho cá nhân và tập thể. Cùng với đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng và tác phong làm việc sâu sát, khoa học, gần gũi quần chúng, biết lắng nghe, chia sẻ từ cấp dưới, không nên áp đặt mệnh lệnh hành chính, những quyết định mang tính chủ quan của mình, tạo ra môi trường công tác, sinh hoạt dân chủ, đoàn kết. Có như vậy cấp trên và cấp dưới mới ngày càng gắn bó.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ